Washington sẽ tiến hành đàm phán hòa bình với Tổng thống Assad của Syria để chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia này
Vì sao Mỹ muốn đàm phán?
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa qua đã thông báo chính quyền Washington sẽ tiến hành cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Bashar al-Assad của Syria để chấm dứt xung đột tại quốc gia này.
Nguyên nhân mà Ngoại trưởng Kerry đưa ra cho lần đàm phán này bao gồm việc cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 5 và tiêu tốn hàng triệu USD cho chiến phí, cùng với sinh mạng hàng trăm nghìn người đã đổ vào cuộc chiến.
Đồng thời, sự lớn mạnh của tổ chức khủng bố IS ở Syria đang ngày càng ngoài tầm kiểm soát đã khiến Mỹ tìm kiếm một giải pháp phù hợp hơn.
Chính quyền Assad là một chế độ thân Nga, bị Washington cáo buộc là độc tài từ năm 2009. Đồng thời, Mỹ cũng công khai hậu thuẫn cho lực lượng đối lập tại quốc gia này tiến hành cuộc nội chiến nhằm lật đổ chế độ Assad và dựng lên một chính quyền thân Mỹ tại đây.
Quan điểm của Washington theo đuổi tại quốc gia Trung Đông này thể hiện trong hội nghị Geneva I năm 2012, đó là Assad phải từ chức và thay thế một nội các mới dân chủ hơn.
Tổng thống Bashar al-Assad ra chiến trường động viên lính xe tăng trước giờ xung trận |
Tuy nhiên, với việc phát triển của tổ chức khủng bố IS trên lãnh thổ quốc gia này, nước Mỹ đã buộc phải thay đổi quan điểm: "Cuối cùng chúng ta phải đàm phán. Và nếu như Tổng thống Assad không chấp nhận điều này, chúng tôi sẽ có những hành động cụ thể để gia tăng áp lực." - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Ông Kerry cho biết thêm: "Để khiến chính quyền ông Assad chấp nhận đàm phán, chúng tôi định làm rõ rằng mọi người đều quyết tâm tìm kiếm giải pháp chính trị và thay đổi quan điểm của ông ấy về đàm phán. Đó là hướng chúng tôi định thực hiện và tôi tin rằng với nỗ lực của đồng minh nước Mỹ và những quốc gia khác, chúng ta có thể tăng áp lực cho ông Assad”.
Mỹ không muốn Assad sụp đổ
Sở dĩ lý do khiến Tổng thống Assad kiên quyết không tham gia vào các hoạt động đàm phán với Mỹ và phe đối lập do chính quyền này nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Nga và Iran.
Theo quan điểm của Iran, Syria là người anh em Hồi giáo của họ và sẵn sàng gửi quân tình nguyện tham chiến nếu Mỹ áp dụng các cuộc không kích hay bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào.
Còn với Nga, Syria là yết hầu quan trọng, là chốt chặn cuối cùng khiến dòng chảy khí đốt và dầu mỏ không thể từ các nước Ả Rập tiến vào châu Âu bằng các đường ống trên bộ. Điều này khiến cho Nga giữ được thế độc tôn trong thị trường năng lượng ở châu Âu.
Assad là cái gai trong mắt của thế giới các nước Ả Rập, Israel, EU, Mỹ... Tuy nhiên, lực lượng đối lập đã không thể đánh bại quân đội Syria, trong khi đó, tổ chức khủng bố IS đang nổi lên như một thế lực thứ ba phá bĩnh trật tự không chỉ ở quốc gia này mà cả Trung Đông.
Quang cảnh đổ nát ở thành phố Aleppo - là nơi tranh giành giữa quân đội Syria và phe đối lập trong thời gian dài |
Hiện tại, IS đã giành phần kiểm soát phần lãnh thổ rộng lớn ở Syria, nối liền với Iraq, và mở rộng hoạt động ở Libya, Yemen.
Mỹ đang phát động cuộc chiến trên không với IS, nhưng họ cần một lực lượng mặt đất đủ mạnh để biến các chiến dịch không kích đạt được hiệu quả. Vì thế, việc buộc phải đẩy mạnh quá trình đàm phán với Bashar al-Assad cho thấy Mỹ lo lắng về IS nhiều hơn là sự tồn tại của chính quyền này.
Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan ngày 13/3 cho biết Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ trong hỗn loạn khi điều này có thể mở đường cho các phần tử cực đoan Hồi giáo tiếm quyền.
Phát biểu tại một sự kiện ở Hội đồng Đối ngoại, Giám đốc CIA cho hay Mỹ có lý do để lo ngại về đối tượng có thể thay nếu chính phủ của ông Assad sụp đổ, qua đó trao cơ hội cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phần tử thánh chiến khác ở Syria.
Ông Brennan nêu rõ: “Không một ai trong chúng tôi kể cả Nga, Mỹ, liên minh quốc tế, và các nước trong khu vực muốn chứng kiến một sự sụp đổ của các thể chính trị và chính phủ ở Damascus.”
Ông Brennan nhấn mạnh lập trường của Mỹ là ông Assad không nên có vai trò gì ở Syria trong tương lai nhưng chính phủ của Tổng thống Barack Obama và các chính phủ khác muốn có một giải pháp chính trị nhằm đảm bảo cho một chính phủ mang tính đại diện ở Syria.
Đỗ Phong (Tổng hợp KT, VN+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét