Phomát mềm Valio của Phần Lan là một trong những sản phẩm hiện nay mà Nga cấm nhập khẩu. (Nguồn: Reuters) |
Trong tuyên bố, EP thừa nhận EU đang chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp đáp trả trừng phạt của Moskva, bởi Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nông sản của EU sang Nga đạt 11,3 tỷ euro.
EP cho rằng lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ các nước EU mà Nga áp đặt ngày 7/8 vừa qua có thể gây thiệt hại ít nhất 5,1 tỷ euro cho các nhà sản xuất nông nghiệp của khối.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đánh giá ngành xuất khẩu nông sản EU bị thiệt hại 5 tỷ euro do lệnh cấm trên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức thiệt hại thậm chí có thể vượt quá 7 tỷ euro.
Trong bối cảnh nông dân EU không thể xuất khẩu nông sản sang Nga, từ ngày 24/9, EC lại quyết định ngừng chương trình hỗ trợ các nhà sản xuất phomát với lý do hoạt động này không hiệu quả khi nhiều nhà sản xuất không xuất khẩu khối lượng phomát đáng kể sang Nga cũng đòi được bồi thường thiệt hại.
Theo EC, Phần Lan và các quốc gia Baltic là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất vì ít nhất 75% lượng phomát xuất khẩu của các nước này cung cấp sang Nga. Tiếp theo là Đức, Hà Lan và Ba Lan.
Trước khi Moskva áp đặt lệnh cấm, xuất khẩu phomát từ các nước EU sang Nga trung bình đạt 1 tỷ euro/năm.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới cùng ngày, thủ lĩnh đảng "Liên minh phương Bắc" của Italy, Nghị sỹ châu Âu Matteo Salvini tuyên bố những biện pháp trừng phạt của EU mà Rome ủng hộ áp đặt đối với Nga đang đi ngược lại lợi ích quốc gia của Italy, đồng thời cho rằng hành động này là vô nghĩa.
Đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine, kể từ ngày 7/8 vừa qua, Moskva đã cấm nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, rau quả, thịt gia cầm, cá, phomát, sữa và các sản phẩm sữa từ các nước EU, Australia, Canada, Na Uy và Mỹ.
Điều này đã gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp, cũng như nông dân trong EU.
Trước đó, giới phân tích cho rằng lệnh cấm của Nga có thể gây thiệt hại khoảng 16 tỷ USD đối với EU, đồng thời đẩy khu vực này càng lún sâu vào khủng hoảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét