Kế hoạch vũ trang cho quân đội Ukraine của Mỹ bị chính các đồng minh phản đối. Ảnh:Getty |
Nga sẵn sàng chơi tới cùng với Mỹ và EU trong canh bạc Ukraine
Bài viết được đăng trên trang Foreign Policy và thể hiện quan điểm về vấn đề Ukraine của chuyên gia Stephen M. Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Havard, Mỹ.
Rất nhiều quan chức quân sự, ngoại giao Mỹ cho rằng, vũ trang cho Ukraine sẽ giúp Kiev đánh bại lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát miền đông đất nước. Người ta muốn Mỹ gửi cho Ukraine lô vũ khí trị giá 1 tỷ USD càng sớm càng tốt. Chính quyền Obama đang cân nhắc kế hoạch này và mang nó ra bàn thảo với các đồng minh.
Nếu những cái đầu lạnh không chiếm ưu thế, Mỹ dường như đang thực hiện kế hoạch vũ trang cho Ukraine. Quốc gia này đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và chính trị nhưng một số chuyên gia cho rằng, nó nằm ở vị trí chiến lược trong kế hoạch mở rộng sang phía đông của NATO. Ngoài ra, Washington chỉ vũ trang cho Kiev chứ không đưa quân vào tham chiến, động thái chắc chắn sẽ gây ra một cuộc đối đầu quân sự với Nga.
Trước câu hỏi “Viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine có tác dụng hay không?”, câu trả lời là "không”. Có nhiều lý do để hoài nghi kế hoạch của giới chức Mỹ.
Một trong những lý do để đặt câu hỏi là báo cáo từ 3 tổ chức độc lập về tình hình Ukraine. Thành viên của những tổ chức này không phải là tập hợp các chuyên gia với những góc nhìn đa chiều. Ngược lại, họ là những người từ lâu đã ủng hộ NATO mở rộng về phía đông và cũng là những người muốn bảo vệ chính sách đó. Trên thực tế, nó đóng vai trò trung tâm trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine hiện nay.
Từ cuối những năm 1990, họ đã khẳng định NATO mở rộng về phía đông không đe dọa Nga mà thay vào đó là tạo ra hòa bình lâu dài ở châu Âu. Tuy nhiên, thực tế đang hoàn toàn trái ngược. Các nhà phê bình cảnh báo, sự mở rộng của NATO sẽ gây ra khủng hoảng trong mối quan hệ với Nga hơn bất cứ chính sách đơn phương nào khác của phương Tây.
Những người ủng hộ vũ trang cho Ukraine đang muốn áp dụng “mô hình răn đe”. Tuy nhiên, khi bất ổn là cái rễ của vấn đề, việc đe dọa chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Việc cần làm là thực hiện những nỗ lực nghiêm túc để giải quyết cội nguồn của bất ổn, tạo động cơ để buộc đối phương có những bước đi phù hợp. Ngoài ra, áp dụng biện pháp răn đe với kẻ thù tương đương về tiềm lực sẽ khiến bản thân không đánh giá đúng sức mạnh trong khi nâng cao khả năng phòng thủ của đối phương.
Quân đội Ukraine chắc chắn sẽ thua trong cuộc chiến với Nga nếu Moscow quyết động binh. Ảnh: Guardian |
Tuy nhiên, thực tế có thể rất khác. Nga không hiếu chiến. Họ là thế lực hùng mạnh có chỗ đứng và tiếng nói trên trường quốc tế. Nga sở hữu sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược và không quốc gia nào trên thế giới chọn cách tấn công quân sự vào Moscow. Họ chỉ có thể đánh vào vị thế và ảnh hưởng của Moscow nhằm cô lập Điện Kremlin.
Trước áp lực từ Mỹ và đồng minh châu Âu, Nga sẽ quyết liệt bảo vệ vị thế và vai trò của mình. Trong khi đó, Tổng thống Putin và các cộng sự nghi ngờ Mỹ đang âm mưu làm “thay đổi chế độ” trên toàn thế giới, trong đó Ukraine là một nạn nhân, và họ sẽ làm tất cả để ngăn Washington đạt được âm mưu này. Ukraine là sự đáp trả cứng rắn của Moscow.
Trên thực tế, khủng hoảng Ukraine không bắt nguồn từ các động thái táo bạo của Nga hay thậm chí là những yêu cầu bất hợp lý của Moscow. Nó khởi nguồn từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khi họ cố kéo Ukraine khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Giới chức Mỹ cố tình phớt lờ cảnh báo từ Nga để theo đuổi tham vọng ở Ukraine, đẩy quốc gia này chìm sâu xuống vào khủng hoảng.
Dường như giới chức Ngoại giao Mỹ không tiên đoán được phản ứng gay gắt của Moscow, dẫn tới một loạt thất bại trên các bàn đàm phán. Nếu người Mỹ quyết gỡ canh bạc này bằng cách vũ trang cho Kiev, nó sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn vì đội quân sứt mẻ của Ukraine sẽ không đủ sức đánh bại quân đội Nga hùng mạnh trong trường hợp Moscow động binh vì quyết định của Mỹ. Người dân Ukraine sẽ phải hứng chịu toàn bộ tấn bi kịch này.
Ngoài ra, Ukraine và Nga còn gắn kết với nhau bởi mối quan hệ lịch sử lâu đời. Trong khi đó, tình báo Nga từ lâu đã tồn tại song song với cơ quan phản gián của Ukraine. Những lô vũ khí khổng lồ của Mỹ cũng không thể làm thay đổi vị trí cán cân quân sự giữa Kiev và Moscow. Điện Kremlin sẽ không ngồi yên trong trường hợp quân đội Ukraine gia tăng các hoạt động chống lực lượng đòi độc lập ở miền đông đất nước.
Nga sẵn sàng chơi tới cùng với Mỹ và EU trong canh bạc Ukraine. Ảnh: Guadian |
Mỹ cũng không mặn mà giải quyết bất ổn Ukraine thông qua con đường ngoại giao. Thay vì thương lượng và đàm phán, giới chức Mỹ chỉ đưa ra các yêu sách đối với Moscow. Họ muốn Điện Kremlin ngừng cái gọi là vũ trang cho phe ly khai ở Ukraine và rút khỏi bán đảo Crimea, chấp thuận cho Ukraine gia nhập EU hoặc NATO. Nói cách khác, họ muốn Moscow từ bỏ mọi quyền lợi ở Ukraine.
Tuy nhiên, yêu sách này bị coi là không tưởng vì nước Nga có những lợi ích chiến lược và mối quan hệ lịch sử ở Ukraine. Nếu Mỹ và phương Tây muốn chơi canh bạc Ukraine, Tổng thống Putin sẽ tiếp họ tới cùng dù cả đôi bên đều biết nó sẽ lâu dài và vô cùng tốn kém. Nó cũng đẩy Nga tới gần với Trung Quốc, yếu tố bất lợi với Mỹ trong bối cảnh Washington đang chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á – Thái Bình Dương.
Các yếu tố trên cho thấy vũ trang cho Ukraine chính là mang vũ khí tới cho một cuộc xung đột lâu dài và thảm khốc hơn. Người Mỹ dễ dàng đưa ra những quyết định từ Washington nhưng nó sẽ để lại hậu quả lâu dài ở Ukraine và người dân vô tội ở quốc gia này sẽ gánh chịu toàn bộ tác động. Người Mỹ phải khôn khéo và tính tới các yếu tố đạo đức trước quyết định của mình.
Hồng Duy (lược dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét