Ngày 16/4/2015, Tổng thống Nga V.Putin đã có cuộc đối thoại trực tuyến với người dân Nga.
Đã có hơn 3 triệu câu hỏi được gửi tới ông và buổi đối thoại kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Rất nhiều vấn đề đã được đề cập - từ tăng giá đến các biện pháp cấm vận, vấn đề cầm cố ngoại tệ, chế độ hưu trí, Ucraine, điều tra vụ áp sát B.Nhemsov, đấu tranh chống IS và rất nhiều vấn đề khác. Do khuôn khổ bài báo có hạn, chỉ xin trích dẫn một số câu trả lời của V.Putin.
Ảnh :M.Klimenchev /RIА Novosti |
Về tham vọng đế quốc
Tôi muốn nhấn mạnh điều này: chúng ta (Nga) không có mục đích khôi phục đế quốc. Chúng ta không có các tham vọng đế quốc. Nhưng chúng ta có thể đảm báo một cuộc sống xứng đáng cho người dân, kể cả những người Nga đang sống ở nước ngoài, ở các nước láng giềng SNG của chúng ta bằng cách tăng cường sự phối hợp và hợp tác.
Về các kẻ thù của Nga
Được trở thành kẻ thù và bạn bè của chúng ta (Nga) đều vinh dự như nhau. Chúng ta không coi bất kỳ thành viên nào của Cộng đồng quốc tế là kẻ thù, và cũng không khuyên ai coi chúng ta là kẻ thù của họ. Chúng ta không hề có ý định đánh nhau với bất kỳ ai, nhưng dĩ nhiên sẽ củng cố khả năng phòng thủ của mình để không ai nảy sinh trong đầu “ mong muốn” đánh nhau với Nga.
Về các đồng minh của Nga
Tôi xin nhắc lại lời của Nga Hoàng Aleksandr đệ tam. Ông từng nói rằng Nước Nga chỉ có hai đồng mình – đó là Quân đội và Hạm đội (Hải quân). Trong lời dặn dò con trai mình ông nói “ họ sợ sự rộng lớn của chúng ta”.
Nếu nói một cách nghiêm túc thì cần phải nhận thức được các mối đe dọa hiện nay. Đó là chủ nghĩa khủng bố, sự kỳ thị, tội phạm có tổ chức. Có nhiều nước và nhiều người trên toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh (chống lại các mối đe dọa trên –ND) của chúng ta.
Về dỡ bỏ cấm vận
Khó mà chờ đợi (các nước Phương Tây-ND) dỡ bỏ cấm vận ngay bây giờ, bởi vì đây các vấn đề hoàn toàn mang tính chất chính trị và chiến lược của một số đối tác của chúng ta trong mối quan hệ với Nga và (các biện pháp cấm vận được thực hiện) là nhằm kìm hãm sự phát triển của chúng ta (Nga).
Vấn đề là ở chỗ là ngay trong đất nước mình, ngay trong ngôi nhà của mình, trong nến kinh tế của mình, tự chúng ta cần phải tìm ra các phương pháp điều hành các tiến trình đó một cách hoàn thiện hơn. Không phải là chịu đựng- chúng ta cần phải tận dụng những tình huống phát sinh liên quan đến cấm vận để đạt một bước phát triển mới.
Về lợi ích của cấm vận
Trên thực tế thì những (biện pháp) cấm vận đó có ích cho Chính phủ và Ngân hàng trung ương- có thể nói rằng: “ Như thế đấy, chính vì những biện pháp cấm vận mà chúng ta buộc phải hành động như vậy” (Ý nói phải tự hoàn thiện mình-ND). Và không chỉ vì như vậy. Mà còn vì chúng ta cần phải hành động một cách chuyên nghiệp hơn, nhất quán hơn và kịp thời điều chính chính sách kinh tế. Điều đó đang diễn ra, đang có những điều chỉnh (chính sách kinh tế-ND).
Về khôi phục các mói quan hệ với Phương Tây
Không phải chúng ta phá hỏng các mối quan hệ đó, nhưng chúng ta luôn mong muốn có mối quan hệ bình thường với tất cả các quốc gia: kể cả ở Phương Đông lẫn Phương Tây. Họ không cần đồng minh mà cần các chư hầu,- ý tôi muốn nói tới Mỹ. Nước Nga không thể tồn tại trong một hệ thống các mối quan hệ như vậy được. Điều kiện quan trọng nhất để khôi phục lại mối quan hệ bình thường – đấy là sự tôn trọng nước Nga và tôn trọng các lợi ích của Nga.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta (Nga) cần phải phùng mang trợn mắt, trút tức giận lên một ai đó, tự mình cố lập mình, tự mình chối bỏ các mối quan hệ. Chúng ta sẵn sàng hợp tác bất chấp quan điểm của một số nước.
Về chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Stalin
Không thể xếp chủ nghĩa Phát xít ngang hàng với chủ nghĩa Stalin được, bởi vì những kẻ theo chủ nghĩa Phát xít đã thẳng thừng, công khai tuyên bố là một trong những mục tiêu trong chính sách của mình- tiêu diệt một số dân tộc: người Do thái, người Digan, người Slavo. Dù chế độ Stalin cũng có khiếm khuyết, như các vụ đàn áp, lưu đày cả một số dân tộc nhưng chế độ Stalin không bao giờ đặt ra mục tiêu diệt chủng cả một dân tộc.
Về các kết quả của năm
Chúng ta đã phải đối mặt với một số khó khăn nhất định từ bên ngoài, và dù ít dù nhiều thì tất cả những cái đó đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, đến sự phát triển của chúng ta. Nhưng nhìn chung hiện nay đồng rup đang được củng cố, thì trường vốn đang tăng trưởng. Chúng ta đã không để rơi vào vòng xoáy lạm phát.
Về sự tăng giá
Năm vừa qua (2014) giá các mặt hàng tiêu dùng tăng 11,4%. Tất nhiên, không có gì hay ho ở đây cả bởi vì nó ảnh hưởng (tiêu cực) đến mức sống của người dân. Nhưng trong tháng 3, tốc độ lạm phát đã giảm 3 lần. Thu nhập (thực tế) của người dân giảm 1 %, còn lương tăng 1,3%.
Về Ucraine
Giới lãnh đạo hiện nay ở Ucraine đã mắc rất nhiều sai lầm, và kết quả sẽ rất tiêu cực, nhưng đấy là sự lựa chọn của Tổng thống và của Chính phủ (Ucraine). Chúng ta(Nga), tất nhiên là không có ý định can thiệp, bởi vì chúng ta không có lý do gì để ép (họ) phải hành sử như thế nào. Nhưng chúng ta có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Nga không trông chờ gì từ chính quyền Kiev, ngoài một điều duy nhất- đối xử với chúng ta như một đối tác đầy đủ và bình đẳng trong tất cả mọi hướng phối hợp hành động.
Chính quyền Ucraine hiện nay đang tự mình tách ra khỏi Donbass. Điều bất hạnh chính là ở chỗ ấy.
Ucraine là một quốc gia độc lập và cần phải tôn trọng điều ấy.
Về sự hiện diện của Quân đội Nga ở Donbass
Tôi xin nói thẳng thắn và dứt khoát với các vị: Không có binh sỹ Nga nào ở Donbass. Cũng xin nói thêm, trong cuộc xung đột gần đây ở Đông – Nam (Ucraine-ND), ở Donbass, có lẽ người phát biểu chính xác nhất (về vấn đề này) chính là Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ucraine – ông này đã công khai tuyên bố thẳng trong cuộc gặp với các đồng nghiệp nước ngoài: “ Chúng tôi không đánh nhau với Quân đôi Nga”.
Về tương lai của Donbass
Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện Thỏa thuận Minsk,có thể tìm ra những biện pháp nào đấy để khôi phục lại một trường chính trị chung cho Ucraine (ý muốn nói về một nước Ucraine thống nhất-ND ). Nhưng cuối cùng thì tiếng nói quyết định cần phải thuộc về những người dân sống trên khu vực lãnh thổ đó. Có thể nói tương lai của Donbass phụ thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt và thông thái chính trị của giới lãnh đạo Kiev.
Về kỷ lục xây dựng
Chúng ta đã đạt những thành quả kỷ lục trong xây dựng nhà ở. Đây là kết quả kỷ lục trong toàn bộ lịch sử tồn tại của Quốc gia Nga. Chưa bao giờ- kể cả dưới thời Xô Viết, Hậu Xô Viết và cả Tiền Xô Viết- có được một kết quả như vậy: khoảng 81 triệu, và có thể là 82 triệu mét vuông nhà ở.
Về táo Ba Lan và thay thế hàng nhập khẩu
Nếu nói một cách trung thực, thì (sự hiện diện những sản phẩm bị cấm vận) đã làm bớt căng thẳng trên thị trường lương thực- thực phẩm. Điều quan trọng nhất- không phải là đấu tranh chống các hiện tượng gian lận bịp bợm, mà là duy trì sự tăng trưởng của nền nông nghiệp Nga, là để có thể sử dụng các biện pháp kinh tế cùng với gây sức ép hành chính ở một mức độ nhất định nào đó liên quan đến chống cấm vận nhằm đẩy dần các hàng hóa nước ngoài ra khỏi các kệ hàng của chúng ta, và để những nhà sản xuất trong nước có một vị trí xứng đáng.
Về con số thống kê
Ở bất cứ nước nào cũng có sự phàn nàn về các con số thống kê, nhưng tôi tin những con số mà người ta (các cơ quan thống kê-ND) đã cung cấp cho tôi- tôi không có lý do gì để không tin họ (những cơ quan đó). Vấn đề là ở chỗ cần phải làm gì để cải thiện tình hình? Chúng ta nắm bắt được thực tế, và tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ có những quyết định phù hợp.
Về những sự thay đổi cần thiết
Chúng ta cần phải tạo ra những điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp, chúng ta cần phải tạo những điều kiện tốt hơn cho đầu tư tư nhân, chúng ta cần phải hoàn thiện chính sách tín dụng –tiền tệ, và dĩ nhiên chúng ta phải cải thiện đáng kể hệ thống điều hành trong nước nói chung, trong chính phủ và một số lĩnh vực riêng biệt, cần phải hoàn thiện hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và tòa án.
Đấy là một nhiệm vụ đụng chạm đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng, dĩ nhiên là cần phải thực hiện, như dân gian hay nói: mắt nhìn thì sợ nhưng tay vẫn phải làm. Chúng ta cũng cần phải hành động như vậy.
Về cung cấp S-300 cho Iran
Chúng ta đã ký một hợp đồng như vậy từ năm 2007. Và sau đó Tổng thống ( D.Medvedev lúc đó-ND) đã ký sắc lệnh dừng việc thực hiện hợp đồng. Hiện nay các đối tác Iran đã thể hiện sự linh hoạt và mong muốn tìm được một thỏa hiệp về chương trình hạt nhân. Các xí nghiệp của chúng ta sản xuất những trang bị đó (S-300-ND).
Nó đắt tiền, giá gần 1 tỷ đô la. Không ai trả tiền cho các xí nghiệp nghiệp của chúng ta cả. Chúng ta quả thực đã nhận được nhiều lời gợi ý là sẽ mua nó (S-300-ND) nhưng không ai mua. Trong các điều kiện hiện nay ở khu vực, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến tình hình Yemen, việc cung cấp loại vũ khí này sẽ là một nhân tố kiềm chế.
Về các đối tác nước ngoài
Chúng ta không lựa chọn đối tác, nhưng khi xử lý công việc của mình chúng ta không thể xuất phát từ thiện cảm hay ác cảm (với một đối tác nào đó-ND) – chúng ta cần phải xuất phát từ lợi ích của đất nước và sẽ tuân thủ nguyên tắc đó.
Về vụ sát hại Nhemsov
Đây là một sự kiện hết sức nhục nhã, bi thảm và nhục nhã- tức những vụ giết người tương tự như vậy. Ngay sau khi sự việc xảy ra chi một ngày, có thể tối đa là một ngày rưỡi, các nhân viên điều tra của FSB ( Cơ quan an ninh liên bang-ND), và MVD ( Bộ Nội vụ-ND) đã tìm ra được tên tuổi của những kẻ thực hiện( vụ ám sát). Vấn đề chỉ còn là tìm chúng ở đâu và bắt chúng như thế nào.
Có thể tìm ra những kẻ đặt hàng vụ ám sát này không và liệu có những kẻ “ đặt hàng “không. Điều đó tất nhiên sẽ được làm rõ trong quá trình điều ra đang được tiến hành.
Về việc tổng thống (các nước) đến dự lễn Ngày chiến thắng
Đấy là sự lựa chọn của mỗi một nhà hoạt động chính trị cụ thể nào đó, lựa chọn của nước mà ông ta là đại diện. Có ai đó tự mình không muốn (đến dự lễ Ngày chiến thắng), có ai đó không được “cấp ủy Washington” cho phép. Đối với ai đó, rất có thể là vì không muốn một ai đó bực mình. Nhưng cứ để cho họ tự quyết định lấy cho bản thân.
Về phê bình
Cần phải luôn phê bình (chỉ trích) chính phủ và tổng thống cũng cần phải được phê bình, các thống đốc cũng vậy, nói chúng là cần phải phê bình đóng góp cho tất cả mọi người. Nói chung, khi phê bình tồn tại, nó (các ý kiến phê bình-ND) buộc chúng ta phải nhìn vào thực tế xung quanh ta bằng một con mắt mới, một quan điểm mới, luôn theo một cách nhìn mới và điều đó chỉ có lợi.
Về “Mistral”
Việc từ chối cung cấp (các tàu) theo một hợp đồng đang có hiệu lực, dĩ nhiên, đó là một dấu hiệu tồi. Nhưng nếu xét từ quan điểm duy trì khả năng phòng thủ của chúng ta thì điều đó (Pháp không cung cấp “Mistral”) không hề có một chút ý nghĩa gì. Vào thời đó (lúc ký hợp đồng-ND) chúng ta ký hợp đồng trước tiên là để hỗ trợ các đối tác của chúng ta, giúp họ tạo việc làm cho các nhà máy đóng tàu để duy trì các nhà máy đó.
Chúng ta dự định bố trí chúng (các tàu đó) ở Viễn Đông. Tôi xuất phát từ quan điểm cho rằng giới lãnh đạo Pháp hiện nay và những người Pháp nói chung- đó là những người đứng đắn và (họ) sẽ hoàn tiền cho chúng ta. Chúng ta không có ý định đòi tiền phạt (vì phá vỡ hợp đồng) quá đáng, nhưng họ (Pháp) cần phải bồi hoàn mọi khoản chi phí mà chúng ta đã phải bỏ ra.
Về việc không công bố thu nhập của lãnh đạo các công ty nhà nước
Quyết định (không công bố các thông tin về thu nhập của lãnh đạo các công ty nhà nước) có liên quan đến việc trong các hội đồng giám đốc của các công ty trong nước có rất nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc.
Chúng ta không thể bắt họ (các chuyên gia nước ngoài-ND) phải công bố thu nhập, còn nếu đặt các công dân nước ta và các công dân nước ngoài trong những điều kiện không bình đẳng thì thật sự không tế nhị một chút nào.
Về việc không nhập khẩu thuốc (chữa bệnh)
Thứ nhất, Bộ y tế không có ý định từ bỏ nhập khẩu thuốc. Thứ hai, cần phải phát triển ngành công nghiệp dược phẩm của chúng ta. Nước Nga sản xuất được nhiều loại thuốc có chất lượng . Rất tiếc là có hiện tượng giá thuốc đang tăng. Điều này trước hết liên quan đến sự thay đổi tỷ giá (giữa đồng rúp và đồng ngoại tệ).
Về việc không được xuất cảnh
Tất nhiên, cảnh sát khu vực không phải là những người nắm giữ các bí mật (nhà nước) và thoạt nhìn thì những biện pháp như vậy (không cho xuất cảnh-ND) là thừa. Bộ Nội vụ xuất phát từ quan điểm cho rằng các đối tượng trong phạm vị điều chỉnh (của lệnh này) cần phải được đối xử như nhau.
Đây là cách tiếp cận chung chủ yếu liên quan đến quan điểm của Bộ nội vụ. Dĩ nhiên, khi một người đã làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan đặc biệt thì anh ta sẽ hiểu điều gì đang xảy ra và có thể (anh ta) sẽ được các cơ quan đặc biệt nước ngoài quan tâm.
Về đường dây trực tuyến
Đấy là một nhu cầu rất lớn của xã hội. Hàng triệu câu hỏi được gửi đến bằng các kênh khác nhau. Điều đó cho phép (giới lãnh đạo) thực sự cảm nhận được là mọi người đang quan tâm những gì. Khi bạn nhìn và lắng nghe mọi người, bạn sẽ có một cách tiếp nhận hoàn toàn khác. Điều đó tạo ra khả năng truyền tải quan điểm của giới lãnh đạo đất nước , đưa ra những đánh giá về những cái gì đang xảy ra.
- Lê Hùngtt24h ( lược dịch- nguồn”Lenta.ru” 17/4/2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét