(Quan hệ quốc tế) - Trước thực tế Nhật Bản và các nước ASEAN không ngừng tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, Trung Quốc đã nôn nóng, thậm chí tỏ lời lẽ đe dọa.
Các bước đi táo bạo của Nhật Bản
Tạp chí Thế giới đương đại của Trung Quốc đã cho đăng bài phân tích các động thái của Nhật Bản ở Đông Nam Á, phân tích hiện trạng, đặc điểm cũng như nguyên nhân hợp tác an ninh quân sự giữa Nhật Bản và ASEAN.
Theo bài báo, sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác chính trị với ASEAN, nhưng thành quả hợp tác chủ yếu vẫn nằm ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, hợp tác an ninh quân sự không mấy chặt chẽ.
Tình hình này có sự thay đổi rõ rệt trong gần hai năm qua, nhất là khi ông Abe quay trở lại nắm quyền, Nhật Bản tăng cường quan hệ an ninh với ASEAN. Hợp tác quốc phòng giữa hai bên có sự phát triển mới với 3 đặc điểm chính.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo các nước ASEAN tháng 12/2013. |
Thứ nhất, lãnh đạo cấp cao Nhật Bản rất coi trọng hợp tác an ninh. Trong hành trình đi thăm 10 nước Đông Nam Á của mình, ông Abe dường như phải nắm bắt mọi cơ hội để nhấn mạnh hợp tác an ninh, nói mọi lúc mọi nơi.
Tháng 1/2013, Thủ tướng Abe thảo luận với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono về khả năng tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước.
Tháng 7/2013, trong chuyến thăm Philippines, ông Abe bày tỏ mong muốn giúp nước này nâng cao khả năng hành động của lực lượng cảnh sát biển.
Tháng 11/2013, ông Abe đã đề cập đến các biện pháp “hợp tác an ninh” và “quy tắc xử lý tranh chấp khu vực” khi thăm Campuchia.
Các sĩ quan cấp cao của quân đội Nhật Bản cũng liên tục xuất hiện ở Đông Nam Á, thực hiện biện pháp ngoại giao quân sự của Chính phủ Nhật Bản. Cuối tháng 1/2013, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Kimizuka Eiji đi thăm Indonesia. Tháng 6/2013, khi đến thăm Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin. Tháng 9/2013, Itsunori Onodera còn đi thăm Thái Lan và Việt Nam, trong đó có Cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2013. |
Về phía các nước ASEAN, các sĩ quan cấp cao của Việt Nam, Philippines, Singapore và Indonesia cũng liên tục đi thăm Nhật Bản trong 2 năm gần đây, cấp bậc các sĩ quan và tần suất các chuyến thăm cũng tăng lên mức độ chưa từng có.
Thứ hai, phương thức hợp tác đa dạng, lĩnh vực hợp tác từng bước được mở rộng.
Trong hợp tác an ninh giữa hai bên, Nhật Bản tích cực giúp các nước ASEAN nâng cao năng lực quân sự, thực hiện các biện pháp để tăng cường hiện diện quân sự của Nhật Bản. Biện pháp chủ yếu của Nhật Bản bao gồm trao đổi và đào tạo nhân viên quân sự, giúp những nước Đông Nam Á cải thiện cơ sở hạ tầng, bán vũ khí và thúc đẩy tập trận chung với các quốc gia này.
Tháng 1/2013, lực lượng tự vệ mặt đất Nhật Bản cử nhân viên đến Campuchia để đào tạo kỹ năng làm đường và cứu nạn. Cũng trong năm 2013, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam và Indonesia đã đến Nhật Bản để đào tạo về sửa chữa các hỏng hóc thường gặp trên tàu ngầm.
Tại Hội nghị lần thứ năm Ủy ban hợp tác Nhật Bản-Việt Nam vào tháng 9/2013, Nhật Bản tuyên bố cho Việt Nam vay 5 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN vào tháng 12/2013, Nhật Bản đã đề xuất đầu tư 100 triệu USD cho Đông Nam Á trong vòng 5 năm nhằm đẩy nhanh sự tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhật Bản tại khu vực này.
Tháng 12/2013, khi gặp Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Nhật Bản Abe tuyên bố sẽ viện trợ cho Indonesia 6 triệu USD cho các dự án như xây dựng các tuyến đường sắt.
Tháng 2/2014, Nhật Bản còn viện trợ 4 triệu USD cho Myanmar để nước này xây dựng ba trạm radar khí tượng cho sân bay.
Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho một số quốc gia Đông Nam Á. |
Cũng theo báo Trung Quốc, Nhật Bản còn tích cực dùng phương thức lách luật để bán vũ khí cho các nước ASEAN. Ví dụ được nêu ra là vào tháng 7/2012, Nhật Bản đã ký hiệp định với Philippines, đồng ý cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra, mỗi chiếc trị giá 10 triệu USD.
Báo Trung Quốc cho rằng để thể hiện năng lực hành động quân sự của mình, Nhật Bản tích cực tham gia tập trận chung và cứu nạn tại khu vực Đông Nam Á. Từ tháng 3-4/2012, Nhật Bản đã lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận Balikatan giữa Mỹ và Philippines tại khu vực Biển Đông gần Philippines.
Thứ ba, Nhật Bản ngày càng coi trọng hợp tác song phương. Từ khi ông Abe quay trở lại cầm quyền đến nay, Nhật Bản ngày càng coi trọng hợp tác an ninh song phương với các quốc gia có quan điểm tương đồng, đặc biệt, hợp tác với Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Ngày 10/12/2010, “Đối thoại chiến lược Nhật-Việt” lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Tháng 9/2011, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh đã tiếp Đại tướng Shigeru Iwasaki, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản, khi ông sang thăm Việt Nam với những khẳng định tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, đi thăm lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm đào tạo phi công...
Tháng 10/2011, khi thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Yasuo Ichikawa. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ giao lưu hợp tác quốc phòng, đồng thời ký “Bản ghi nhớ hợp tác quân sự Nhật-Việt”. Hai bên nhấn mạnh phải căn cứ vào nguyên tắc của luật pháp quốc tế để thúc đẩy và đưa hợp tác an ninh biển giữa Nhật Bản và ASEAN đi vào chiều sâu.
Quan hệ quân sự Nhật Bản-Philippines cũng không ngừng được tăng cường. Tháng 7/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã đi thăm Nhật Bản lần đầu tiên sau 11 năm. Từ tháng 7-12/2013, trong vòng nửa năm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Odonera đã hai lần đi thăm Philippines, đánh dấu sự nâng cấp trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Ai run sợ?
Báo Trung Quốc đã nêu ra những nguyên nhân chủ yếu từ cả hai phía khiến Nhật Bản và ASEAN tăng cường hợp tác an ninh quân sự.
Về phía Nhật Bản, báo Trung Quốc cho rằng Tokyo đang muốn thử nghiệm chính sách “chủ nghĩa hòa bình tích cực” vốn được Thủ tướng Abe đưa ra từ tháng 9/2013. Thực chất của chính sách này là ra sức đảm bảo hòa bình, ổn định và phồn vinh trên cơ sở lập trường hòa bình tích cực với sự phối hợp quốc tế.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN tổ chức vào tháng 12/2013, Abe một lần nữa khẳng định lại quan điểm này, đồng thời kiến nghị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản. Nhật Bản hy vọng “chủ nghĩa hòa bình tích cực” được sự đồng thuận và ủng hộ của ASEAN.
Nguyên nhân thứ hai được báo Trung Quốc chỉ ra là do Nhật Bản chuẩn bị các bước đi làm đối trọng với Trung Quốc với chính sách “viễn giao cận công” lấy Trung Quốc làm mục tiêu.
Nhật Bản cũng chuyển chính sách đối với Trung Quốc từ “tiếp xúc và điều chỉnh” trước kia sang “phòng ngừa và đối trọng”.
Tàu Nhật Bản tuần tra ngoài khơi đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku. |
Báo Trung Quốc “tố cáo” rằng Nhật Bản có “ý đồ lợi dụng sự sợ hãi và lo ngại” của ASEAN khi đối mặt với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Nhật Bản tại khu vực này, cùng kiềm chế ảnh hưởng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong phần nguyên nhân từ phía Nhật Bản, báo Trung Quốc còn cho rằng Nhật Bản tăng cường hợp tác với Đông Nam Á vì phối hợp chiến lược “tái cân bằng” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Báo Trung Quốc phân tích, do ảnh hưởng của cắt giảm ngân sách quốc phòng, việc triển khai quân đội tại Đông Nam Á của Mỹ bị hạn chế, khiến các nước ASEAN nghi ngờ tính bền vững, năng lực cũng như quyết tâm can dự vào khu vực này của Mỹ. Nhật Bản cho rằng việc họ tăng cường xây dựng căn cứ quân sự và sức mạnh quân sự tại Đông Nam Á sẽ chia sẻ gánh nặng cho Mỹ, tạo ra cơ sở vững chắc để quân đội Mỹ luân chuyển triển khai tại khu vực này.
Điều đáng chú ý, trong nguyên nhân thứ tư, báo Trung Quốc đã đánh giá cao vai trò của ASEAN. Theo đó, Nhật Bản cần có sự ủng hộ của ASEAN trong ứng phó với vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải trên Biển Đông, một tuyến đường huyết mạch đối với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Tàu Trung Quốc vây ép và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ngay trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam |
Về phía ASEAN, báo Trung Quốc cũng nêu ra 4 nguyên nhân khiến các nước trong khu vực thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Nhật Bản. Ba nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra gồm: nhận thức của ASEAN về vai trò của Nhật Bản trong trật tự an ninh Đông Á, chính sách “cân bằng nước lớn” của ASEAN và thúc đẩy liên kết cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Đáng chú ý, trong nguyên nhân thứ tư, báo Trung Quốc cho rằng một số nước ASEAN hy vọng Nhật Bản can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc “kiếm lợi riêng cho mình”.
Báo Trung Quốc còn dẫn kết quả điều tra toàn thế giới với câu hỏi “nước nào là mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới” của Công ty tư vấn Gallup. Tỷ lệ chọn “Trung Quốc” ở Việt Nam là 54%, ở Nhật Bản là 38% và ở Philippines là 22%.
Đối sách của Trung Quốc
Trước thực tế, Nhật Bản và ASEAN ngày càng thắt chặt hợp tác an ninh quốc phòng, bài báo đã đề xuất những bước đi mà Trung Quốc cần thực hiện.
Sau khi đánh giá “hạn chế lớn nhất của Nhật Bản là sự hoài nghi của ASEAN” (?), báo Trung Quốc thậm chí còn “cảnh báo” rằng chính sách ngoại giao của Nhật Bản có xu hướng ngả sang phái hữu. Bằng chứng được dẫn ra là cách nói “quan hệ Anh-Đức trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất” để so sánh với hiện trạng quan hệ Trung-Nhật.
Báo Trung Quốc cũng “tố cáo” thái độ và chính sách của Nhật Bản không có lợi cho hòa bình và ổn định trên toàn khu vực Đông Á. Mô hình “Mỹ, Nhật Bản và một nước thứ 3” mà Nhật Bản ra sức lôi kéo các nước ASEAN là biện pháp để thiết lập tổ chức mới nằm ngoài những tổ chức hiện có, mà chỉ có thể làm suy yếu sự hiệu quả và thống nhất của các cơ chế hiện có mới có thể tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN và khiến quyền lãnh đạo những tổ chức này thuộc về Nhật Bản.
Với những nhận định trên, các bước đi được đề xuất gồm:
1. Tăng cường hợp tác an ninh quân sự song phương, tăng cường lòng tin cấp cao.
Bài báo dẫn số liệu từ năm 2000 – 2010, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Đông Nam Á là 424 triệu USD, còn Mỹ là 4,8 tỷ USD và Nga là 3,36 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc đến nay vẫn chưa xây dựng cơ chế đàm phán an ninh song phương với Malaysia, Brunei, Myanmar, Campuchia và Timor Leste. Từ đó, báo Trung Quốc rút ra kết luận, so với sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế và văn hóa, hợp tác an ninh rõ ràng không thể bằng.
2. Nâng cao năng lực thực hiện các sứ mệnh khác nhau của quân đội Trung Quốc trong khu vực với các nhiệm vụ cứu nạn, chống khủng bố, hỗ trợ tái thiết sau thiên tai, duy trì hòa bình, di dời người Trung Quốc ở nước ngoài...bên cạnh nhiệm vụ tác chiến.
3. Tham gia tích cực vào việc xây dựng cơ chế an ninh đa phương.
Tham vọng của Trung Quốc trong thập kỷ tới là nâng cấp quan hệ “cộng đồng chung lợi ích” giữa Trung Quốc và ASEAN lên thành “cộng đồng chung vận mệnh”.
Đông Triều (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét