Trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh luật pháp quốc tế nên là nền tảng theo đuổi các tuyên bố chủ quyền hàng hải trên biển Đông.
Hải quân Mỹ và Singapore đã bắt đầu cuộc tập trận chung trên biển Đông từ ngày 29-7 đến 8-8. Kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) ngày 29-7 đưa tin đây là một phần của cuộc tập trận mang tên “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT).
Tự do tiếp cận hàng hải
Từ năm 1995, Singapore đã tham gia tập trận CARAT với hải quân Mỹ. Ngoài Singapore còn có tám nước từng tham gia tập trận CARAT với Mỹ gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Đông Timor.
Phó Đô đốc hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas cho biết cuộc tập trận chung ở biển Đông lần này nằm trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và là một phần cam kết của Mỹ về tự do tiếp cận vùng biển trong khu vực.
Mỹ đưa hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Wayne E Meyer và USS Halsey tập trận với hải quân và không quân Singapore.
Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-ASEAN lần đầu tiên (ngày 3-4) tại Hawaii. Ảnh: asiamattersforamerica.org
Cuộc tập trận năm nay tập trung vào các hoạt động hải quân phức tạp như pháo binh trên biển, phòng không, tìm kiếm và cứu hộ, hoạt động trực thăng trên tàu và ngăn chặn hàng hải.
Điểm nhấn của cuộc tập trận là hoạt động tác chiến chống tàu ngầm giữa trực thăng của hải quân hai nước cùng các hoạt động diễn tập ngư lôi chống các mục tiêu dưới nước.
Nhận định về căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực như Philippines và Việt Nam, Phó Đô đốc Robert Thomas cho hay trong khi hải quân Trung Quốc có thể sẽ tiến hành thêm nhiều hoạt động tại biển Đông, ưu tiên của hải quân Mỹ là sẵn sàng hoạt động trong khu vực, trong đó có công tác cung cấp nguồn lực hỗ trợ hoạt động nhân đạo.
Ông nói ông không muốn suy đoán về khả năng bảo đảm can thiệp quân sự của Mỹ trong khu vực này.
Tăng cường các tổ chức khu vực
Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Commonwealth ở San Francisco (bang California, Mỹ) hôm 28-7 (giờ địa phương), trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định ASEAN rất quan trọng đối với Mỹ.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Daniel Russel nhận xét ASEAN có tầm quan trọng chiến lược an ninh với Mỹ. Mỹ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với ASEAN trên bình diện chính phủ mà điển hình là hội nghị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-ASEAN lần đầu tiên ngày 3-4 mới đây tại Hawaii.
Ông nhấn mạnh một Đông Nam Á ổn định nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ và cách hiệu quả nhất để Mỹ giúp đỡ ASEAN chính là đầu tư tại khu vực này. Chiến lược dài hơi của Mỹ tại ASEAN chính là tăng cường các tổ chức khu vực.
Mỹ theo đuổi chiến lược này bởi cần thiết để phát triển từ thương mại, du lịch, vận tải đến các hệ thống giải quyết tranh chấp pháp lý, khả năng hợp tác đối với các vấn đề như bảo vệ môi trường.
Ông ghi nhận các tổ chức khu vực mạnh mẽ sẽ bảo đảm một lực lượng mạnh mẽ. Thực tế ASEAN đang cho thấy cách tốt nhất để tạo ra áp lực tích cực trong tương lai dài hạn là thông qua các tổ chức mạnh mẽ này.
Mỹ đầu tư hơn 156 triệu USD
Liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhận định các nước lớn (ám chỉ Trung Quốc) phải có trách nhiệm đặc biệt trong hành động kiềm chế.
Ông cho rằng thái độ đơn phương và quyết đoán của Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại về ý đồ bành trướng và khả năng sẵn sàng tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế.
Ông kêu gọi các bên tranh chấp nên đưa tranh chấp ra phán xét theo luật pháp quốc tế nếu nỗ lực ngoại giao thất bại như trường hợp Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế. Ông lưu ý thay vì tham gia vụ kiện, Trung Quốc lại gây áp lực hủy vụ kiện và cô lập Philippines về ngoại giao.
Ông Daniel Russel nhấn mạnh luật pháp quốc tế chứ không phải sức mạnh quốc gia nên là nền tảng theo đuổi các tuyên bố chủ quyền hàng hải trên biển Đông.
Ông cho biết Mỹ khuyến khích các bên tranh chấp tránh khiêu khích và nên đưa ra tuyên bố dựa trên luật pháp quốc tế. Mỹ đang hợp tác với ASEAN và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng các cấu trúc khu vực như Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông để quản lý tranh chấp.
Ông nói Mỹ đang đầu tư hơn 156 triệu USD để tăng cường khả năng hàng hải dân sự của các đồng minh và đối tác trong khu vực trong vòng hai năm tới. Kinh phí này bao gồm hỗ trợ thiết bị, huấn luyện và cơ sở hạ tầng, tăng cường sự hiện diện an ninh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ghi nhận là cường quốc ở Thái Bình Dương và một bên tham gia của nhiều tổ chức khu vực, Mỹ sẽ làm tất cả để tăng cường các tổ chức khu vực hơn nữa thông qua các liên minh và đối tác an ninh.
DUY KHANG
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết Mỹ đã hối thúc Trung Quốc và các bên tranh chấp tiến tới đối thoại quyết định loại hình hoạt động nào được chấp nhận trên biển Đông, giảm căng thẳng và quản lý các khác biệt trong thời gian dài hạn. Mỹ cũng kêu gọi các bên tranh chấp xác định và tự nguyện đóng băng các hoạt động có vấn đề. Vấn đề này sẽ được quyết định thông qua đồng thuận giữa các bên tranh chấp. Mỹ dự tính sẽ thảo luận vấn đề này tại diễn đàn khu vực ASEAN sắp tới tại Myanmar.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét