- Việc tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam là hướng đi ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng dành ý nghĩa to lớn để phát triển phối hợp hành động với Nga. Điều hoàn toàn hợp lý liên quan đến việc này là quan hệ giữa hai nước đã có tính chất đối tác chiến lược toàn diện.
 Sự khẳng định rõ nét cho việc này là đối thoại chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất và cấp cao trong những năm gần đây. Sắp tới, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ thăm Việt Nam, và ngày 9.5, chúng tôi chờ đón Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mátxcơva tham gia các hoạt động trọng thể chào mừng 70 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại.
Những cuộc giao lưu tiếp xúc đã cho phép duy trì sự đối thoại thường xuyên cởi mở. Không một đề tài nào mà chúng ta không thể cùng nhau thảo luận, không vấn đề nào mà chúng ta không thể đi đến một giải pháp mà hai bên cùng chấp nhận được.
Quan hệ Nga – Việt là trường hợp hiếm có, khi giữa hai quốc gia không có những vấn đề nào do lịch sử để lại. Ngược lại, trong những thập kỷ qua, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm vô giá về hợp tác và tương trợ lẫn nhau mà trong điều kiện mới vẫn rất cần thiết.
* Xin Đại sứ nói rõ hơn về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước?
- Hợp tác quân sự là một trong những lĩnh vực có kết quả rất tốt. Chúng ta sẽ kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay thì đó cũng là 65 năm hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự. Sự hợp tác đó bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên quan hệ ngoại giao được thiết lập. Người Việt biết rõ ai là người đã chiến đấu trên bầu trời Việt Nam và điều này bắt đầu ngay từ những năm 1950, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, quân đội Việt Nam được trang bị phần lớn vũ khí là từ Nga. Quan trọng là có nhiều sĩ quan Việt Nam học tại Nga và họ sẽ là lãnh đạo quân đội Việt Nam trong tương lai.
* Thông tin trên báo chí nước ngoài nói rằng, Mỹ yêu cầu Việt Nam không cho Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp dầu cho máy bay ném bom Nga, Đại sứ bình luận thế nào về việc này?
- Nga và Việt Nam là 2 quốc gia độc lập tự chủ. Chúng ta không cần những chỉ thị khuyến cáo nào đó từ nước ngoài. Tôi muốn nhấn mạnh, sự hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Nga không nhằm chống nước thứ ba, không tạo nguy cơ an ninh với khu vực và thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục mối quan hệ cùng có lợi này.
 
 
 * Trong bối cảnh phương tây gia tăng cấm vận và trừng phạt với kinh tế Nga, liệu có cơ hội nào mới với Việt Nam trong hợp tác kinh tế hay không?
- Đây là lúc để mở rộng cơ hội hợp tác. Nhiều nước trong đó có Việt Nam coi đó là cơ hội vàng. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Nga rộng lớn với 146 triệu người tiêu dùng hay thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu với 180 triệu người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn hàng hóa của Việt Nam lấp đầy trên các quầy hàng, không chỉ là các sản phẩm nông nghiệp, hoa quả, mà còn cả các sản phẩm công nghệ cao. Chúng ta không nên để mất nhiều thời gian trong khi phương tây đang áp dụng nhiều lệnh trừng phạt với Nga. Trừng phạt không phải là mãi mãi và có thể giáng lại vào kẻ trừng phạt.
Mặt khác, hãy tiếp xúc giao lưu nhiều hơn với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp nguồn thông tin nhiều hơn và các bạn không phải lấy nguồn thông tin từ phương Tây.
* Người Việt Nam cũng rất quan tâm xem lệnh cấm vận ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga thế nào. Ông có thể nói rõ điều này?
- Tôi không giấu giếm rằng kinh tế Nga đang gặp khó khăn, một phần do lệnh cấm vận. Một phần lớn thu nhập của Nga là từ dầu khí, nên chúng tôi cảm nhận rõ nhưng thiệt hại liên quan đến giá dầu thế giới giảm. Nhưng chuyên gia của chúng tôi dự báo, nửa sau 2015 giá dầu sẽ ổn định, chấp nhận được với chúng tôi.
Liên bang Nga là nền kinh tế mở, nên cấm vận ảnh hưởng tiêu cực đến chúng tôi. Khó khăn nhất là những đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng. Một số nhà phân tích phương tây có những nhận xét không khách quan và bị chính trị hóa. Song kinh tế Nga có nguồn dự phòng an toàn rất lớn và thời gian qua đã cho phép ổn định đồng nội tệ.
Trừng phạt là con dao hai lưỡi, tác động đến cả 2 bên. Song việc phương tây áp lệnh trừng phạt đã tạo cơ hội tốt để thay thế nhập khẩu. Trong lĩnh vực quốc phòng thậm chí chúng tôi hướng tới sản xuất trong nước đảm bảo 100% cho nhu cầu, là điều trước đây không có. Việc này đòi hỏi thời gian và chi phí, nhưng điều này đem lại cho chúng tôi sự độc lập.
Trong lịch sử chúng tôi đã trải qua những thời kỳ khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí trên bờ vực phá sản. Hiện nay không thể nói như vậy. Tổng thống và chính phủ đã thảo luận những chương trình hữu hiệu để giải quyết, nên chúng tôi nghĩ Nga sẽ thoát khỏi tình thế này.
Tại cuộc họp báo, Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam Golikov Maksim Yurievich bổ sung: Cần nhấn mạnh rằng tất cả những khó khăn kinh tế Nga bây giờ không phải chỉ là kết quả của lệnh trừng phạt. Nhưng người nghiên cứu đều biết từ 2011, rất lâu trước sự kiện Ukraina, kinh tế Nga đã có sự suy thoái. Các biện pháp trừng phạt chỉ làm cho sự suy thoái đó sâu sắc hơn mà thôi. Nên chính phủ chúng tôi đã đưa ra biện pháp không chỉ khắc phục hậu quả trừng phạt, mà phải cơ cấu lại nền kinh tế, để làm sao kinh tế trong nước gia tăng, không bị phụ thuộc biện pháp trừng phạt từ bên ngoài.
* Xin cảm ơn Đại sứ và Đại diện Thương mại. 
- Đại sứ Vnukov sinh năm 1951, có vợ, hai con trai đã trưởng thành và hai cháu. 
- Năm 1973 tốt nghiệp bằng loại ưu Đại học Quan hệ Quốc tế Quốc gia Mátxcơva. Năm 1991 bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung.
- Làm công tác ngoại giao từ 1973, đã hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau tại Bộ Ngoại giao Nga và ở nước ngoài, trong đó có các chức vụ Tổng Lãnh sự Nga tại Hồng Kông và kiêm nhiệm tại Macao (1998 – 2003), Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Hàn Quốc (2009 – 2014).
- Ngày 26.12.2014 được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam.