Từ trái qua: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp François Hollande trong cuộc gặp ở điện Kremlin - Ảnh: Reuters |
Điện Kremlin chỉ thông báo cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” và rằng một văn kiện đang được biên soạn, có thể sẽ xong và bản nháp đó sẽ được gửi đến các bên vào chủ nhật này, sau đó các bên sẽ “duyệt” lại với nhau qua điện thoại. Trước đó, bà Merkel và ông Hollande đến Matxcơva với một kế hoạch hòa bình mà họ “bứt” ra được ở Ukraine.
Giao tranh dữ dội
Hôm qua, sau vài giờ ngừng bắn tạm thời, quân đội Ukraine và phe ly khai tiếp tục đụng độ dữ dội.
Kiev cáo buộc phe ly khai đang huy động xe tăng và tên lửa tấn công tổng lực vào thị trấn chiến lược Debaltseve và thành phố cảng Mariupol. Ít nhất bảy thường dân và năm binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong 24 giờ qua.
|
Sau chuyến bay bất ngờ đến Kiev, ông Hollande tiết lộ những gì mà “cặp bài trùng” Đức - Pháp đang hướng đến: “Tôi và bà thủ tướng đã chủ động sáng kiến này... với mục đích tìm kiếm một văn bản có thể được tất cả các bên liên quan chấp nhận. Thế cho nên mới có chuyến đi đến Kiev và sau đó đến gặp ông Putin trên cơ sở văn kiện mà chúng tôi đã phát triển với Ukraine, qua đó cũng với ông Putin”.
Có thể hiểu một văn kiện hòa bình sơ bộ đã vừa được cả phía Ukraine lẫn Đức và Pháp phác thảo ra và đem qua cho phía Nga cân nhắc. Chọn lựa đàm phán đó sẽ dựa trên những gì?
Tổng thống Hollande diễn giải: ”Đã có thỏa hiệp Minsk rồi. Bà Merkel và bản thân tôi đã đóng góp vào đó. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một giải pháp từ thỏa hiệp đó, nhưng tất cả đã tan nát...
Giờ đây chúng ta đang ở trong chiến tranh và có thể xảy ra chiến tranh toàn diện”.
Tức thỏa hiệp Minsk đã “chết” và tới đây sẽ là một thỏa hiệp mới, có thể tạm gọi là thỏa hiệp Matxcơva, nếu như cuộc gặp giữa ông Putin, bà Merkel và ông Hollande thật sự có thể “xây dựng” được một cơ may hòa bình.
Nguy cơ chiến tranh toàn diện là có nếu như các bên không chọn một ngã rẽ. Theo ông Hollande, châu Âu có hai lựa chọn, một là rơi vào “não trạng vũ trang cho các phe đối đầu”.
“Người Nga đang làm vậy cho phe ly khai thì chúng ta hãy làm như thế cho Ukraine để giúp họ có thể tự bảo vệ mình. Nhưng đó chỉ là cách chơi chữ thận trọng vấn đề sẵn sàng trang bị vũ khí cho Ukraine. Nhưng còn một lựa chọn khác, không chắc sẽ thành công, nhưng nếu không ráng thử thì sẽ không bao giờ có. Đó là lựa chọn ngoại giao, đàm phán” - ông Hollande nhấn mạnh.
Đây là chọn lựa của cả Kiev và Matxcơva. Trong mớ bòng bong “Mỹ định gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Kiev và hứa hẹn một thứ vũ khí mà theo ông sẽ là tối thượng để bảo vệ độc lập và dân chủ của nước này. Đó là cải cách vì tương lai kinh tế Ukraine.
Suốt cuộc họp báo ở Kiev, ông Kerry không nói đến kế hoạch cấp vũ khí cho Ukraine, trái lại nói đến hòa bình. ”Cách duy nhất để kết thúc khủng hoảng là qua ngoại giao. Chúng tôi không ảo tưởng gì về một giải pháp quân sự, chúng tôi đang chọn một giải pháp hòa bình qua ngoại giao... Chẳng ai, từ Ukraine đến Mỹ hay châu Âu, muốn cuộc xung đột này với Nga cứ tiếp tục ngày này sang ngày khác” - ông Kerry phát biểu.
Song, theo ông Kerry và cũng đúng như trong mọi hậu hiệp định hòa bình khác trong lịch sử, “không thể nào có hòa bình một phía”. Ông Kerry ra điều kiện: ”Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là Nga cùng phe ly khai chấp hành các cam kết họ đã đưa ra, thực thi một cuộc ngưng bắn thật sự, tôn trọng biên giới quốc tế và chủ quyền của Ukraine”.
Lấy gì để đàm phán với phía ly khai? Ông Kerry loan báo giùm Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk rằng Kiev từng nhiều lần khẳng định cam kết áp dụng quy chế đặc biệt cấp quyền tự do chính trị và kinh tế lớn hơn cho các thành phố ở Donetsk và Lugansk (vùng Donbas). Ông cho biết Ukraine cam kết sẽ tiếp tục sửa đổi hiến pháp, tổ chức các cuộc bầu cử mới, tự do và sòng phẳng ở Donbas... ”Đó là những bước cần tiến hành bởi cả hai phía” - ông Kerry nhấn mạnh.
Liệu chừng đã là đủ? Đối với Nga, chuyện bán đảo Crimea và Sevastopol “quay về cố quận” vào tháng 3-2014 là “đinh đóng cột” rồi. Vấn đề còn lại là vùng Donbas. Quyền tự trị của khu vực này sẽ lớn đến đâu? Diện tích khu vực này sẽ rộng bao nhiêu?
Đó là những câu hỏi mà chỉ bà Merkel, ông Putin và ông Hollande mới có thể trả lời. Hãy chờ đợi văn kiện Matxcơva vậy. Và nếu được như thế, lần này hi vọng sẽ là một cuộc ngưng bắn thật sự làm “tiền cọc”.
DANH ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét