Sau tuyên bố sẽ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine để trả thù Nga, thứ duy nhất mà Israel nhận lại là "một cái bạt tai" từ điện Kremlin, tờ Jerusalem Post đưa tin.
Thứ bảy tuần trước (18/4), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi điện trực tiếp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để bày tỏ sự bất bình trước thông tin Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran.
Dù chỉ là một mẫu tên lửa tương đối cũ, nhưng S-300 từ lâu vẫn được đánh giá là "cái gai" trong mắt Jerusalem, cản trở khả năng Không lực Israel không kích căn cứ hạt nhân tại Iran.
Theo Jerusalem Post, các nguồn tin từ Israel cũng cho biết một số thành viên nội các nước này đang lên kế hoạch hỗ trợ vũ khí cao cấp cho Ukraine để đáp trả lại quyết định mới đây của Nga.
Ngoài ra, ông Netanyahu cũng tuyên bố sẽ không tham dự lễ kỉ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít của Hồng quân Liên Xô hôm 9/5 tới đây.
Tuy nhiên, những động thái này đi ngược hoàn toàn với chính sách ngoại giao "nhún nhường" từ trước đến nay của Israel đối với Nga. Và ngay lập tức, Tổng thống Putin đã cảnh báo Israel đừng tính đến việc bán vũ khí sát thương cho Ukraine.
Theo đánh giá của nhà báo Yossie Melman trên Jerusalem Post, những diễn biến mới đây chẳng khác nào "một cái bạt tai" đánh vào vị thế của Israel trên trường quốc tế.
Theo ông Melman, từ nhiều năm nay, Israel luôn mềm mỏng trước điện Kremlin vì hai lý do. Thứ nhất, Jerusalem không muốn Nga bán vũ khí cho Iran. Nhưng trớ trêu thay, những gì đang diễn ra đi ngược lại hoàn toàn với toan tính của ông Netanyahu và bộ sậu.
Lý do thứ hai, theo ông Melman, đơn giản là vì Israel sợ Nga. Nhà báo này chỉ ra rằng, trong khi ông Netanyahu không ngần ngại "bật" đồng minh quan trọng nhất của họ là Mỹ, thì trước Nga, Israel không bao giờ dám "ho he".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên án Iran trước Quốc hội Mỹ hôm 3/3. Ảnh: AFP |
Bằng chứng là hồi tháng Tư năm ngoái, Israel là một trong những quốc gia hiếm hoi không công khai lên án việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, trước sự bất bình của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Ukraine, Bộ Quốc phòng Israel luôn cương quyết giữ vững lập trường không cung cấp vũ khí cho Kiev, thay vào đó họ chỉ trang bị cho Ukraine một vài trang thiết bị nhỏ lẻ.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra không hề ngạc nhiên trước động thái mới đây của Putin. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông từ lâu đã biết Nga sẽ bán S-300 cho Iran, và việc tiến hành chỉ là vấn đề thời gian.
Hội đồng Bảo an LHQ cũng không hề cấm đoán việc bán vũ khí "phòng thủ" cho Iran, và đây cũng chính là cách Tổng thống Putin giải thích cho quyết định này của mình.
Tóm lại, tất cả những chiến lược "lấy lòng" Nga từ trước đến nay của Israel đã phản tác dụng hoàn toàn. S-300 vẫn sẽ đến tay Iran, còn quan hệ ngoại giao với đồng minh quan trọng nhất của Jerusalem là Mỹ cũng vì thế mà rạn nứt thấy rõ.
theo Đại Lộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét