EU muốn thỏa thuận Minsk nhanh chóng được thực hiện, muốn khủng hoảng Ukraine sớm kết thúc, nhưng Mỹ đang làm hoàn toàn ngược lại.
Thực tế đau đớn của EU
Trong bản báo cáo thường niên năm 2014 vừa được Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB công bố ngày 20/4 thì một loạt quốc gia của EU đang lâm vào tình trạng mất cân bằng tài chính. Hoặc hiểu theo cách thực tế hơn thì những quốc gia này đang đứng trước sự suy thoái và nguy cơ khủng hoảng.
Theo Chủ tịch ECB Mario Draghi, năm 2014, ngân hàng này đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm đưa kinh tế châu Âu trở lại đà tăng trưởng. Ông Chủ tịch đã nhấn mạnh đây là những nỗ lực chưa từng có trong lịch sử, nhưng thực tế họ đã thất bại.
ECB chỉ ra ba nước cầm đèn đỏ, và được gửi tới lời khuyến cáo thực hiện các biện pháp kiên quyết để cải cách thể chế kinh tế là Pháp, Italy và Bồ Đào Nha. Việc Italy và Bồ Đào Nha đứng trước nguy cơ vỡ nợ là điều đã được cảnh báo, nhưng cái tên nước Pháp mới thể hiện sự đáng báo động cho kinh tế khu vực này.
Nhiều năm nay, Pháp và Đức đang là hai nền kinh tế được cho là đầu tàu kéo cả khối EU cùng phát triển. Họ cũng là hai trong bộ tứ Normandie đang giải quyết vấn đề khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, việc mắt xích nước Pháp gặp vấn đề về kinh tế đã cho thấy EU đang thực sự đứng trước những khó khăn không nhỏ.
Châu Âu đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế nghiêm trọng |
Trong khi đó, vấn đề cấm vận, trừng phạt nước Nga khiến EU mất một thị trường tiêu thụ hàng hóa giàu có. Vấn đề này gây mâu thuẫn cao độ trong nội bộ các thành viên EU. Và phong trào đòi bãi bỏ cấm vận ngày càng lan rộng, đặc biệt trong lòng những quốc gia Đông Âu.
Khi EU đứng trước những báo động về kinh tế, và họ đã phải tự thừa nhận những nguy cơ đó như một sự thật không thể lấp liếm, thì về phía Nga, Moscow đang từng bước đưa nền kinh tế nước này về quỹ đạo.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với quốc dân vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định trong 2 năm tới, nước Nga sẽ khôi phục đà tăng trưởng như khi chưa có tác động kép giá dầu giảm - phương Tây trừng phạt.
Và vừa qua, phát biểu tại Hạ viện Nga ngày 21/4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thông báo về một loạt tín hiệu cho thấy việc kinh tế Nga đi vào ổn định. Theo ông Medvedev, nền kinh tế đã thích ứng với tỷ giá đồng ruble được thả nổi năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp ở mức chịu đựng được, thâm hụt ngân sách ở mức an toàn...
Điều này cho thấy, Nga chấp nhận nhìn vào sự thật rằng họ đang rơi vào một cuộc chiến kinh tế và đã có những tổn thất ban đầu. Tuy nhiên, họ cũng cho thấy khả năng hồi phục của mình là có cơ sở.
Cơ sở đó từ việc Nga trong cơn bĩ cực như người chết đuối đã vùng vẫy và tìm đến những chiếc cọc từ Trung Quốc, hoặc mở rộng hợp tác với nhiều khu vực như Mỹ Latinh. Ngoài ra, kết hợp với việc tìm kiếm nguồn đầu tư ngoại tệ mới, Nga thúc đẩy việc thắt chặt chi tiêu công và phát triển nền kinh tế tự chủ, hay nói cách khác là tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ.
Thủ tướng Medvedev: Kinh tế Nga đã ổn định |
Có thể thấy rằng phản ứng của Nga là có hệ thống và đồng bộ. Họ xác định sẽ không có bàn tay cứu giúp nào ngoài việc tự bươn chải để thoát khỏi cảnh sụp đổ. Trong khi đó, các nước thành viên EU vẫn còn tâm lý dựa vào những nền kinh tế mạnh hơn trong khu vực, điều này khiến cho châu Âu ngày càng lung lay bất ổn. Hy Lạp đã là một bằng chứng sống mà EU phải ghi nhận.
Mỹ đã quên lợi ích của châu Âu
Trong bối cảnh EU khó khăn chồng chất khó khăn, thì điều họ muốn được hiện thực hóa nhất vào thời điểm này là chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, để có thể danh chính ngôn thuận nối lại các hoạt động kinh tế với Nga. Và muốn làm được điều đó thì thỏa thuận Minsk được ký ngày 12/2 phải được thực hiện bằng được.
Tuy nhiên, thỏa thuận Minsk đang mong manh hơn bao giờ hết, và nguyên nhân chính từ người đồng minh lớn của EU - nước Mỹ.
Ngày 21/4/2015, tốp 300 lính dù của Mỹ bắt đầu công việc huấn luyện cho lực lượng quân đội Ukraine. Mục đích của nhiệm vụ này, thiếu tá Jose Mendez của Mỹ đang ở Ukraine nhấn mạnh họ sẽ có 6 tháng để biến 1000 lính Ukraine trở thành thiện chiến không kém gì quân Mỹ. Và chính lực lượng này sẽ là nhân tố đào tạo cho toàn bộ quân đội Ukraine.
Còn Tổng thống Poroshenko khẳng định họ sẽ chuyên nghiệp hơn, thiện chiến hơn và hiệu quả chiến trường sẽ được thay đổi rõ rệt. Và chiến trường mà Poroshenko nhắc đến chẳng nơi nào khác ngoài miền Đông, nơi các cuộc giao tranh giữa Kiev và Donbass đang diễn ra hàng ngày.
Quân đội Mỹ và Ukraine cũng bắt đầu tiến hành các cuộc diễn tập huấn luyện chung và lên kế hoạch cho một cuộc tập trận quy mô lớn vào cuối năm 2015.
Tổng thống Poroshenko ngồi ăn chung với lính Mỹ và quân Ukraine ở một căn cứ phía Tây nước này |
Huấn luyện quân sỹ là chưa đủ, ngày 20/4, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với ông Poroshenko và tuyên bố sẽ cấp thêm cho Ukraine 17,7 triệu USD để hỗ trợ nhân đạo. Cuộc điện đàm cũng mở ra cơ hội cho Kiev nhận được thêm nhiều khoản viện trợ tài chính khác từ Washington.
Có thể nói rằng, việc cho tiền Ukraine của Mỹ chỉ khiến Kiev ngày càng tin vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía cường quốc này. Điều này chỉ khiến tình hình ở quốc gia Đông Âu thêm phức tạp và Kiev thêm hiếu chiến với những người ly khai.
Còn nhớ rằng mỗi lần Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm hoặc đến thăm Ukraine thì ngay sau đó, Kiev luôn tổ chức các chiến dịch quân sự lớn nhằm vào những người Donbass.
Việc Mỹ huấn luyện quân sự, viện trợ tài chính chỉ khiến những cái đầu nóng ở Kiev không thể nguội đi, và cuộc nội chiến của Ukraine chỉ thêm dầu vào lửa. Đồng nghĩa với việc thỏa thuận Minsk có nguy cơ sụp đổ trong nay mai, và EU sẽ thêm đau khổ vì điều này.
Washington đang thể hiện họ quyết dùng Ukraine để đấu với Nga tới cùng. Và cuộc đối đầu ấy vô tình đã trói chân EU, khiến họ một mặt không thể rút vai trò trách nhiệm khỏi Ukraine, một mặt vẫn phải duy trì các biện pháp trừng phạt với Nga.
Một lần nữa, Mỹ đã quên đi lợi ích, tâm tư của EU. Và "vị thế chư hầu" một lần nữa ám ảnh suy nghĩ của những nhà chính khách châu Âu.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét