Mục đích của Nga không đổi
Chiến sự ở miền Đông Ukraine ngày càng ác liệt, có thể nói, cả hai bên đều tự hiểu rằng cuộc chiến tổng lực đã được nối lại. Trong vài ngày giao tranh ác liệt, phe ly khai chưa công bố kết quả của mình, nhưng quân chính phủ đã thừa nhận có khoảng 200 binh sĩ thiệt mạng.
Trước tình trạng bạo lực leo thang, Nga bắt đầu lên tiếng, họ đề xuất lộ trình hòa bình theo kế hoạch ngừng bắn của thỏa thuận Minsk. Và Nga còn cam kết sử dụng ảnh hưởng của mình để đảm bảo việc phe ly khai sẽ thực hiện đúng theo lộ trình mà Moscow đã vạch ra.
Nhưng Ukraine tất nhiên không đồng ý. Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã phải phát biểu: "Thật đáng tiếc, phía Ukraine đã từ chối kế hoạch đề xuất của chúng tôi. Và đáp lại, họ chẳng đưa ra được đề nghị nào, điều duy nhất họ làm là một lần nữa bắt đầu các hoạt động quân sự. Tình hình đã xấu đi hoàn toàn."
Chỉ với một lộ trình hòa bình, Moscow đã bắn một mũi tên trúng vài đích.
Trước hết, họ bóc mẽ một chính quyền hiếu chiến đang điều khiển đất nước ở Kiev. Bản thân Moscow đã nhiều lần gọi Thủ tướng Yatsenyuk của Ukraine là Thủ tướng thích chiến tranh.
Sự bàng hoàng của người dân Donetsk trong hầm trú ẩn |
Và mũi tên thứ hai, Nga đã nhắc phương Tây rằng tôi đã tích cực, đã lên tiếng, đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thực thi lệnh ngừng bắn do chúng ta vạch ra. Nhưng việc không thực hiện là do người bạn của các vị - Ukraine.
Tiếp đến, Nga không trực tiếp nhúng tay vào thực hiện hay ép buộc hai bên phải ngừng bắn, họ chỉ vạch lộ trình, còn các bên phải tự thực hiện. Vấn đề vẫn là của nội bộ quốc gia Đông Âu này.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng Nga muốn giữ nguyên hiện trạng giới tuyến, rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực được quy định, điều đó chỉ mang lại giải pháp ngừng bắn để đàm phán, chứ không phải chấm dứt hoàn toàn chiến tranh.
Và khi vẫn còn những lằn ranh, giới tuyến đó, Nga thực sự muốn Ukraine phải thừa nhận quy chế liên bang, trao thêm quyền cho người mang sắc tộc Nga, ủng hộ Nga ở Donbass. Moscow không muốn thôn tính Donbass như trường hợp của Crimea, nhưng họ cũng không muốn trả Donbass về vị trí là một thành phố nhỏ nhoi của Ukraine sau tất cả những gì đã xảy ra.
Tuy nhiên, Nga cũng có cái lý của họ. Thực tế, Moscow đang bóc mẽ phương Tây rằng vì sao không thể cho Ukraine cái quyền như chính những quốc gia này, được thay thế thể chế nhà nước thành liên bang, như những Liên bang Hoa Kỳ, liên bang Đức?
Sự bóc mẽ đó của Nga chỉ nhằm khẳng định, phương Tây không muốn hòa bình hay dân chủ cho Ukraine, thứ họ muốn duy nhất là biến quốc gia này thành tên lính tiên phong trong chiến trường Nga - phương Tây. Còn sống hay chết của tên lính này, chắc chắn những người ngồi trong trướng không quan tâm.
Chiến tranh kinh tế Nga-EU đang đi đến đâu?
Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD), kinh tế Nga có thể sẽ giảm 4,8% trong năm nay, con số này sẽ khiến nhiều người giật mình bởi trước đó được dự báo chỉ ở mức 0,8% hoặc 1,8%.
Nguyên nhân để có con số này, EBRD chỉ ra rằng giá dầu lao dốc gần 60% trong 6 tháng qua khiến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tiếp đến, kinh tế Nga cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU áp đặt, tình trạng thoái vốn ròng tăng gấp đôi trong năm 2014 lên tới 151,5 tỷ USD.
Sự hoang tàn của thành phố Donetsk |
Tuy nhiên, EBRD cũng chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu giảm. Và không riêng Nga chịu tác động mà còn rất nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Dù không chỉ đích danh, nhưng Mỹ cũng sẽ hứng chịu không ít ảnh hưởng bởi quốc gia này thực tế cũng là một siêu cường bán dầu.
Ngoài ra, EBRD nêu vấn đề về việc mất giá thảm hại của đồng ruble. Song sự sụp đổ của đồng ruble đang khiến không chỉ Nga mà nhiều quốc gia đứng ngồi không yên, tờ The Guardian của Anh nhận định có ít nhất 9 nước sẽ sụp đổ cùng Nga là Armenia, Gruzia, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Ukraine, Litva, Azerbaijan và Uzbekistan.
Bởi hầu hết các quốc gia này vốn phụ thuộc vào các khoản kiều hối từ công dân của mình làm việc tại Nga. Và Moscow cũng áp dụng chính sách "phụ thuộc kinh tế" tới những nước châu Âu này.
Xung quanh diễn biến của các lệnh trừng phạt, hôm 17/1/2015, Mỹ và châu Âu đang xem xét khả năng loại đồng ruble Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT như một động thái gia tăng trừng phạt tới kinh tế Nga.
Nhưng ngày 19/1/2015, bất chấp nỗ lực kêu gọi gia tăng trừng phạt của Mỹ, các ngoại trưởng EU trong phiên họp đã bác bỏ mọi khả năng gia tăng, nhưng đồng thời họ tuyên bố cũng không nới lỏng.
Hiện trạng được giữ nguyên cho thấy EU vẫn đang nằm trong sự tiến thoái lưỡng nan khi không biết nên ngả theo ý chí của Mỹ hay cân nhắc rõ ràng về lợi ích của mình.
Thực tế thì việc loại Nga ra khỏi thanh toán quốc tế không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Nga. Việc chấm dứt đại đa số hợp tác thương mại thời gian vừa qua đã không mang thêm về những hợp đồng mới giữa hai bên. Trong khi các hợp đồng cũ Nga sẽ viện vào lý do đã bị loại khỏi SWIFT để không thanh toán.
Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Nga nhập khẩu hàng hóa của EU là chủ yếu. Càng gia tăng trừng phạt, EU càng mất đi thị trường béo bở truyền thống này. Sự bất ổn của nước Nga chỉ khiến EU lâm vào nguy cơ khủng hoảng thừa tất cả mọi lĩnh vực, tương tự như sự thừa mứa của nông sản châu Âu vào lúc này.
Một chung cư sắp đổ vì đạn pháo của quân đội Ukraine ở Donetsk |
Có thể thấy rằng thiếu EU thì kinh tế Nga chưa chắc đã sụp đổ, nhưng nếu thiếu Nga, EU chắc chắn sẽ rơi vào cảnh hấp hối. Và đồng thời, khi Mỹ hô hào gia tăng trừng phạt với Nga, họ không đi kèm các giải pháp để gỡ gạt thiệt hại cho EU. Đây chính là sự bất nhất khiến châu Âu phải thực sự suy nghĩ về việc có tiếp tục theo đuôi người đồng minh lớn này không.
Tuyệt lộ của Ukraine
Khi cuộc chiến kinh tế lên cao trào, Nga bắt đầu chơi quân bài chiến lược của mình. Vẫn là năng lượng, nhưng không thiển cận như nhiều người nghĩ rằng Moscow sẽ khóa van khí đốt để EU chết cứng trong mùa đông.
Moscow vẫn cần nguồn thu từ việc bán khí đốt cho châu Âu. Việc khóa van khí đốt của châu Âu không khác gì hành động tự sát của Nga. Moscow có nước cờ cao tay hơn, mà theo tạp chí Foreign Policy, thì đây là đòn tuyệt chiêu để đánh gục phương Tây.
Bộ trưởng Năng lượng Nga vừa xác nhận Moscow quyết định đưa khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ, tránh qua Ukraine. Sở dĩ có hành động này bởi Nga đã chán ngán thói ăn cắp của Kiev đang diễn ra hàng ngày với tuyến đường ống trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine.
Nhưng việc nắn dòng chảy khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Hy Lạp (nếu quốc gia này rời EU) sẽ chứng minh được hai vấn đề. Thứ nhất, EU muốn có khí đốt của Nga buộc phải xây dựng tuyến đường ống mới. Và khoảng cách vận chuyển xa hơn, tất nhiên giá khí đốt sẽ cao hơn.
Thứ hai, Ukraine sẽ không còn tạo được sức ảnh hưởng với châu Âu khi dọa nạt, tạo sức ép bằng việc tác động đến các đường trung chuyển. Và từ đó, chỉ với một cái khóa van, Nga sẽ đẩy Ukraine vào thế không còn năng lượng. Và cái khóa van thứ hai, châu Âu sẽ hoàn toàn mắc kẹt.
Chuyên gia của Foreign Policy tổng kết lại rằng phản ứng bùng phát ở châu Âu sau tin tức về việc Nga tái phân định dòng cung cấp khí đốt là minh chứng cho thấy rằng Nga có trong tay nhiều "át chủ bài" để chơi mà kết cục là các cơ cấu chính trị và tài chính của thế giới Phương Tây sẽ bị thua thiệt.
Ukraine đã nhìn thấy tuyệt lộ của mình. Bản thân EU hay Mỹ đang ngày càng hứa nhiều hơn làm đối với họ. Thêm nhiều sức ép từ phía Nga, Kiev đối diện với nguy cơ bị bỏ rơi bất kỳ lúc nào.
Và đó là lý do vì sao Kiev buộc phải quyết chiến với lực lượng ly khai. Tử chiến toàn lực, giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt bằng chiến tranh. Ukraine đang tự vùng vẫy, ép Mỹ và EU lần cuối cùng khi bản thân họ còn chút ít trọng lượng.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét