Ukraine thiếu vũ khí nghiêm trọng
Chính quyền Kiev đang lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây viện trợ vũ khí sau khi bị phe ly khai đánh bại trong các cuộc giao tranh ở miền Đông. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Kiev không được hưởng ứng từ các đồng minh thân cận, dường châu Âu đang quay lưng với Ukraine.
Cho đến giờ, mới chỉ Mỹ lên tiếng cân nhắc có thể viện trợ vũ khí khi quá trình đàm phán đổ vỡ và không thể giải quyết hòa bình bằng ngoại giao. Tuy nhiên, việc Mỹ xung phong viện trợ vũ khí trong trường hợp xấu nhất không được các nước châu Âu hưởng ứng mạnh mẽ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định rằng, bà không tán thành việc dùng giải pháp quân sự cho cuộc chiến ở miền đông Ukraine. Bà Merkel và các nhà lãnh đạo châu Âu khác kiên quyết phản đối cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, một phần vì sợ làm dấy lên một cuộc chiến tranh nóng với Nga.
Pháp thậm chí còn chưa bao giờ đề cập đến việc viện trợ vũ khí cho Ukraine và là nước sốt sắng mong dỡ bỏ trừng phạt Nga để sớm giao tàu Mistral. Ý, Tây Ban Nha cũng không nói một từ nào đến việc viện trợ vũ khí.
Hăng hái nhất là Anh giờ cũng thay đổi thái độ. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định Anh sẽ không viện trợ vũ khí cho Ukraine đồng thời khẳng định "một giải pháp ngoại giao" là biện pháp cần thiết trong cuộc xung đột.
Láng giềng Ba Lan xem ra chỉ ủng hộ miệng. Một mặt Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak khẳng định cung cấp vũ khí cho Ukraine là lựa chọn cuối cùng và cần tránh điều đó xảy ra. Thế nhưng, khi nói với báo Gazeta Wyborcza, ông Siemoniak thổ lộ thật là Ba Lan không có kế hoạch gửi các thiết bị quân sự hạng nặng cho Ukraine.
Bosnia từng có kế hoạch cho phép xuất lô vũ khí đạn dược 300 tấn sang Ukraine giờ cũng trì hoãn do sức ép của phe thân Nga trong chính quyền. Chính quyền Hungary hiện giờ đang có khuynh hướng xích lại Moscow sau khi bất đồng trầm trọng với Mỹ nên chưa đối thoại với Ukraine nhiều.
Bulgaria đang đối mặt với cuộc biểu tình vì trót cho Mỹ đặt căn cứ quân sự và họ còn chưa đủ tiền để mua vũ khí cho quân đội của mình thì khó viện trợ được cho ai. Chính những động thái đó từ từng thành viên trong NATO càng khiến quân đội Ukraine rơi vào cảnh khốn khó vì thiếu vũ khí đạn dược.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Anh Jack Straw nói rằng các nước châu Âu đều không muốn vì Ukraine mà gây xích mích với Nga, đặc biệt sau khi Moscow phát đi những cảnh báo nghiêm khắc. Sau khi nước Nga tuyên bố "sẽ coi bất kỳ khoản viện trợ vũ khí sát thương" của mỗi quốc gia riêng lẻ như một quyết định của cả NATO và sẽ "phản ứng thích đáng" thì đã khiến nhiều nước lo lắng.
Tất cả đều nhìn nhau quay lưng với Ukraine bất chấp Kiev liên tục kêu gào đòi viện trợ. Hãy chờ xem ai là người đầu tiên ở châu Âu dám thách thức Nga bằng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine?
Anh Tú (theo BBC, RT, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét