Hãng tin Reuters vừa dẫn lời một quan chức hải quân cấp cao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ hoan nghênh việc Nhật mở rộng tuần tra ở Biển Đông trong bối cảnh TQ ngày càng phát triển hạm đội, phi đội bọc lót cho yêu sách chủ quyền của họ.
Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Robert Thomas. Ảnh: Businessweek |
Hiện tại, các máy bay của Nhật thường xuyên tuần tra ở Hoa Đông - nơi Tokyo có tranh chấp đảo với Bắc Kinh. Theo giới phân tích, việc mở rộng các chuyến bay giám sát tới Biển Đông chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này.
"Tôi nghĩ các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực sẽ ngày càng nhìn nhận Nhật Bản như một nước đảm bảo ổn định", đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ nói. "Ở Biển Đông, nói một cách thẳng thắn, đội tàu cá, tàu phòng vệ bờ biển và hải quân của TQ lớn hơn các láng giềng", Thomas nói.
Bộ Ngoại giao TQ hiện chưa có bình luận gì với tuyên bố của đô đốc Mỹ.
Bình luận của đô đốc Thomas thể hiện sự ủng hộ của Lầu Năm Góc trong nỗ lực của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm thực hiện vai trò quân sự tích cực hơn trong khu vực. Đây là điều khá quan trọng vì các quan chức Mỹ và Nhật Bản hiện đang bàn thảo thỏa thuận an ninh song phương mới, dự kiến sẽ giúp Nhật có vai trò lớn hơn trong liên minh.
"Tôi cho rằng, hoạt động của JSDF (lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản) ở Biển Đông sẽ có ý nghĩa thiết thực trong tương lai", ông Thomas nhấn mạnh.
Nhật không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển diễn ra sự chồng lấn chủ quyền giữa TQ và một số nước Đông Nam Á. Đây là vùng biển rất quan trọng, cung cấp 10% tổng lượng cá đánh bắt toàn cầu và đạt 5 nghìn tỉ giá trị thương mại đường biển mỗi năm.
Ông Abe đang thúc đẩy quốc hội Nhật vào cuối năm nay sẽ cho phép quân đội nước này hoạt động rộng hơn ở nước ngoài. Sự thay đổi trùng hợp với việc Nhật triển khai máy bay tuần tra hàng hải mới P-1, với phạm vi hoạt động 8.000km - gấp đôi máy bay hiện nay và cho phép Nhật có thể tăng cường sứ mệnh giám sát ở Biển Đông.
"Đây là kết quả hợp lý cho nỗ lực thúc đẩy vai trò tích cực hơn của quân đội mà ông Abe tiến hành. Nó cũng là sự khởi đầu đáng kể cho các hoạt động của JSDF", Grant Newsham, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản cho biết.
Theo Newsham, việc điều máy bay giám sát tới Biển Đông sẽ cho phép Nhật tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia như Philippines.
Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông thông qua một bản đồ 9 đoạn. "Yêu sách 9 đoạn không phù hợp với quy định và chuẩn mực cũng như luật pháp quốc tế, gây bất đồng không cần thiết", chỉ huy hải quân Mỹ Thomas khẳng định.
Ông nói, Nhật có thể hỗ trợ Philippines với các trang thiết bị và đào tạo.
Với nhóm tàu tác chiến sân USS George Washington làm trung tâm, 80 tàu, 140 máy bay và khoảng 40.000 thủy thủ, Hạm đội 7 của Mỹ được coi là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất ở tây Thái Bình Dương.
Thái An(theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét