Đài TDM của Macau đưa tin ông Thôi Thế An, ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu năm 2014, đã nhận được 380/396 phiếu bầu.
Như vậy, ông Thôi Thế An, đương kim Trưởng đặc khu Macau sẽ kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào ngày 19/12, sẽ tiếp tục điều hành bán đảo nguyên là thuộc địa của Bồ Đào Nha này trong 5 năm tới.
Ông Thôi Thế An được bầu lại làm Trưởng đặc khu hành chính Macau |
Kết quả trên không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát bởi việc bầu chọn lãnh đạo mới của Macau - nơi từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, do một ủy ban chính thức gồm 400 người quyết định. Phần lớn thành viên của ủy ban này đều thân với Bắc Kinh. Bản thân ông Thôi Thế An đã đảm nhiệm vị trí đặc khu trưởng Macau từ năm 2009 đến nay.
Được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1999, trong năm qua, người dân Macau càng trở nên bất bình với sự kiểm soát của Bắc Kinh. Đã có hơn 20.000 người xuống đường trong tháng 5/2014 để phản đối chính quyền Trung Quốc.
Ngày 24/8, người dân Macau cũng đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải cách bầu cử tại đặc khu này. Trong cuộc trưng cầu dân ý, người dân Macau được đề nghị đưa ra ý kiến về việc tổ chức bầu cử tự do đặc khu trưởng vào năm 2019 và liệu họ có niềm tin với trưởng đặc khu Thôi Thế An hiện tại hay không.
Phản ứng lại, chính quyền Trung Quốc tuyên bố Macau không có quyền tổ chức trưng cầu dân ý.
Một kịch bản tương tự cũng xảy ra với Hồng Kông khi ngày 31/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc có quyền chọn lựa các ứng cử viên cho cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông.
Chính quyền Trung Quốc từng hứa sẽ cho phép người dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu ra đặc khu trưởng vào năm 2017, nhưng bác bỏ khả năng cho phép cử tri chọn ứng viên.
Trưởng đặc khu hành chính hiện nay của Hồng Kông – ông Lương Chấn Anh do một ủy ban thân Bắc Kinh bầu ra với sự phê chuẩn của Bắc Kinh. Ngay cả khi Trung Quốc đồng ý để người dân Hồng Kông được trực tiếp bầu chọn lãnh đạo thì nhiều người vẫn không chấp nhận việc những ứng viên của cuộc bầu cử phải được sự ủng hộ đa số của một ủy ban thân Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã hôm 29/8, một người phát ngôn giấu tên từ Văn phòng Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, Ma Cau và Đài Loan, cho biết Trung Quốc sẽ “phản kháng mạnh mẽ” đối với bất kỳ “lực lượng bên ngoài” nào can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông.
Phát ngôn viên nói trên nói “một số người” bỏ qua lợi ích lâu dài của Hồng Kông và các quy định của Luật cơ bản, “thông đồng với các lực lượng bên ngoài nhằm can thiệp vào chính quyền đặc khu này”.
Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ không tha thứ cho việc dùng Hồng Kông như bàn đạp hòng “phá hoại và thâm nhập đại lục”. Việc đó “không chỉ làm suy yếu sự ổn định và phát triển của Hồng Kông mà còn biến Hồng Kông thành chiêu bài để phá hoại và xâm nhập vào đại lục. Dĩ nhiên, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được” – người phát ngôn nói.
Tuyên bố trên cùng quyết định của Trung Quốc đối với người đứng đầu Macau, Hồng Kông đã cho thấy chính quyền Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng với phong trào đòi dân chủ ở các đặc khu này.
Minh Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét