Với hàng loạt các vấn đề liên quan đến những tranh chấp biển, đảo trong thời gian qua, có thể thấy, mục tiêu của Trung Quốc là mở rộng vùng ảnh hưởng trên biển.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (ảnh: TT)
Một số cựu quan chức, tướng lĩnh quân đội nhận định, Biển Đông vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nếu mất Biển Đông, sẽ đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của dân tộc.
Mặt khác, việc đấu tranh chống các thế lực bành trướng, giữ vững hòa bình trên Biển Đông là nhiệm vụ của các nước có cùng lợi ích nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Đây là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, cần đưa ra những giải pháp để ổn định tình hình
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên tư lệnh Quân khu 4.
Trung tướng có thể cho biết Biển Đông có vị trí, vai trò chiến lược như thế nào trong vấn đề đảm bảo chủ quyền, an ninh lãnh thổ của Việt Nam?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Biển Đông (vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam) là không gian sinh tồn xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây cũng là khu vực mà hàng trăm năm về trước, ông cha ta đã kiến lập, đặt chủ quyền, bằng các dấu ấn lịch sử và các văn bản pháp lý. Bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của chúng ta ở Biển Đông, có thể bảo vệ vững chắc của an ninh lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam từ đời này sang đời khác. Đụng chạm đến vấn đề Biển Đông là đụng đến vấn đề sinh tử của Việt Nam.
Mặt khác, việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi trên Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia ven biển, mà còn ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác phát triển trong khu vực và thế giới. Do vậy việc đấu tranh chống các thế lực bành trướng, giữ vững hòa bình trên Biển Đông là trách nhiệm của các nước có quyền và lợi ích hợp pháp và của cả cộng đồng quốc tế .
Năm 2014, Trung Quốc tăng cường các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, vi phạm trắng trợn chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực. Trung tướng bình luận gì về vấn đề này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trung Quốc đã và đang cố gắng mở rộng khu vực ảnh hưởng một cách phi pháp của mình trên biển, bằng các biện pháp thực tế.
Họ đã cho xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng tại các vị trí đã chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa, trong đó có việc nâng cấp sân bay trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Trung Quốc tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động tại các vị trí đã đánh chiếm bằng vũ lực (năm 1988) tại quần đảo Trường Sa, biến chúng thành những đảo nhân tạo rộng có quy mô lớn…
Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng DOC, làm phức tạp và trầm trọng thêm tranh chấp ở Biển Đông...
Các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng có chiều hướng gia tăng, đã tạo nên làn sóng phản đối quyết liệt từ phía các nước có quyền và lợi ích liên quan và cộng đồng quốc tế.
Chúng ta không phải không biết âm mưu của Trung Quốc trong vấn đề áp đặt tư tưởng và sự bành trướng của họ trên Biển Đông. Họ đã lợi dụng đúng lúc đất nước lâm vào cảnh khó khăn nhất (năm 1974), để thực hiện chiếm đảo, xác lập chủ quyền phi pháp trên biển.
Những đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian vừa qua nhằm khẳng định vững chắc chủ quyền của Việt Nam, đưa Biển Đông trở về trạng thái hòa bình, ổn định là đúng đắn và cực kỳ đáng hoan nghênh.
Không chỉ có đường 9 đoạn, mới đây Trung Quốc còn trưng ra bản đồ dọc có đường 10 đoạn bao trọn biển Đông. Luận điệu này không chỉ bị các nước có liên quan phản đối, mà cộng đồng quốc tế cũng không đồng tình (ảnh: internet)
Chúng ta đã cho thế cho thế giới thấy rằng, những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, nhằm áp đặt quyền lực của nước lớn trên biển (đặc biệt là từ sự kiện Trung Quốc kéo dài khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế…
Sự đoàn kết của dân tộc trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này, kết hợp với sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được những kết quả bước đầu trong cuộc đấu tranh chống "chủ nghĩa bành trướng"
Trước thực trạng trên, Trung tướng có thể đưa ra những dự báo gì về tình hình Biển Đông năm 2015 và những năm tiếp theo?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Với hàng loạt các vấn đề liên quan đến những tranh chấp biển, đảo trong thời gian qua, có thể thấy, mục tiêu của Trung Quốc là mở rộng vùng ảnh hưởng trên biển trên phạm vi rộng chứ không riêng gì Biển Đông.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, vấn đề quan hệ kinh tế quốc tế trở thành vấn đề cốt lõi cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Việc sử dụng sức mạnh quân sự phục vụ cho sự bành trướng lãnh thổ sẽ khó được thực hiện bởi nó chịu sự ràng buộc bởi các mối quan hệ quốc tế trong thời điểm hiện tại.
Do vậy, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ thực quyết liệt mưu đồ "bành trướng" lãnh thổ của mình một cách rõ rệt hơn, bằng việc áp đặt “quyền lực mềm” đối với các nước có quyền và lợi ích tại Biển Đông và các vùng biển khác...
“Quyền lực mềm” có thể hiểu theo nghĩa, họ sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt bá quyền mà sẽ tạo sức ép về kinh tế, văn hóa…để thực hiện ý đồ của mình.
Cũng xin nói thêm rằng, đó là ý đồ của họ, còn việc họ có thực hiện được hay không, thì không phải họ muốn là được.
Nếu Trung Quốc áp đặt được chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, thì họ sẽ mở rộng vùng ảnh hưởng sang các khu vực khác trên thế giới. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông, không chỉ là nhiệm vụ của riêng Việt Nam mà còn là nhiệm vụ chung của các nước trong khu vực có lợi ích liên quan và cộng đồng các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam phải cảnh giác trước những động thái mới từ phía Trung Quốc đặc biệt là vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng. Chúng ta đang đi đúng hướng bằng việc huy động sức mạnh tổng hợp(chính trị, ngoại giao…) để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét