Tàu ngầm Lada 677 thế hệ mới của Nga sẽ chấm dứt kỉ nguyên thống trị của Mỹ trên đại dương. Washington sẽ mất đi công cụ chính của “quyền lực viễn chinh” và cuối cùng đánh mất vai trò địa chính trị toàn cầu.
Cuối năm 2014, hãng tin RIA Novosti cho đăng tải thông tin: Nga quyết định sản xuất hàng loạt động cơ sử dụng công nghệ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) được dung cho tàu ngầm Lada dự án 677 (gọi tắt là tàu ngầm Lada). Phương Tây chẳng mấy quan tâm đến điều này, ngay cả giới nghiên cứu quân sự. Thế nhưng, điều này có thể sẽ là dấu mốc quan trọng về cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm. Đã từ lâu, các kĩ sư, chuyên gia nghiên cứu hải quân luôn mong ước có được chiếc tàu ngầm với động cơ mang tính đột phá, có thể kết hợp được các tính năng ưu việt của tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm điện-diesel: Sức mạnh, tàng hình cùng với khả năng lặn sâu dài ngày, không gây tiếng động. Lada 677 sẽ là mẫu như thế.
Loại tàu ngầm thế hệ thứ 4 của Nga không quá lớn, lượng choán nước chỉ gấp 2 so với tàu Kilo 636. Thế nhưng, tổ hợp vũ khí trang bị trên tàu thì thật đáng nể. Ngoài vũ khí thủy lôi và mìn thông thường (6 ống phóng thủy lôi loại 533mm), Lada 677 là loại tàu ngầm điện-diesel đầu tiên được trang bị các giàn phóng tên lửa hành trình đặc biệt (10 giàn phóng theo phương thẳng đứng ở vị trí bụng tàu). Bệ này có thể phóng cả tên lửa tầm xa lẫn tên lửa chiến thuật, triệt phá các mục tiêu chiến lược nằm sâu bên trong lãnh thổ đối phương. Yuri Kalamilisen, kiến trúc sư trưởng Dự án 677 cho biết, tàu lớp Lada đóng vai trò “thợ săn”, có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu ngầm, nổi và trên đất liền nào.
Điểm nổi bật nhất của Lada là công nghệ AIP kiểu mới, cho phép tàu có thể lặn sâu liên tục 25 ngày và không phát ra tiếng động, khiến tàu của Mỹ không thể phát hiện ra. Các nước NATO, nhất là Đức và Thụy Điển, từ lâu đã cố trang bị cho tàu ngầm một động cơ kiểu vậy. Cả hai hiện đã thành công trong việc phát triển tàu ngầm có thể lặn sâu liên tục 20 ngày. Nhưng so với Nga, tàu ngầm của Đức và Thụy Điển còn thua xa ở nhiều điểm.
Văn phòng Rubin - cơ quan nghiên cứu, thiết kế tàu ngầm chủ chốt ở Nga, đã phát triển Lada để thực hiện các đòn tấn công loạt bằng tên lửa-ngư lôi nhằm vào các mục tiêu trên bộ và trên biển của đối phương. Với hệ thống sonar đặc biệt, tàu ngầm mới của Nga đã tăng được đáng kể khoảng cách xác định mục tiêu. Tàu có thể lặn tới độ sâu 300m, đạt tốc độ 21knot và hoạt động liên tục trong 45 ngày. So với các tàu ngầm điện-diesel trước đây, Lada đã được ứng dụng nhiều giải pháp hiện đại giúp giảm rung chấn và âm thanh, giảm mức ồn rất lớn. Lớp vỏ của Lada 677 được bao phủ chất liệu "Molniya" (Tia chớp) có khả năng thu các tín hiệu sonar.
Hải quân Nga dự kiến sẽ nhận 14 chiếc tàu ngầm thế hệ thứ 4 này trước năm 2020. Chỉ cần 4- 6 chiếc Lada 677 sẽ “khóa cứng” các mục tiêu tại Biển Đen, Biển Baltic và Biển Caspi – Phó Đô đốc Viktor Patrushev từng nói. Còn việc triển khai từ 2 – 3 cụm tàu ngầm này sẽ thay đổi cán sức mạnh hải quân không chỉ ở 3 vùng biển trên, mà còn cả ở Biển Bắc, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương.
Ở Biển Bắc, Biển Barent, tàu ngầm Nga sẽ đảm trách tuyến đường triển khai các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược, sẵn sàng đối phó với bất kì động thái nào từ lực lượng của Mỹ, NATO. Đây sẽ là nhân tố giúp tăng cường khả năng tấn công ổn định của hải quân trong thành phần lực lượng hạt nhân chiến lược. Còn ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, sự hiện diện của Lada 677 sẽ vô hiệu hóa sức mạnh hải quân Mỹ vốn dựa chủ yếu vào các cụm tàu sân bay tấn công.
Hoài Thanh (Theo Pravda)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét