VnMedia) - Giới lãnh đạo lực lượng ly khai miền đông Ukraine hôm qua (18/3) đã đưa ra lời cảnh báo đáng sợ về khả năng họ sẽ đánh trở lại sau khi Tổng thống và Quốc hội Ukraine nuốt lời đơn phương hủy bỏ dự luật cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực miền đông.
Ảnh minh họa
|
Hai nhà lãnh đạo của nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng – ông Alexander Zakharchenko và ông Igor Plotnitsky đe dọa sẽ phá vỡ lệnh ngừng bắn sau sự thay đổi mà chính quyền Kiev đưa ra đối với dự luật cấp quy chế tự trị cho các khu vực của họ.
Trong tuyên bố của mình, hai nhà lãnh đạo Alexander Zakharchenko và Igor Plotnitsky cho hay, dự luật cấp quy chế đặc biệt cho hai khu vực Donetsk và Luhansk đã bị làm suy yếu đi vì những sửa đổi mới nhất của Quốc hội Ukraine.
"Chúng tôi đã nhất trí với vị thế đặc biệt được cấp cho vùng Donbass (từ dùng để chỉ hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk) trong một đất nước Ukraine được đổi mới mặc dù người dân của chúng tôi muốn sự độc lập hoàn toàn. Chúng tôi đã nhất trí với điều đó để tránh tình trạng đổ máu của anh em”, tuyên bố cho biết. Tuy nhiên, “Ukraine đã không làm như vậy”.
Theo dự luật được thông qua hôm 17/3, Quốc hội Ukraine đã hoãn quyết định được chờ đợi lâu nay về việc cấp quy chế đặc biệt cho hai khu vực miền đông Ukraine cho đến khi các cuộc bầu cử theo luật Ukraine được tiến hành. Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) cũng tuyên bố rằng các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk “tạm thời bị chiếm đóng”.
Cấp quy chế đặc biệt cho hai khu vực Donetsk và Luhansk là một trong những điểm chính trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk được giới chức Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine ký kết hồi tháng 2 vừa rồi. Dự luật về việc cấp quy chế đặc biệt cho miền đông Ukraine đã được thông qua, nhưng với một số thay đổi như trên đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía lực lượng ly khai miền đông và Nga.
Sự phản đối mạnh mẽ nhất của lực lượng ly khai chính là việc Kiev đòi họ phải tiến hành bầu cử theo luật Ukraine trước khi quy chế đặc biệt cho hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk chính thức có hiệu lực.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trong một tuyên bố được gửi qua emal rằng, việc thực thi luật quy chế đặc biệt cho miền đông Ukraine mà không tiến hành các cuộc bầu cử được Kiev phê chuẩn sẽ đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa cái mà Kiev coi là những chính phủ ly khai bất hợp pháp.
Đáp lại, giới lãnh đạo lực lượng ly khai gay gắt chỉ trích: "Việc phủ nhận vị thế đặc biệt cho Donbas (từ dùng chỉ hai khu vực miền đông Luhansk và Donetsk), Kiev đã chà đạp lên thỏa thuận hòa bình Minsk mong manh và đẩy tình hình vào tình trạng bế tắc. Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk đã cười khẩy vào các đối tác Liên minh Châu Âu - những đối tác đã đầu tư quá nhiều nỗ lực vào những cuộc đàm phán. Kiev không hề muốn hòa bình, thay vào đó họ muốn phá hủy Donbass bằng bạo lực và sự phong tỏa kinh tế”.
Lời đe dọa phá bỏ lệnh ngừng bắn là phản ứng mạnh mẽ nhất, là lời cảnh báo sắc lạnh nhất của lực lượng ly khai miền đông đối với Kiev. Đây là viễn cảnh thực sự đáng sợ trong bối cảnh hy vọng đang léo lên sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hôm 12/2 và được thực thi từ hôm 15/2 đang đem đến một sự yên bình đầy lạc quan ở miền đông Ukraine.
Nga cũng lên tiếng chỉ trích Kiev
Không chỉ lực lượng ly khai, ngày hôm qua, Nga cũng lên án mạnh mẽ việc Ukraine phê chuẩn hai dự luật liên quan đến quy chế tự trị cho các khu vực miền đông Ukraine, nói rằng Kiev đã “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận ngừng bắn mong manh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc thực thi dự luật của Quốc hội Ukraine “về bản chất là sự viết lại các thỏa thuận hoặc nói đơn giản hơn là vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận đó” bất chấp Kiev vẫn khăng khăng lý luận rằng nó phù hợp với thỏa thuận hòa bình hồi tháng 2.
Ông Lavrov phản đối yêu cầu của Kiev đòi lực lượng ly khai phải tiến hành các cuộc bầu cử địa phương theo luật Ukraine với sự giám sát của quốc tế trước khi quy chế tự trị được cấp cho các khu vực miền đông.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, đòi hỏi của Kiev biến “việc giải phóng các khu vực lãnh thổ mà họ nói là đang bị chiếm đóng” trở thành điều kiện tiên quyết cho dự luật”. "Kiev trên thực tế đang tìm cách thay thế tất cả các quan chức được bầu ở miền đông bằng một ai đó. Chỉ khi những khu vực lãnh thổ đó được lãnh đạo bởi những người thích hợp với Kiev thì dự luật mới có hiệu lực”, ông Lavrov thẳng thừng tố cáo.
Mâu thuẫn mới nhất nảy sinh trong vấn đề quy chế đặc biệt cho các khu vực miền đông Ukraine đang đe dọa làm chệch hướng kế hoạch hòa bình vừa chớm léo lên hy vọng sau khi tình trạng giao tranh, đụng độ giữa quân Kiev và lực lượng ly khai đã giảm rõ rệt trong nhiều ngày qua. Hy vọng về khả năng kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài suốt hơn 11 tháng và cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người ở miền đông Ukraine đang có nguy cơ tan vỡ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét