Cụ thể, AP dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear ngày 28/8 khẳng định, Trung Quốc cần từ bỏ các hành động gần đây nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết toàn bộ khu vực có tầm quan trọng chiến lược này, đồng thời coi đó là những hành động khiêu khích và gây chia rẽ.
Đô đốc Samuel Locklear cũng chỉ trích những hành động vừa qua của Trung Quốc ở biển Đông là mang tính "khiêu khích" và "gây rối".
Phát biểu với báo giới, ông Locklear nói: "Trung Quốc là một nước lớn. Họ phải có trách nhiệm đi đầu trong cuộc tranh chấp này để đạt được một thỏa hiệp về những vấn đề khó khăn này với các quốc gia láng giềng".
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear |
Đô đốc Locklear cũng viện dẫn một loạt bước đi của Trung Quốc nhằm gây gia tăng căng thẳng, trong đó có cả hành động triển khai giàn khoan Hải Dương-981, tiến hành nạo vét ở các đảo và bãi đá ngầm tranh chấp, ban hành những đạo luật mới để điều hành các khu vực tranh chấp và "thiếu thiện chí hướng tới các diễn đàn luật pháp quốc tế".
Ngoài ra, Đô đốc Locklear cũng kêu gọi các bên tranh chấp tránh các hành động mang tính khiêu khích, tránh làm tình hình thêm phức tạp có thể dẫn đến vũ lực.
Cùng ngày, hãng tin Bloomberg dẫn lời một đại tá về hưu giấu tên của Trung Quốc nói quân đội nước này có thể lập vùng nhận diện phòng không ở đảo Hải Nam để bảo vệ căn cứ tàu ngầm trong bối cảnh Bắc Kinh tố máy bay do thám Mỹ thường xuyên hoạt động trong khu vực.
Tránh hành động leo thang mới tại biển Đông
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên giới chức Mỹ lên tiếng kêu gọi Trung Quốc dừng những hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông, Quốc họi cũng như chính quyền và ngành ngoại giao Mỹ đã liên tục tố cáo Trung Quốc có những hành động khiêu khích làm tình hình biển Đông bất ổn.
Cụ thể, tại chuyến viếng thăm Trung Quốc, nêu quan điểm riêng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước khác trên biển Đông và biển Hoa Đông, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã cho biết, ần phân biệt rõ tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và tranh chấp giữa Bắc Kinh với các láng giềng nhỏ hơn ở biển Đông.
Tàu cá là một trong những chiến thuật tranh chấp biển đảo được Trung Quốc áp dụng trên Biển Đông. |
“…Nếu Trung Quốc và Nhật Bản tranh luận quanh một vài hòn đảo, phần còn lại của thế giới có thể sẽ ngồi xem bởi vì chúng tôi cảm thấy các bạn đang tranh luận về việc sở hữu nhiều hơn hay ít hơn hoặc thậm chí là thảo luận điều kiện ngang hàng nhau để giải quyết vấn đề”, ông Bill Clinton nói.
Tuy nhiên, khi đánh giá vấn đề Trung Quốc và Việt Nam, Philippines ở biển Đông, cựu Tổng thống Mỹ lại thấy khác biệt.
Cựu Tổng thống Bill Clinton nói: “Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương nhưng các nước khác không đồng ý và một số nước trong số họ nhỏ hơn nhiều so với vị thế của Trung Quốc. Người Mỹ chúng tôi quan niệm rằng chúng tôi không quan tâm những vấn đề gì cần giải quyết nhưng phải có sự phân tích rõ để Việt Nam, Philippines và các nước nhỏ khác không bị choáng vì sự khác biệt về “kích thước” giữa họ và Trung Quốc”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra trước đó tại Washington, bà Marie Harf, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định về việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã xác nhận rằng Biển Đông vào thời điểm hiện nay có “hơi khác” so với lúc Trung Quốc gia tăng các hành động gây “căng thẳng” và “bất ổn định” nhằm mục tiêu “thay đổi nguyên trạng."
Dù ghi nhận là tình hình căng thẳng đã giảm phần nào, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi các bên dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp, và tránh “mọi hành động leo thang mới."
Hà Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét