Lực lượng ly khai Ukraine tuyên bố bao vây hoàn toàn Debaltsevo trong khi Mỹ và EU lên kế hoạch tài trợ 15 tỷ USD cho Ukraine.
'Lò nướng' dành cho quân đội Ukraine
Kênh truyền hình Lifenews của Nga ngày 9/2 dẫn lời người đứng đầu lực lượng quân cảnh Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Victor Anosov cho biết dân quân ly khai đã hoàn toàn khép vòng vây quanh nhóm binh sỹ Ukraine tại Debaltsevo khi chặn con đường tiếp vận Debaltsevo-Artemovsk tại khu vực làng Logvinova.
Khu vực Logvinova, Debaltseve tan hoang vì các vụ giao tranh |
Đây là một thắng lợi nữa của lực lượng ly khai sau khi họ kiểm soát thị trấn Uglegorsk. Chiến thắng này của lực lượng đối lập có thể coi chặn đứng tuyến đường Debaltseve-Artemovsk, vận chuyển đồ tiếp tế của chính phủ Ukraine cho quân đội ở chiến trường miền Đông. Trong khi đó, quân đội Ukraine cũng phải rút khỏi một số làng khác gần Debaltseve.
Còn đối với quân đội Ukraine, từng coi Debaltsevo là bàn đạp để tấn công các khu vực đòi ly khai, tuy nhiên giờ đây, khoảng 8.000-10.000 binh sỹ đang bị bao vây trong "lò nướng" này.
Trước đó, các xe tải của Chính phủ Ukraine vẫn chuyển đồ tiếp tế qua tuyến đường Debaltsevo-Artemovsk, nay tuyến đường này đã bị chặn hoàn toàn. Trong khi đó, quân đội Ukraine cũng phải rút khỏi một số làng khác gần Debaltsevo.
Mùa Hè 2014, quân đội Ukraine đã biến Debaltsevo thành bàn đạp tấn công các khu vực ly khai.
Trong thời gian ngừng bắn giai đoạn Thu-Đông, quân đội Ukraine tại Debaltsevo đã xây dựng quanh thành phố nhiều phòng tuyến, triển khai tại đây một lượng lớn pháo và vũ khí hạng nặng.
Đức chạy con thoi giữa Nga và Mỹ
Trong lúc quân đội chính phủ Ukraine đang thất thế thì Đức tiếp tục ngoại giao con thoi khi liên tục gặp gỡ nguyên thủ quốc gia của Nga, Mỹ.
Rạng sáng 10/2 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Phát biểu sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama khẳng định Nga đã vi phạm “mọi cam kết” trong thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 9 năm ngoái.
“Nếu thực tế cho thấy nỗ lực ngoại giao thất bại, điều tôi sẽ làm là yêu cầu đội ngũ của mình xem xét mọi giải pháp”, Tổng thống Obama khẳng định.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ là giải pháp duy nhất được xem xét khi đó, đồng thời cảnh báo phương Tây sẽ không để cho Nga vẽ lại đường biên giới châu Âu “bằng nòng súng”.
“Khi các nỗ lực ngoại giao tiếp tục trong tuần này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí thế kỷ 21 không thể đứng yên hay cho phép các đường biên giới của châu Âu dễ dàng bị vẽ lại bằng nòng súng”, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.
Tổng thống Obama đang chịu áp lực rất lớn từ giới chức cấp cao trong chính quyền Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho dù Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc cử binh sĩ cũng như cung cấp viện trợ cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, bà Merkel cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối việc tiếp vũ khí sát thương cho chiến trường Ukraine, nơi vốn dĩ đã quá căng thẳng hiện nay.
Theo các nguồn tin tại chỗ, trong cuộc gặp, bà Merkel đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với sáng kiến chung Pháp – Đức về việc khôi phục thỏa thuận Minsk vốn bị đổ vỡ ngay khi chưa ráo mực.
Các chi tiết của sáng kiến chung chưa được công bố, song nội dung chính là việc thiết lập vùng phi quân sự rộng 50 - 70 km quanh đường giới tuyến giữa Nga và Ukraine hiện nay.
Trước khi gặp Tổng thống Obama, bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc hội đàm suốt đêm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow về sáng kiến chung Đức - Pháp, văn kiện sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp 4 bên (gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp) tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 10/2.
Dư luận cho rằng cuộc gặp 4 bên lần này là nỗ lực ngoại giao cuối cùng cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Thành bại của cuộc gặp này sẽ quyết định bước chuyển tiếp theo trên thực địa ở miền Đông Ukraine theo một trong hai hướng: chấm dứt xung đột hoặc sẽ thực sự dẫn tới đối đầu quân sự Đông - Tây.
Ukraine sẽ nhận 15 tỷ USD?
Trong khi việc cung cấp vũ khí cho quân chính phủ Ukraine vẫn còn để ngỏ thì các nhà tài trợ quốc tế gồm có EU và Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị tại Kiev vào tháng 4 tới nhằm huy động nguồn tài trợ ít nhất là 15 tỷ USD để giúp cứu Ukraine thoát khỏi tình trạng phá sản và tái thiết đất nước.
Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách láng giềng Johannes Hahn ngày 9/2 cho biết, hời gian và các chi tiết của hội nghị trên trước hết phụ thuộc vào việc Chính phủ Ukraine đệ trình một bản danh sách đầy đủ về nhu cầu đầu tư.
Đề cập đến cuộc chiến với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, ông Hahn nói: “Chúng tôi không thể đợi cho đến khi cuộc xung đột (ở Ukraine) được giải quyết”.
An Nhiên (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét