Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình (trái) ở Thiên An Môn năm 1963 (ảnh: Tân hoa xã) |
“Tôi kiến nghị trong thời gian Chủ tịch lâm bệnh, để đồng chí Giang Thanh làm Quyền Chủ tịch. Tôi sẽ phụ tá đồng chí Giang Thanh như đã phụ tá Chủ tịch” - có phải Chu Ân Lai nói như vậy bên giường bệnh của Mao?
Không. Chu không nói như vậy. Dầu đó là câu Mao chờ đợi ở Chu. Vì nói như thế Chu sẽ rơi vào “cái bẫy” cài sẵn, Mao sẽ rất hài lòng và sẽ nhanh chóng “đưa kiến nghị của Chu vào văn kiện Trung ương, phân phát trong toàn đảng, để chứng tỏ đây là Chu giới thiệu Giang Thanh kế tục, chứ không phải Mao thực hiện gia đình trị” !
Trường hợp Chu gật đầu “tiếp nhận quyền lực” ông sẽ không bao giờ ngồi lên “ngai vàng” mà Mao đã định sẵn cho Giang. Bởi, sớm muộn gì ông cũng sẽ “bị đánh đổ”- đi theo Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu vào tuyệt lộ. Vậy Chu phải nói thế nào?
Ông im lặng. Đợi đến khi sức khỏe của Mao khá hơn lên, mới đường hoàng nói rõ cho Phó Văn phòng trung ương Trương Diệu Từ biết: “nhờ đồng chí báo cáo Chủ tịch, chúng tôi vẫn làm việc dưới sự lãnh đạo của Người”. Vậy là Chu thoát khỏi “cái bẫy quyền lực” trước mắt, nhưng về sau làm Mao khó chịu hơn, vì:
“Từ khi xảy ra vụ Lâm Bưu, Chu giúp Mao cứu vãn cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của chính quyền ĐCSTQ, tiếp đó mở ra cục diện mới trong quan hệ Trung - Mỹ, chỉnh lại hướng đi đúng cho sự phát triển của nước Cộng hòa trong tương lai, lập nên công trạng lớn mọi người đều biết. Nhưng với Mao, Chu là trở ngại lớn nhất cho việc thiết lập vương triều họ Mao. Công lớn không thưởng, mà tăng cường hãm hại. Qua các tư liệu tham khảo của Tân Hoa Xã, Mao lo ngại thấy từ xử lý vụ Lâm Bưu đến đón tiếp Nixon, uy tín của Chu đã vượt mình ở cả trong nước và trên trường quốc tế. Cộng thêm trước đó Chu không có câu trả lời khiến Mao hài lòng trong màn kịch “trao quyền bên giường bệnh”. Mao quyết tâm trị Chu”.
Chu cũng nhận ra “thế đứng ngoài ánh sáng” của mình, luôn bị Mao và phe nhóm Giang Thanh giám sát động tĩnh từ “trong bóng tối”. Nên Chu ôn hòa kiên trì cùng các vị nguyên lão như Diệp Kiếm Anh, Vương Chấn tìm dịp đúng lúc để thuyết phục Mao phục hồi cho những người bị kết tội oan trái, trong đó có Đặng Tiểu Bình: “phải nói rằng Chu Ân Lai không chỉ là anh cả của Đặng Tiểu Bình, mà trong suốt hơn nửa thế kỷ, Đặng Tiểu Bình luôn luôn là trợ thủ đắc lực và chiến hữu trung thành của Chu Ân Lai” (Nhiếp Nguyệt Nham: Sinh hoạt trung đích Đặng Tiểu Bình, NXB Giải phóng quân, Bắc Kinh 1999. Bản Việt dịch của Lê Khánh Trường:Đặng Tiểu Bình giữa đời thường, NXB Trẻ, TP. HCM 2001, tr. 400).
Chu Ân Lai (sinh 1898) hơn Đặng Tiểu Bình 6 tuổi (sinh 1904), hai người quen nhau ở Paris (Pháp) và Đặng Tiểu Bình bắt đầu hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chu Ân Lai qua công tác biên tập, xuất bản tờ Xích quang của Đoàn TNCS Trung Quốc tại châu Âu năm 1923. Suốt hơn 50 năm sau, hai người đồng hành vào lịch sử của nước Trung Hoa cộng sản, gắn bó mật thiết nhất là giai đoạn cùng công tác ở cơ quan lãnh đạo cao nhất của nhà nước: Chu Ân Lai làm thủ tướng và Đặng Tiểu Bình làm phó thủ tướng. Đến thời Đại cách mạng văn hóa vừa bùng nổ, Đặng Tiểu Bình bị phe Lâm Bưu - Giang Thanh qui là “tên đầu sỏ thứ 2 trong Đảng thuộc phái cầm quyền đi theo con đường tư bản” và bị đưa đi lao động trong xưởng sửa chữa máy kéo ở Giang Tây từ 20.10.1969. Gần 4 năm sau, khi Lâm Bưu đã chết, Chu Ân Lai căn cứ vào lời phê của Mao đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị ra quyết định khôi phục sinh hoạt đảng và chức vụ Phó thủ tướng cho Đặng Tiểu Bình (10.3.1973).
Về lại Bắc Kinh “được Chu Ân Lai ủng hộ, Đặng Tiểu Bình đã lãnh đạo công tác chỉnh đốn đại quy mô, làm chuyển biến đại cục (dần dần chuyển “nguy” thành “an”) và chính vì thế mà ông bị “bè lũ bốn tên” căm ghét” (Nhiếp Nguyệt Nham, sđd. tr.403).
Ban đầu, Mao có chủ trương khác với Giang Thanh về Đặng, muốn “trọng dụng” Đặng để kéo Đặng và nhóm “bốn tên” vào với nhau, tạo “sức mạnh mới”. Từ ý đồ ấy, Mao giao Đặng hàng loạt chức vụ: Phó Chủ tịch đảng, Phó Thủ tướng thứ nhất, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương kiêm Tổng tham mưu trưởng quân đội. Rõ ràng Mao nâng vị trí của Đặng một sớm một chiều lên đỉnh điểm, chỉ “dưới một người” mà “trên vạn người”.
Nhưng càng về sau, Mao càng thấy Đặng rất khó lôi kéo. Cuối tháng 11.1975, Mao thử gợi ý để Đặng soạn thảo nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị theo hướng khẳng định “Đại cách mạng văn hóa thành công, 7 phần thành tích, 3 phần sai lầm - chỉ cần Đặng Tiểu Bình đáp ứng điều này, ông sẽ có cơ sở chính trị để hợp tác với Giang Thanh. Mao (lúc ấy) vẫn chưa từ bỏ ý định để Giang giám quốc - Đặng cầm quyền” - tức Đặng Tiểu Bình “lãnh đạo” nhưng phải làm theo“chỉ đạo” của Giang Thanh - theo Tân Tử Lăng.
Nhưng Đặng “biết việc từ khi việc chưa phát” nên xác định: nếu cam tâm“sửa lại sự thật lịch sử” theo ý của Mao, sau này Đặng không tránh khỏi sẽ bị “lịch sử phán xét”. Ông tìm cách từ chối nhẹ nhàng, không chịu thảo văn bản ca ngợi Đại cách mạng văn hóa. Mao thất vọng và nổi giận, phát động đợt “phản kích làn gió lật án hữu khuynh” chỉa mũi nhọn vào Đặng, chuẩn bị triệt hạ Đặng lần nữa.
Bấy giờ Chu Ân Lai đang nằm chữa bệnh tại bệnh viện, thừa biết Mao đã “phá hoại một thế giới cũ - nhưng lại không đủ sức xây dựng nổi một thế giới mới”. Người Chu kỳ vọng có đủ bản lĩnh thực hiện công cuộc kiến quốc thành công (khác với Mao đã thất bại) chính là trợ thủ đáng tin cậy nhất của mình: Đặng Tiểu Bình. Ông hồi hộp trăn trở khi hay tin Đặng sắp bị Mao “ra đòn” chí mạng, ép phải “làm theo ý mình”.
Và lo ngại chẳng hiểu Đặng có đứng vững nổi trước “trận cuồng phong” đang ập tới. Hay là Đặng sẽ bị lung lay, chọn giải pháp an toàn cho mình, thay đổi thái độ để thỏa hiệp chấp nhận“viết sai lịch sử”, đổi lấy vai “đại thần phụ chính” của Mao đặt sẵn. Để thăm dò, Chu Ân Lai mời Đặng vào bệnh viện gặp mình, trịnh trọng hỏi: “Thái độ ông liệu có thay đổi không?”. Đặng trả lời dứt khoát:
- Vĩnh viễn không !
Chu vui mừng: “Vậy tôi yên tâm rồi !”.
Tân Tử Lăng đánh giá : “Đây là lời thề chính trị giữa hai người, bất chấp vinh nhục và tính mạng bản thân” (còn nữa)
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét