Tổng thống Putin có sức hút đầy ma lực đối với công chúng, khiến ông trở thành một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất nước Nga |
Năm 2014 đã qua đi đầy khó khăn, có cả những thành công lẫn mất mát đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thông qua việc sáp nhập Crimea, ông đảm bảo được vị thế an ninh chiến lược của Nga. Nhưng cũng chính bởi quyết định trên, quan hệ giữa Moscow và phương Tây đi vào bế tắc nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh lạnh, dần đến một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga.
Vì vậy năm 2015 được cho rằng sẽ là một năm đầy thách thức với Tổng thống Putin, gồm hai nhiệm vụ chính là tìm lối ra cho nền kinh tế Nga bên bờ khủng hoảng và cải thiện quan hệ với phương Tây để thoát khỏi thế cô lập trên trường quốc tế.
Tình hình ở Nga hiện nay được nhìn nhận theo hai chiều đối lập hoàn toàn. Đó là sự u ám, bế tắc và tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng (do một số báo phương Tây mô tả), hay sự kiên cường, cứng rắn và nhiều hi vọng đặt vào ông Putin (do các đài truyền hình nhà nước đưa ra).
Nhiều nhà phân tích cho rằng chính bối cảnh này lại càng khiến Tổng thống Vladimir Putin trở nên “nguy hiểm” hơn. Và điều đáng lưu ý là, quan điểm của ông hiện đang được hầu hết người Nga ủng hộ khi họ tin rằng chỉ có Putin mới nắm rõ con đường cứu nước. Nhà lãnh đạo luôn đặt lợi ích quốc gia hợp pháp lên trên hết và sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức để bảo vệ đất nước và dân tộc Nga.
Sức mạnh ngầm
Hơn 15 năm trước, cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố bổ nhiệm Thư ký Hội đồng An ninh và Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Vladimir Putin (khi ấy mới 47 tuổi) làm Thủ tướng và ủng hộ ông ứng cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử tháng 5 - 2000.
Tuy nhiên, cái tên Putin dường như không mang lại xúc cảm nào với người Nga. Chưa đến 2% người dân - những tầng lớp đang chán chường, mất niềm tin ở một đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, bị xâu xé bởi các nhà tài phiệt và sở hữu vị thế èo uột trên trường quốc tế - đặt niềm tin vào nguyên thủ trẻ tuổi.
Nhưng chỉ 3 năm sau, khi Tổng thống thực hiện chính sách cứng rắn trong vụ bắt cóc con tin tại nhà hát Moscow, uy tín của Putin đã tăng lên nhanh chóng. Và từ đó đến nay, tỷ lệ ủng hộ ông chủ điện Kremlin luôn dao động ở mức 60 - 70%, một con số trong mơ đối với các nhà lãnh đạo phương Tây.
Tại sao người Nga vẫn bền bỉ dành trọn tình yêu và niềm tin cho chỉ một con người suốt gần hai thập kỷ qua? Các cuộc thăm dò ý kiến đều mang đến cùng một câu trả lời: Vì Putin đã lấy lại lòng tự hào cho người Nga, vị thế không tầm thường của nước Nga, truyền đến cho họ cảm hứng sống có lý tưởng, yêu nước một cách nhiệt thành và kiên định.
Đã không chỉ một lần người đứng đầu nước Nga thổ lộ: “Tôi luôn cảm thấy mình là một phần của nước Nga, một phần của nhân dân và tôi có trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc!”. Từ cảm hứng ấy, Putin - bằng sự tự tin và quyết đoán hơn người - đã thuyết phục cho người dân Nga thấy rằng ông luôn hành động vi đất nước khi luôn đặt quốc gia lên trên hết.
Chỉ câu chuyện ông kiên quyết giữ vững lập trường sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, bất chấp những phản ứng dữ dội của phương Tây, cũng đủ để người Nga thấy rõ điều đó. Thực tế với người Nga, đây là việc đưa một phần lãnh thổ trở về với “mái nhà xưa”.
Putin đã làm được cho họ điều mong mỏi ấy và như thế, những người dân Nga đã tự hào và hãnh diện về Tổng thống của họ. Trên hết, họ nhận ra rằng: Giờ đây, niềm hi vọng mới vào đất nước đã xuất hiện. Và bởi người dân Nga thực sự yêu mến và có niềm tin lớn đến vậy, nên trong bão táp của nền kinh tế khủng hoảng hay bao vây cấm vận từ phương Tây, họ vẫn không đổ lỗi hay oán trách Tổng thống Putin.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu công chúng tiến hành gần đây cho thấy: 84% số người được hỏi đều ủng hộ ông Putin và đồng tình với những gì ông đang làm (tăng 20% so với cuộc thăm dò tương tự năm 2012).
Họ đều tỏ ra lạc quan với những gì ông chủ Điện Kremlin đã gửi gắm trong thông điệp Liên bang 2014: “Chúng ta sẵn sàng đối đầu với bất kỳ thách thức nào trong mọi hoàn cảnh và sẽ chiến thắng”. Tình yêu của người dân Nga dành cho Tổng thống Putin là minh chứng cho tình yêu của họ đối với đất nước Nga, và bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Putin cũng là nhằm vào nước Nga.
Sự biến đổi đáng kể trong mức đồng thuận đối với ông Putin phản ánh rằng người Nga đang dần cảm thấy có thể thoải mái bày tỏ quan điểm về tổng thống hơn. Một số người không chỉ khắc họa Putin như một chính khách nổi tiếng, mà gọi ông là “hiện tượng văn hóa đại chúng".
Cử tri Nga từng ngợi khen Tổng thống của họ không dùng cái sự đa tài của mình để làm... màu, mà “áp” nó vào những hành động thiết thực, giàu ý nghĩa. Trong bối cảnh kìm kẹp từ khùng hoảng kinh tế - ngoại giao sau vụ Crimea và Ukraine, ông Putin đã xây dựng một hình ảnh lãnh đạo cứng rắn, có khả năng đương đầu với phương Tây nhưng cũng rất mềm dẻo và linh hoạt để chế ngự mọi thế lực muốn dồn ép Nga vào ngõ cụt.
Chính vì vậy, Putin những năm trên vũ đài chính trị đã tỏa ra sức hút đầy ma lực đối với công chúng, khiến ông trở thành một trong những chính trị gia giàu sức ảnh hưởng và được nhiều người quan tâm nhất ở xứ bạch dương.
Thách thức trước mắt
Dưới hai tầng sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm mạnh, nền kinh tế Nga đang nằm bên bờ khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền.
Đây được cho là điều khiến ông chủ Điện Kremlin e ngại nhất bởi uy tín trong nước của ông được xây dựng trên nền tảng cam kết với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.
Giới phân tích cho rằng lựa chọn chính sách của Nga trong việc ứng phó với tình trạng đồng rúp không ngừng mất giá hiện nay là rất hạn chế. Moscow đã vận dụng các sách lược như hạ giá chiến lược đồng bản tệ, tăng lãi suất và bán ngoại tệ, nhưng đều không ngăn cản được xu thế giảm giá sâu của đồng Rúp. Nga chỉ còn sự lựa chọn là tiến hành quản chế dòng vốn, để tránh tình trạng chảy máu tiền tệ ra nước ngoài.
Tổng thống Putin từng tuyên bố việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu. Điểm cốt lõi trong lộ trình khôi phục kinh tế của Moscow là nâng cao khả năng thích ứng với sự biến động của giá dầu thế giới, đồng nghĩa với việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên trên.
Tuy nhiên, đây là giải pháp dài hạn và được dự báo là khó có tác dụng tức thì trong năm 2015. Giới phân tích phỏng đoán, Nga có thể phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt thông qua việc tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc và chấp nhận đề nghị hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh. Cùng với đó, Tổng thống Putin phải tìm mọi cách để thuyết phục người Nga thắt lưng buộc bụng không chỉ trong vài tháng mà là vài năm, trước khi đưa ra các chính sách quan trọng vực dậy một nền kinh tế đang lún dần vào bế tắc.
Song song với đó, cải thiện phần nào quan hệ với phương Tây là một trong những ưu tiên chính sách mà ông Putin cần làm trong năm 2015. Một số học giả nhận định Nga có thể thông qua việc thực thi chính sách ôn hòa hơn trên vấn đề Ukraine, để thoát khỏi các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng với nền kinh tế nước này. Điều quan trọng nhất mà tổng thống và chính phủ cần làm hiện nay là khôi phục quan hệ với các đối tác kinh doanh, đặc biệt là Mỹ và châu Âu - điều kiện tiên quyết để giải quyết nguy cơ trước mắt.
Ông Putin từng ví nước Nga như con gấu mà phương Tây muốn xiềng xích và các lệnh trừng phạt thực chất không liên quan đến vấn đề sáp nhập Crimea, mà là một phần của âm mưu lâu dài nhằm làm suy yếu và cướp đoạt tài nguyên của quốc gia này. Phải đối mặt với “một cuộc chiến tranh thời hiện đại”, người đứng đầu điện Kremlin có khả năng sẽ lựa chọn một cuộc chiến tranh “của riêng mình” để thoát khỏi thế trận bao vây. Nguy cơ này rất dễ xảy ra, chỉ có điều liêu quyết định đó có được đưa ra vào năm 2015 hay không.
Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin dự định sẽ lùi bước ở Ukraine, hay bất cứ đâu, trước sức ép từ phương Tây. Và trong những bài phát biểu gần đây, nhà lãnh đạo Nga đã ám chi rằng ông sẽ không bỏ cuộc.
Đa số người Nga tin rằng, Mỹ thật vô lý khi gọi các hành động chính đáng của Moscow là xâm nhập, trong khi bản thân nước Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, Nga sẽ bảo vệ mình khỏi những cáo buộc bị người Nga cho là “đạo đức giả” của Mỹ và các lệnh trừng phạt hiếu chiến của phương Tây.
Tại một cuộc họp báo vừa qua, ông Putin cho rằng phương Tây đã châm ngòi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga hiện nay. Giới phân tích cho rằng việc ông Putin quy kết trách nhiệm cho phương Tây trước những khó khăn mà nước Nga đang đối diện, một mặt là nhằm trấn an dư luận trong nước, mặt khác muốn gửi đến phương Tây thông điệp về thái độ kiên định của Moscow trên vấn đề Ukraine.
Tình hình kinh tế khó khăn sẽ làm suy giảm sức ảnh hưởng của Tổng thống Putin, vì vậy ông có thể sẽ vận dụng chủ nghĩa dân tộc như một công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế chính trị. Cách làm này của Tổng thống Putin có vẻ rất hiệu quả, khi chuyển sự chú ý của người dân từ những khó khăn kinh tế sang những đối trọng bên ngoài như Ukraine hay phương Tây...
Anh Doãn – Hồng Hạnh (ANTG cuối tuần)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét