(PLO) – Hãng tin RT cho hay Tổng thống Obama mới đây đã tuyên bố Mỹ có quyền “gây sức ép” lên các quốc gia khác nếu họ “không làm theo những gì mà chúng tôi yêu cầu” đồng thời khẳng định sẽ sử dụng sức mạnh quân sự cùng các phương tiện khác để đạt được mục đích của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Vox, ông Obama nói rằng các chính sách ngoại giao của mình đều không dựa trên học thuyết “chủ nghĩa hiện thực” thuần túy. Song ông cũng lập luận nước Mỹ, với chi tiêu ngân sách quốc phòng lớn hơn mười nước đứng sau Mỹ cộng lại, nhất thiết phải dựa vào sức mạnh quân sự của mình.
Mỹ không có "đối thủ" quân sự
Khi đề cập tới hệ thống hành xử quốc tế dựa trên quy tắc trong thời kỳ hiện đại, ông Obama cho rằng nó thật không “hoàn hảo”. Thế nhưng ông lập luận: “Tổ chức Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế cùng hàng loạt các hiệp ước, quy tắc và chuẩn mực đều là những yếu tố giúp cho thế giới trở nên ổn định.”
Tuy nhiên, ông cho biết hệ thống quan điểm nói trên đang bị thách thức do “một số nhân tố ngoài kia đang cố gắng hãm hại chúng tôi”.
Ông tiếp tục: “Do đó, Mỹ phải là một cường quốc quân sự trên thế giới. Nếu không thể áp dụng các biện pháp cứng rắn như sức mạnh vũ lực, ngoại giao hay kinh tế, thì chúng tôi sẽ phải gây sức ép lên các nước khác nếu họ không làm theo những chúng tôi mong muốn. Nếu không như thế, chúng tôi sẽ không thể hoàn thành được việc gì cả.”
Ông Obama trong lúc bàn luận về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ
Ông Obama khẳng định Hoa Kỳ không thể có giải pháp quân sự cho tất cả các vấn đề trên thế giới ngày nay, nhưng nói thêm “Nước Mỹ không hề có đối thủ do họ không đủ sức để tấn công hoặc khiêu khích chúng tôi”.
“Đối thủ có tiềm năng chính là Nga với kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng họ lại không thể gây ảnh hưởng lên thế giới như chúng tôi đã từng làm. Trung Quốc cũng vậy. Chúng tôi đã chi tiêu vào quân sự nhiều hơn mười nước gộp lại”, ông cho hay.
Ông Obama cũng tuyên bố “tình trạng mất trật tự từ các quốc gia thất bại về chính trị” và “nguy cơ đe dọa cao từ các tổ chức khủng bố” là những thách thức lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế hiện nay.
Khi được phỏng vấn về giới hạn của quyền lực Mỹ, ông Obama thừa nhận có những việc mà chính quyền của ông không thể thi hành, nhưng sẽ cố gắng làm hết sức: “Tinh thần lãnh đạo của Mỹ chính là “hành động để thành công”. Chúng tôi là một quốc gia lớn mạnh nhất trên Địa cầu. Khi có vấn đề xảy ra, các nước đều cần đến sự viện trợ của chúng tôi. Câu hỏi được đặt ra, là tinh thần lãnh đạo đó được thể hiện như thế nào. Chính quyền Mỹ đã làm việc rất tích cực và cố gắng giải quyết các vấn đề.”
Nga phản ứng
Ngay lập tức, Moscow đặt dấu hỏi về động cơ đằng sau các chính sách của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát hiện ra lời nói của tổng thống Hoa Kỳ Obama có sự mâu thuẫn: “Một mặt ông ấy (Obama) muốn trở thành một người thương thuyết hòa bình. Nhưng mặt khác, ông ấy lại xem nước Nga là quốc gia hung hãn muốn lấn lướt châu Âu trong lần phát biểu trước Liên Hiệp Quốc tháng 9 vừa qua. Vì vậy, ông ấy đã thất bại trong việc truyền tải thông điệp của mình.”
Ngoại trưởng Nga bổ sung thêm chính ông Obama đã đưa ra một thế giới quan dựa trên “vị thế độc tôn” của Hoa Kỳ.
Cũng vào tháng 9, trong một bài viết đăng trên tờ New York Times, tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ ý kiến: “Sẽ là cực kỳ nguy hiểm khi khuyến khích các quốc gia tự xem mình là độc nhất, bất kể động lực thực sự là gì. Có những nước lớn và nước nhỏ, giàu và nghèo, những nước có truyền thống dân chủ lâu đời và những nước đang tìm hướng đi dân chủ cho mình. Chính sách của họ quá khác biệt. Dĩ nhiên chúng ta đều khác nhau, nhưng Chúa đã tạo ra chúng ta có quyền bình đẳng ngang như nhau ".
Tri Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét