(Tin Nóng) Việc chính phủ Mỹ thông báo bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam mang lại tác động lớn đến việc cân bằng quyền lực trong khu vực lẫn với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, theo tạp chí Defense News ngày 4.10.2014.
Quyết định này sẽ cho phép các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ được bán vũ khí cho Việt Nam lần đầu tiên từ sau năm 1975, và trong thời điểm Trung Quốc có những hành vi quyết liệt trên Biển Đông.
Dĩ nhiên việc bán vũ khí cho Việt Nam vẫn phải được xem xét theo từng thương vụ một, và chỉ giới hạn ở lĩnh vực phòng thủ hàng hải.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thận trọng khi nói rằng việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là quyết định dựa trên các quan hệ được cải thiện với Việt Nam, chứ không nhằm đối phó Trung Quốc. Bộ này cũng nói vũ khí Mỹ chỉ giúp cải thiện năng lực phòng thủ hàng hải của Việt Nam mà thôi.
Tuy vậy với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, đây là tin vui khi họ hy vọng gia tăng doanh số bán hàng ra nước ngoài để bù vào khoản mua hàng trong nước Mỹ đang giảm sút vì ngân sách bị cắt giảm. Vì vậy Việt Nam đang là mỏ vàng, theo chuyên gia Richard Aboulafia thuộc hãng tư vấn quốc phòng Teal Group.
“Chắc chắn rằng ngày nào đó Việt Nam sẽ là một thị trường thiết bị quốc phòng lớn của Mỹ”, ông Aboulafia nói.
Ông cũng dự đoán rằng Việt Nam đang muốn mua sắm một số máy bay giám sát hàng hải, có khả năng là loại P-3 Orion của Hải quân Mỹ vốn đang dần bị thay thế bằng loại P-8 Poseidon hiện đại hơn.
Chuyên gia này cũng cho rằng loại vận tải cơ đã qua sử dụng C-130 cũng rất có ý nghĩa cho các hoạt động tìm kiếm cứu hộ hàng hải. Rất có thể Mỹ sẽ bán cho Việt Nam loại C-130H đang dư thừa, khi Vệ binh quốc gia Mỹ đang chuyển qua dùng loại máy bay C-130J hiện đại hơn.
Còn giáo sư Carl Thayer (Học viện quân sự Úc) nhấn mạnh rằng việc bán máy bay P-3 sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước Việt Nam - Mỹ. Ông cũng nói thêm là Việt Nam có thể quan tâm đến các loại radar duyên hải và trực thăng có thể bố trí trên các tàu hộ tống lớp Molnya tự đóng.
Phân tích phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry tại Việt Nam cuối năm 2013 về việc sẽ viện trợ cho Việt Nam 5 tàu tuần tra cao tốc không vũ trang, giáo sư Thayer nói Việt Nam có thể sẽ quan tâm hơn đến việc đặt mua tàu tuần duyên của Mỹ, nhưng trong tình hình hiện nay là tàu có trang bị vũ khí.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã không nhận được bất kỳ dấu hiệu nào từ Việt Nam cho thấy nước này muốn các đợt giao hàng ban đầu của năm tàu tuần tra có bổ sung vũ khí, nhưng không loại trừ khả năng vũ trang cho những tàu tuần duyên này.
Trong khi thị trường ngắn hạn có thể được lấp đầy một cách nhanh chóng, thì thị trường Việt Nam sẽ là tiềm năng lâu dài, khách hàng quân sự đáng tin cậy, đặc biệt là với lực lượng hải quân Việt Nam đang dần hiện đại hoá.
Ông Andrew Shapiro, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ từng đứng đầu Uỷ ban Chính trị - quân sự, nói rằng quyết định dỡ bỏ từng phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam là một bước đầu tiên rất tích cực, có thể dẫn đến sự mở rộng hơn nữa trong những năm tới.
Các công ty Mỹ đang đánh giá rất cao thị trường Việt Nam, và chính phủ Mỹ cũng vậy, theo ông Shapiro.
“Quân đội Mỹ đang rất quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với Việt Nam và làm việc chặt chẽ hơn với nhau. Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy Việt Nam đang trở nên cởi mở hơn với chúng ta như một đối tác tiềm năng, và tôi nghĩ rằng Bộ Quốc phòng và chính phủ đang quan tâm đến việc xây dựng tiến độ này”, ông Shapiro nói với Defense News.
Ông Shapiro thêm rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam thậm chí cũng đưa đến sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp phi quốc phòng.
Tin Nóng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét