TQ dùng tàu cá như một chiến lược trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh: qz |
Theo truyền thông chính thống TQ, tính đến cuối năm ngoái, hệ thống vệ tinh Beidou nội địa TQ đã được lắp đặt cho hơn 50.000 tàu cá. Ở Hải Nam - cửa ngõ của TQ ra Biển Đông, các thuyền trưởng trả chưa đầy 10% chi phí cho hệ thống này.
Đây là dấu hiệu cho thấy TQ đang gia tăng hỗ trợ tài chính cho ngư dân khi họ tiến xa hơn ra Biển Đông tìm kiếm các bãi cá mới khi những vùng biển gần trở nên cạn kiệt.
Một số thuyền trưởng và ngư dân TQ cho hay, chính quyền Hải Nam khuyến khích ngư dân tiến sâu vào các vùng tranh chấp ở Biển Đông, thậm chí còn trợ cấp nguyên liệu cho mỗi chuyến ra khơi.
Điều này đã đưa các tàu cá TQ - từ tư nhân đến những công ty niêm yết - vào vị trí tuyến đầu của một trong những điểm nóng châu Á.
Gần đây nhất, các tàu cá được sử dụng để “dàn trận” cùng với các tàu chính phủ xung quanh một giàn khoan mà TQ đơn phương hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN.
Giải thích cho sự gây hấn của TQ ở Biển Đông thường tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của vùng biển này với 5 nghìn tỉ USD giá trị thương mại mỗi năm; hoặc mục tiêu của Bắc Kinh là gia tăng sản lượng dầu khí ngoài khơi.
Hiếm khi tầm quan trọng của nguồn lợi thủy hải sản được đề cập tới. Trong báo cáo năm 2014 của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), tiêu thụ cá tính trên đầu người của TQ là 35,1 kg năm 2010, gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 18,9 kg.
"Các sản phẩm cá cực kỳ quan trọng trong đời sống của người TQ hiện tại. Tôi nghĩ đây là điều mà hầu hết mọi người không tính tới khi nhìn vào những tranh chấp ở Biển Đông”, Alan Dupont, giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales ở Australia nói. “Rõ ràng các đội tàu cá TQ được khuyến khích để đánh bắt ở vùng biển tranh chấp. Điều này giờ đây trở thành một chính sách và chính phủ khuyến khích họ vì những lý do địa chính trị, kinh tế cũng như thương mại”.
Vệ tinh nội địa
Với 16 vệ tinh TQ ở trong quỹ đạo tại châu Á - Thái Bình Dương tính tới cuối 2012 và thêm nhiều kế hoạch phóng vệ tinh khác, hệ thống Beidou 19 tháng tuổi đang là đối thủ cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu nổi trội của Mỹ (GPS) và GLONASS của Nga. Quân đội TQ cũng đã sử dụng Beidou.
Chưa rõ các ngư dân TQ có thường xuyên sử dụng hệ thống vệ tinh nội địa trên hay không. Nhưng báo chí TQ cho biết, họ có thể sử dụng hệ thống này để cảnh báo với chính quyền nếu họ gặp trục trặc hay chạm trán với lực lượng hàng hải nước ngoài.
Chỉ cần nhấn nút khẩn cấp là thông tin được gửi thẳng tới cơ quan chức năng TQ. Beidou còn cho biết chính xác vị trí của một con tàu trên biển. Hệ thống này còn cho phép gửi đi các thông điệp ngắn giúp người sử dụng giao tiếp với các ngư dân khác, với bạn bè hoặc gia đình.
Khi nhà chức trách Philippines tiếp cận một tàu cá TQ hồi tháng 5 ở một bãi ngầm thuộc khu vực tranh chấp, họ đã nhanh chóng tắt hệ thống Beidou, Tân hoa xã khi đó đưa tin.
Một quan chức cấp cao Phillippines đã bác bỏ thông tin này, nói rằng tàu không có thiết bị vệ tinh. 9 ngư dân TQ trên tàu đã bị phía Philippines bắt giữ vì đánh bắt trái phép loài rùa biển được bảo vệ.
Zhang Jie, phó giám đốc cục hải sự Hải Nam nói ông không có thông tin chính xác về việc sử dụng Beidou nhưng không quên nhấn mạnh, ngư dân được khuyến khích đánh bắt ở bất kỳ vùng biển nào thuộc về TQ. Trong khi đó, bất chấp sự chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác, TQ vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông kể cả các ranh giới lượn sát bờ biển nhiều láng giềng.
Các cơ quan chức năng khác ở Hải Nam như văn phòng ngư nghiệp tỉnh, văn phòng vệ tinh hàng hải TQ cùng với Bộ Ngoại giao TQ, Cục Quản lý đại dương đều không đưa ra bình luận nào.
Thái An(theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét