Ảnh: Ông Chu bị quản thúc (ảnh chế) |
Chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc được một số người nhận định: cách ông Tập Cận Bình “bóp” cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Chu Vĩnh Khang, đấy cũng là một cách “thanh trừng” một cuộc đấu đá nội bộ tàn bạo bên trong CPC, theo hãng tin Reuters ngày 24.7.
Đám đàn em của ông Chu ở Tập đoàn dầu khí quốc gia (CNPC) cũng bị “bóp” theo.
Các quan chức cấp cao CNPC ở Bắc Kinh nói các nhà điều tra muốn “phăng” bằng hết “bè lũ Chu” ở CNPC.
Một số người biết chuyện tuy không bác bỏ yếu tố tham nhũng, nói phần nào số cán bộ bị kỷ luật là nạn nhân của một cuộc đấu đá quyền lực tàn bạo trong nội bộ CPC.
Mao Yushi, một người vận động cải cách kinh tế và là chủ tịch danh dự công ty tư vấn tư nhân Unirule Institute of Economics ở Bắc Kinh, nói: “Tất cả đều không rõ ràng, nên người ta nghi ngờ có chuyện đấu đá ấy. Tôi chia sẻ sự nghi ngờ này”.
Ông Chu âm mưu ám sát ông Tập?
Theo Reuters, ông Tập quyết “triệt” bằng được ông Chu, vì ông Chu “âm mưu” tranh đoạt quyền lực trước thềm đại hội CPC khóa 18 hồi cuối năm 2012:
Ông Chu toan giới thiệu “đàn em” vào các vị trí lãnh đạo, để khi ông ta thôi làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị CPC và về hưu, ông ta vẫn có thể đứng sau hậu trường mà điều hành.
Ông Chu còn được cho là đã toan giới thiệu Bạc Hy Lai kế nhiệm ở Ban thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 người (hiện còn 7 người) để vận động đưa lên cao nữa.
Ông Chu (bìa trái) với ông Bạc (bìa phải) |
Báo China Post ở Đài Loan còn đưa tin ông Chu bị nghi toan lật đổ ông Tập để nắm quyền lãnh đạo!
Theo báo này, ông Chu lôi kéo “chiến hữu” Bạc tham gia kế hoạch này, với lời hứa sẽ cho Bạc làm chủ tịch, còn Chu đứng sau điều khiển Bạc, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh đã bị tuyên án tù chung thân vì tội tham nhũng, lạm quyền và nhiều tội danh khác.
Ngoài ra, báo mạng Boxun ở TQ dẫn lại thông tin của báo Minh Kính (ở New York, Mỹ), nói ông Chu từng muốn ám sát ông Tập ít nhất hai lần, trước và sau cuộc họp của giới lãnh đạo CPC tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà hồi tháng 8.2012.
Các kế hoạch gồm cài bom hẹn giờ tại phòng họp của ông Tập và tiêm thuốc độc trong lúc ông Tập kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện 301. Khi đó, ông Tập đang giữ chức phó chủ tịch nước và được xác định sẽ trở thành người thay thế ông Hồ Cẩm Đào.
Theo báo Minh Kính, những âm mưu này đã bị phanh phui, nhờ một nguồn nặc danh tố cáo lên ban lãnh đạo cấp cao. Từ đó, ông Chu trở thành mục tiêu điều tra và gần như mất hết quyền lực trước khi chính thức về hưu hồi cuối năm 2012.
Ông Chu, 71 tuổi, bị quản thúc tại gia từ sau khi bị chính quyền điều tra chính thức hồi cuối năm 2013. Ông là cán bộ cấp cao nhất bị dính líu vụ điều tra tham nhũng lớn nhất TQ từ khi CPC nắm quyền lực hồi năm 1949.
Từ khi cuộc Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, chưa có ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nào ở TQ, dù đương nhiệm hoặc về hưu, bị điều tra về các tội phạm kinh tế.
Reuters nêu ông Tập chưa quyết định nên công khai truy tố ông Chu hay không, do chưa kết thúc cuộc điều tra nội bộ.
Nguồn tin nói: “Nay ông Chu chỉ còn là một con cọp mất nanh, giống như một con cọp chết rồi vậy. Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu ông Tập có lột da hổ hay không?”, ám chỉ một phiên tòa xét xử ông Chu.
Ông Chu họp đại hội CPC với ông Tập |
Chỉ huy cuộc thanh trừng là một đồng minh thân cận của ông Tập: Vương Kỳ Sơn là một cán bộ nổi tiếng là một "chiến sĩ chống tham nhũng không khoan nhượng" của CPC. Ông Vương là lãnh đạo Ủy ban kiểm tra-kỷ luật Trung ương (CCDI) rất có quyền lực.
Nịnh bợ “ông anh”
Cuộc điều tra tập trung vào thời gian ông Chu làm tổng giám đốc CNPC cũng như giai đoạn ông giữ chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên (từ năm 1999 đến năm 2002). Ông ta có được sự ủng hộ mạnh mẽ ở tỉnh tây nam TQ này nên trong chiến dịch “triệt” ông Chu, đoàn điều tra CCDI đã bắt nhiều cán bộ “đàn em” của ông Chu.
“Đệ tử” to nhất của ông Chu là Tưởng Khiết Mẫn, người kế thừa chức lãnh đạo CNPC của ông Chu, kẻ leo lên đỉnh cao quyền lực trong CPC theo đúng kiểu “muốn phất nhanh phải có ông anh”: gắn “sao chiếu mệnh” mình vào một lãnh đạo mạnh quyền như ông Chu, một kỹ sư địa chất.
Tưởng là một trong các “đàn em” của ông Chu “đậu” vào ngôi Ủy viên ban chấp hành Trung ương CPC ở đại hội CPC khóa 18 hồi tháng 12.2012, nơi ông Tập thay ông Đào làm Tổng bí thư, ông Chu về hưu.
Chuyện ông Tưởng Khiết Mẫn “lên Trung ương” cũng nhờ ông ta chi tiền của CNPC để “che giấu” vụ thác loạn gây chết người của con trai cựu thư ký riêng của ông Đào: Lệnh Kế Hoạch (xem bài Về cuộc ăn chơi thác loạn của con trai trợ lý ông Hồ Cẩm Đào).
Nhân danh ông Chu, Tưởng bồi thường hàng triệu nhân dân tệ cho gia đình cô gái chết, nhằm “mua” sự im lặng của họ. Chơi chiêu này, ông Chu muốn có thêm tầm ảnh hưởng trên ông Lệnh.
Nhờ ông Chu vốn có rất nhiều bạn và đồng minh ở CNPC suốt hàng chục năm, Tưởng cũng leo lên chức vụ cao nhất ở CNPC, công ty sản xuất dầu khí lớn nhất TQ, rồi làm chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản công (SASAC) hồi tháng 3.2013. Cơ quan này giám sát toàn bộ các công ty, tập đoàn nhà nước TQ.
Trước đó, Tưởng giúp ông Chu xây dựng quyền lực bằng cách dùng CNPC để “trải” tầm lãnh đạo của ông Chu.
Mối quan hệ Chu-Tưởng được thể hiện rõ trước thềm đại hội CPC khóa 18, khi cả hai đều dự một tiệc liên hoan chiêu đãi các cán bộ CNPC cốt cán từng góp phần phát hiện dầu thô ở miền tây TQ hẻo lánh những năm 1980:
Mỗi khi nâng ly rượu và “cho ý kiến”, Tưởng liên tục gọi ông Chu là “lãnh đạo” và vận động các đồng nghiệp “đón nhận tinh thần lãnh đạo của trung ương và của đồng chí Chu”, theo lời kể với Reuters của một cán bộ có mặt trong tiệc ấy.
Cán bộ này giấu tên, nói: “Hành động nịnh bợ ấy được ông ta thể hiện rất rõ ràng”.
Nhưng đến tháng 9.2013, Tưởng bị cách chức, bị bắt, trở thành nạn nhân của một cuộc đấu đá quyền lực khi ông Tập muốn “triệt” ông Chu.
Ngày 30.6.2014, CCDI tuyên bố Tưởng đã bị khai trừ Đảng vì tham nhũng.
Tưởng Khiết Mẫn |
Trần Trí (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét