Khi giá dầu ở mức 115 USD/thùng vào tháng 6/2014, các nhà môi giới trên thị trường dầu mỏ cho rằng cuộc xung đột tại Iraq, Ucraina và Libya là nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao.
Sau 7 tháng, giá dầu giảm mạnh xuống 50 USD/thùng trong tình hình lượng cung dư thừa, nhưng những rủi ro địa chính trị trước đây, cùng với những rủi ro mới xuất hiện, vẫn đóng vai trò lớn trong việc tác động đến giá dầu. Tổ chức khủng bố IS vẫn chưa từ bỏ mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo tại vùng Trung Đông, Libya vẫn đang sa lầy trong tình hình hỗn loạn chính trị, lực lượng ly khai thân Nga vẫn đang chiến đấu với lực lượng của chính phủ Ucraina, còn Bắc Triều Tiên đang có xung đột với Hollywood.
Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia phân tích nghi ngờ chính sự lạc quan thái quá về địa chính trị trong tâm lý các nhà đầu tư đã bất ngờ đẩy giá dầu xuống thấp.
Theo giám đốc chiến lược Michael McCarthy của CMC Markets, giá dầu hiện nay phản ánh tâm lý các nhà đầu tư khi cho rằng hầu như không có rủi ro trên các vấn đề địa chính trị hiện nay có thể ảnh hưởng đến sản xuất dầu mỏ. Nói cách khác, giá dầu sẽ tăng mạnh nếu có chuyện gì đó xảy ra tại một khu vực sản xuất dầu chủ chốt.
Chuyên gia McCarthy cho rằng tùy thuộc vào nguyên nhân của vụ việc diễn ra mà giá dầu sẽ thay đổi ở mức khác nhau. Thậm chí, một mức tăng nhanh tới 20 USD/thùng cũng là điều có thể xảy ra.
Xét theo một vài góc độ, bối cảnh toàn cầu hiện nay có vẻ nguy hiểm hơn so với 1 năm trước đây. Bỉ đã nâng mức báo động lên gần cao nhất đối với các cuộc tấn công khủng bố sau khi các tay súng Hồi giáo sát hại 17 người tại Thủ đô Paris của Pháp. Bên cạnh đó, cuộc tấn công thông tin mạng đối với hãng Sony Pictures Entertainment Inc xảy ra vào tháng 11/2014 đã trở thành một cuộc xung đột về địa chính trị khi Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc tội Bắc Triều Tiên là chủ mưu và tuyên bố sẽ đáp trả.
Rủi ro gia tăng
Theo cuộc khảo sát toàn cầu của Bloomberg, những mối đe dọa đối với thị trường tài chính do các bất ổn địa chính trị đang gia tăng. Đã có 52% số người trong cuộc khảo sát cho rằng những rủi ro này đang gia tăng, tăng so với mức 46% của cuộc điều tra tháng 11/2014, trong khi chỉ có 4% số người cho rằng những rủi ro địa chính trị đang suy giảm.
Một phần lý do khiến giá dầu giảm mạnh trong năm qua là do những bất ổn trên toàn cầu đã không làm gia tăng những hạn chế đối với nguồn cung. Trong khi tổ chức IS chiếm giữ thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq và tiến về thủ đô Baghdad, xung đột quân sự đã không ra ra tại miền Nam Iraq, nơi có hơn 3/4 sản lượng khai thác của nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Thay vào đó, Kuwait đã khai thác vượt kế hoạch 1,8 triệu thùng/ngày còn OPEC từ chối cắt giảm sản lượng và Mỹ đang khai thác dầu với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 thập kỷ qua.
“Gấu” Nga
Phó Chủ tịch Victor Shum của công ty tư vấn IHS Inc cho biết cần có một sự kiện địa chính trị lớn thì mới có thể khiến giá dầu tăng. Giá dầu sẽ ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng, nhưng có thể sẽ cao hơn mức giá hiện tại.
Nga vẫn sẽ là một điểm nóng quan trọng sau khi nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới này sát nhập bán đảo Crimea từ Ucraina năm ngoái, gây ra những lệnh trừng phạt từ các nước Phương Tây.
Mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây đã xuống mức tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy những dấu hiệu vào tháng trước rằng Nga sẽ “cứng rắn” trong vấn đề tại Ucraina. Ông Putin cũng đổ lỗi cho Mỹ và Châu Âu cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga và hình tượng hóa quốc gia này như một chú “gấu” đang bảo vệ lãnh thổ của mình.
Một năm 2015 khó khăn
Theo công ty tư vấn về rủi ro toàn cầu Control Risks, một cuộc suy thoái tại Nga, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cùng với việc Iraq có khả năng rơi vào một cuộc xung đột sắc tộc sẽ khiến năm 2015 trở thành một năm khó khăn cho các doanh nghiệp.
Chuyên gia phân tích Richard Mallinson của Energy Aspects Ltd cho rằng những rủi ro địa chính trị vẫn còn tồn tại, bao gồm vấn đề tổ chức IS tại Iraq, khủng hoảng tại Ucraina và những lệnh trừng phạt đối với Nga, sự gia hạn đàm phán chương trình hạt nhân của Iran mà chưa có hồi kết và tình hình hỗn loạn tại Libya.
Islamic State remains active in Iraq despite air attacks after the beheadings of Western hostages. The group has earned income through illicit production and sale of oil.
Tổ chức IS vẫn đang hoạt động tích cực tại Iraq bất chấp các cuộc không kích của Phương Tây. Tổ chức này vẫn đang kiếm tiền bằng cách sản xuất và xuất khẩu dầu bất hợp pháp.
Tuy nhiên, chỉ những rủi ro địa chính trị đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu mới có thể khiến giá dầu tăng mạnh. Tháng 2/2012, việc Iran cảnh báo có thể đóng cửa eo biển Hormuz, nơi trung chuyển của 1/5 lượng dầu thế giới, đã khiến giá dầu Brent tăng 11%. Tháng 6/2014, những dự đoán về việc tổ chức IS sẽ xâm chiếm miền Nam Iraq đã khiến giá dầu có tháng tăng mạnh nhất trong 10 tháng.
Bất ổn tại Libya
Hiện tại, sự dư thừa nguồn cung dầu mỏ đang là mối quan tâm hàng đầu trên thị trường. Thậm chí 2 cảng chứa dầu lớn nhất của Libya trong tháng trước không thể xuất khẩu dầu do tình trạng bạo lực cũng chỉ khiến giá dầu thay đổi chút ít. Libya hiện là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất Châu Phi.
Giá dầu Brent đã giảm 48% trong năm ngoái, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 46%.
Giá dầu thô WTI của Mỹ
Giá dầu Brent
Chuyên gia Mallinson của Energy Aspects cho rằng nếu như có những tín hiệu trong nửa cuối năm 2015 khiến thị trường dầu mỏ trở nên tươi sáng hơn và tâm lý các nhà đầu tư bắt đầu nhạy bén hơn đối với những nhân tố ảnh hưởng thì các rủi ro địa chính trị có thể sẽ là nhân tố chính điều khiển giá dầu trong năm nay.
Cuộc tấn công mạng vào hãng Sony Pictures đã làm thất thoát nhiều thông tin mật tại Hollywood và gây rối loạn kế hoạch phát hành bộ phim “The Interview”. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng các tin tặc có liên quan đến Bắc Triều Tiên còn nước này lại cho rằng họ không biết gì về những tin tặc này.
Tại Châu Phi, vùng cận Sahara về phía nam cũng có thể gây bất ngờ cho thế giới. Sau khi Pháp đưa quân tới Mali vào tháng 1/2013 để đẩy lùi một cuộc tấn công của các lực lượng dân quân Hồi giáo, nhiều nhóm lực lượng dân quân đã tái thành lập tại vùng Fezzan của Libya, đe dọa đến an ninh khu vực Trung Đông và thậm chí là Châu Âu.
Giám đốc đầu tư Jonathan Barratt của Ayers Alliance Securities cho rằng những nguy cơ trên có thể là những rủi ro tiềm tàng có thể bùng phát, khiến giá dầu có thể rất nhanh chóng tăng 10-15 USD/thùng.
Hoàng Nam – Theo Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét