Theo kế hoạch trang bị của Quân đội Nga, đến năm 2017, lực lượng này sẽ được tiếp nhận loạt vũ khí thế hệ mới.
Hệ thống phòng thủ S-500
Hãng tin RIA Novosti, dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Yuri Borisov, cho biết: “Công tác phát triển hệ thống S-500 đang dần hoàn thiện. Đến năm 2017, hệ thống sẽ hoàn thành. Tất cả mọi thứ đang diễn ra theo đúng tiến độ”.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên Nga tiết lộ về thời điểm đưa hệ thống S-500 vào trực chiến. Hồi tháng 9/2013, Tổng giám đốc tập đoàn Almaz-Antey Vitaly Neskorodov cho biết, hệ thống tên lửa phòng không mới S-500 sẽ được trang bị cho quân đội Nga trong giai đoạn 2017-2018. Theo ông, không có vấn đề trì hoãn, vì các hệ thống mới vẫn đang diễn ra theo đúng như kế hoạch đặt ra trước đó.
Cơ sở để Nga khẳng định sẽ trang bị S-500 đúng tiến độ là hồi tháng 7/2014, một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga cho biết, nước này đã thử thành công tên lửa tầm xa mới, và đó là một phần của hệ thống phòng không S-500.
Hệ thống phòng không S-400 |
Theo tiết lộ của Thứ trưởng Yuri Borisov, hệ thống tên lửa phòng không S-500 Nga không chỉ sử dụng trong tác chiến phòng không mà nó còn là một “sát thủ” đáng gờm đối với tất cả các loại tên lửa đạn đạo.
Với tính năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian ưu việt của mình, S-500 sẽ trở thành hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.
Theo những gì được phía Nga công bố, S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km, cự ly đánh chặn lí tưởng khoảng 600km. S-500 còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.
Tuy nhiên đến thời điểm này, loại đạn tên lửa nào trang bị cho hệ thống S-500 vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi đó S-400 Triumph được trang bị các loại đạn tên lửa phòng không với tầm bắn khác nhau 48N6E, 48N6E2, các tên lửa mới 9M96E, 9M96E2 và tên lửa tầm siêu xa 40N6E. Tất cả các loại tên lửa kể trên đều được gắn thiết bị điều khiển chiến đấu, giúp tăng độ chính xác tiêu diệt mục tiêu.
Tuy nhiên theo đại diện quân đội Nga, về độ cao và vận tốc đánh chặn S-500 hơn hẳn S-400 và đứng đầu thế giới. Nó có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s, trong khi đó, hệ thống S-400 chỉ có khả năng tiêu diệt mục tiêu với tốc độ 5km m/s.
Về cơ chế phóng, cả S-400 và S-500 đều được thiết kế để phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng, tương tự như hệ thống S-300. Sau khi phóng tên lửa bay theo hướng nghiêng phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể đáp trả các đòn tấn công tập kích đường không của địch trên mọi hướng.
Sử dụng phương pháp này là giải pháp tối ưu cơ cấu phóng tên lửa, đồng thời giảm được thời gian chuyển hướng bắn của tên lửa, chính vì vậy thời gian chuẩn bị phóng được rút ngắn tới mức tối đa.
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 có tính năng vượt trội so với “người tiền nhiệm” S-400 “Triumph”, không chỉ về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, mà S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác trong khi S-400 mất 9-10 giây, hơn nữa S-500 nhỏ gọn và tính năng cơ động cao hơn các hệ thống S-300 và S-400 rất nhiều.
Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km. Với tính năng siêu việt của mình, S-500 có thể thách thức mọi hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
Theo kế hoạch của Nga, việc trang bị hệ thống phòng không S-500 chậm nhất là vào năm 2018.
Tổ hợp phòng không Pantsir-SM |
Hệ thống Pantsir hoàn thành nâng cấp
Khi trả lời phỏng vấn trước truyền thông ngày 22/3/2014, Giám đốc điều hành Tổ hợp Thiết kế công cụ Tula, Dmitry Konollev, tuyên bố, phiên bản nâng cấp của tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tầm thấp Pansir-SM sẽ được cung cấp cho quân đội Nga từ năm 2017.
“Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, chúng tôi đang tiếp tục hoàn tất thiết kế kỹ-chiến thuật của tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-SM. Theo tôi, tổ hợp vũ khí mới sẽ sẵn sàng vào năm 2017 với đặc tính chiến đấu vượt xa phiên bản Pantsir-S1 hiện có”, ông D. Konollev cho biết. Tuy nhiên, ông này không tiết lộ thêm thông tin về Pantsir-SM.
Trước đó, truyền thông Nga đã hé lộ nhiều thông tin về tổ hợp Pantsir-SM với đạn tên lửa và nhiều hệ thống tích hợp mới. Từ cuối năm 2015, quân đội Nga sẽ khởi động chương trình nâng cấp các tổ hợp Pantsir-S1 lên phiên bản SM. Ngoài phiên bản lục quân, Pantsir-SM cũng có phiên bản hải quân với vai trò là vũ khí phòng thủ tầm cực ngắn trên hạm.
Tổ hợp Pantsir-S1 (tên NATO là SA-22 Greyhound) được đưa vào trang bị cho quân đội Nga từ tháng 3-2010). Tổ hợp này được thiết kế để hỗ trợ cho các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa như S-300, S-400.
Tổ hợp Pantsir-S1 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất. Pantsir-S1 có thể bám sát cùng lúc tới 20 mục tiêu và dẫn bắn 2 đạn tên lửa vào mục tiêu.
Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất với tiết diện phản xạ radar nhỏ nhất từ 2,2cm tới 3,2cm, tốc độ bay tới 1.300m/giây; tầm bắn tối đa của tổ hợp là 20km và trần bắn là 15km.
Đặc biệt, Pantsir-S1 có thể khai hỏa trong trạng thái hành tiến, đây điểm mạnh so với tổ hợp pháo-tên lửa 9M311 Tunguska (SA -19/SA-N-11) đang có trong biên chế Lục quân Nga. Ngoài trang bị cho Lục quân Nga, Pantsir-S1 còn có trong biên chế một số quốc gia châu Á và Mỹ La tinh.
Máy bay A-100 |
Máy bay cảnh báo sớm A-100
Ngoài việc tăng cường sức mạnh phòng không trong năm 2017, Quân đội Nga còn được tiếp thêm sức mạnh bằng máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm thế hệ mới A-100. Trang mạng Defense Update dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, A-100 được phát triển nhằm thay thế cho thiết kế A-50 lỗi thời sẽ chính thức hoạt động từ năm 2017.
A-100 được phát triển dựa trên nền tảng mẫu máy bay vận tải chiến lược thế hệ mới của Nga là Il-76MD-90A (hay còn gọi là Il-476), bản thân mẫu máy bay này cũng mới thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mình vào tháng 1/2013.
Ngoài ra mối quan tâm lớn hiện nay của dự án phát triển A-100 là radar mà nó sẽ được trang bị. Theo một số nguồn tin, công ty United Instrument sẽ đảm nhiệm vai trò phát triển hệ thống radar quét mảng pha điện tử (AESA) trên những chiếc A-100. Mẫu radar mới sẽ phải đảm bảo có các tính năng vượt trội hơn hệ thống radar giám sát đường không và cảnh báo sớm Vega-M được trang bị trên A-50.
Một phiên bản máy bay cảnh báo sớm khác được phát triển trên nền tảng của máy bay vận tải IL-76 là A-50E/I, hoạt động trong Không quân Ấn Độ. Nhưng nó lại được trang bị hệ thống radar giám sát trên không và cảnh báo sớm EL/W-2090 AESA do Israel phát triển dành riêng cho Không quân Ấn Độ.
Những chiếc Il-76MD-90A đầu tiên đang được lắp ráp tại nhà máy chế tạo máy bay thuộc công ty liên doanh hàng không Aviastar-JV và sẽ được chuyển giao cho Beriev để chuyển đổi thành mẫu thử đầu tiên của máy bay cảnh báo sớm trên không A-100.
Việc đưa vào trang bị A-100 trong biên chế sẽ cho phép tăng cường năng lực hoạt động của Không quân Nga, với phạm vi theo dõi lên tới hàng trăm km và xác định được nhiều loại mục tiêu khác nhau.
A-100 sẽ làm hoàn thiện hơn hệ thống cảnh báo sớm còn nhiều điểm yếu của Nga hiện nay, bên cạnh đó nó không chỉ có thể được trang bị cho lực lượng không quân mà còn cả Lục quân và lực lượng tác chiếc đặc biệt của Hải quân Nga.
Trước khi A-100 đi vào hoạt động 1 năm, theo kế hoạch Không quân Nga cũng được tiếp nhận siêu chiến đấu cơ T-50. Thông tin này vừa được Thượng tướng Tư lệnh trưởng Không quân Nga Viktor Bondarev cho biết.
"Hiện tại đang bổ sung các chiến đấu cơ thế hệ 4 ++, nhưng năm 2016 chúng tôi sẽ bắt đầu nhận T-50 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, chẳng những không hề thua kém gì F-22 của Mỹ mà hầu hết các chỉ số còn vượt trội hơn", Tướng Viktor Bondarev cho biết.
Chúc Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét