Lực lượng đối lập miền Đông Ukraine ngày 9/2 tuyên bố khép chặt vòng vây Debaltseve khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama nhanh chóng đưa ra quyết định “khả năng sẽ viện trợ quân sự cho Kiev, nếu cuộc đàm phán 4 bên ngày 11/2 đổ bể”.
Tin cực xấu cho Kiev
Người đứng đầu lực lượng quân cảnh Cộng hòa nhân dân Donetsk Victor Anosov cho biết, lực lượng dối lập miền Đông Ukraine ngày 9/2 đã chiếm được khu vực Logvinova, Debaltseve; khép chặt vòng vây khoảng 9.000 binh sỹ quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, trả lời BBC, người phát ngôn quân đội Ukraine Olexandr Matuzyanyk nói rằng: “Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, 2 bên giành giật nhau từng tấc đất ở khu vực có tuyến đường sắt Debaltseve”. Tin từ quân đội Ukraine, trong vòng 24 giờ qua có 9 binh lính và 7 dân thường thiệt mạng vì đạn pháo giao tranh.
Debaltseve trước đây được coi là bàn đạp của chính phủ Ukraine tấn công các khu vực ly khai. Trong thời gian ngừng bắn từ tháng 9/2014 đến tháng 1/2015, quân đội Ukraine tại Debaltseve đã xây dựng quanh thành phố nhiều phòng tuyến, triển khai tại đây một lượng lớn pháo và vũ khí hạng nặng.
Đức ngoại giao con thoi vì vấn đề Ukraine
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã cướp đi sinh mạng 5.300 người và khiến 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 9/2 đến Washington thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama về cuộc xung đột Ukraine, trong bối cảnh giới chức ngoại giao đang tăng cường nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Trước đó một ngày, bà Merkel cùng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đồng ý sẽ gặp nhau vào ngày 11/2 tại thủ đô Minsk, Belarus, để thảo luận về kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.
Thủ tướng Merkel cho rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không thể giải quyết bằng “biện pháp quân sự”, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc xung đột sẽ được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Không hoàn toàn tán thành quan điểm này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng viện trợ quân sự cho Ukraine là cần thiết, trước khả năng các giải pháp ngoại giao bị đổ bể.
“Nếu thực tế cho thấy nỗ lực ngoại giao thất bại, điều tôi sẽ làm là yêu cầu đội ngũ của mình xem xét mọi giải pháp”, Tổng thống Obama khẳng định.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Ai Cập ngày 9/2, đã có tuyên bố về cuộc xung đột ở Ukraine: “xung đột chỉ có thể kết thúc nếu Kiev hội đàm trực tiếp với đại diện của khu vực Đông Nam (Donbass)”.
Tổng thống Nga nói thêm rằng Ukraine cần phải “tập trung vào đàm phán” và Nga sẽ tiếp tục cố gắng tạo điều kiện “thành lập mối liên hệ bền vững và trực tiếp” giữa Kiev và các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk.
Khu vực phi quân sự
Theo kế hoạch hòa bình mà Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đề xuất, sẽ thiết lập một vùng phi quân sự dài từ 50 đến 70 km ngăn cách giữa Donbass và vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát. Nội dung này sẽ được bàn thảo tại cuộc gặp thượng đỉnh theo mô hình Normandie diễn ra ngày mai 11/2 tới tại Minsk (Belarus).
Cuộc gặp 4 bên lần này được cho là nỗ lực ngoại giao cuối cùng cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo nếu sáng kiến hòa bình bị đổ vỡ, xung đột quân sự sẽ leo thang lên cấp độ mới. Nói rõ hơn, thành bại của cuộc gặp này sẽ quyết định bước chuyển tiếp theo trên thực địa ở miền Đông Ukraine theo một trong hai hướng: chấm dứt xung đột hoặc sẽ thực sự dẫn tới đối đầu quân sự Đông - Tây./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét