CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Hy Lạp biến thành “Mặt trận thứ 2” giữa Nga và EU

Tiếp theo Ukraine, việc Đảng cánh tả Syriza giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Hy Lạp đã mở ra một “mặt trận thứ 2” giữa Nga và châu Âu.

Thắng lợi chấn động châu Âu của Syriza
Thủ lĩnh đảng Syriza Alexis Tsipras đánh bại liên minh bảo thủ của Thủ tướng Antonis Samaras với tỷ lệ cao hơn so với dự kiến. Syriza giành 149 ghế trong quốc hội 300 thành viên với 36,3% số phiếu. Đảng Dân chủ mới (ND) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Antonis Samaras chỉ giành được 27,8%.
Ngay từ tối ngày 25-1, khi số lượng phiếu bầu mới kiểm được hơn 80%, Thủ tướng Samaras đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử này và gọi điện cho nhà lãnh đạo cánh tả trẻ tuổi Alexis Tsipras (40 tuổi), để chúc mừng chiến thắng của ông này.

Như vậy, đảng cánh tả chủ trương “chống thắt lưng buộc bụng” này chỉ còn thiếu 2 ghế nữa để hoàn toàn chiếm đa số. Theo quy định, nếu không đủ điều kiện tự đứng ra thành lập chính phủ, các lãnh đạo của những đảng nhỏ hơn đã phát tín hiệu họ sẵn sàng ủng hộ ông Tsipras thành lập một chính phủ mới.
Với kết quả này, ông Alexis Tsipras sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Hy Lạp trong 150 năm qua, đồng thời là Thủ tướng đầu tiên trong Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) phản đối các chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc của Liên minh Châu Âu.
Tự tin với chiến thắng, đảng này đã nhanh chóng tìm kiếm các cuộc tiếp xúc để lập liên minh. Ngay trong sáng qua - 26/1, ông Alexis Tsipras đã làm việc với lãnh đạo đảng cánh hữu Người Hi Lạp độc lập - đảng cũng chủ trương phản đối các biện pháp khắc khổ (có 13 ghế) và đã nhanh chóng đạt thỏa thuận.
Ngay trước cửa trụ sở đảng Syriza ở Athens, lãnh đạo Panos Kammenos của đảng Người Hi Lạp độc lập đã tự tin tuyên bố: “Tôi xin tuyên bố từ lúc này, Hi Lạp đã có một chính phủ, bởi đã có một thỏa thuận về nguyên tắc và Đảng Người Hi Lạp độc lập hoàn toàn tin tưởng vào Thủ tướng Alexis Tsipras.
Ngoài ra, theo tin của Les Echos, vị thủ lĩnh của Syriza cũng đã có các cuộc gặp với đảng To Potami và với đảng KKE (cộng sản) để liên kết thành lập chính phủ.
Ngay từ tối 25-1, hàng chục ngàn người ủng hộ Syriza đã đổ xuống đường tụ tập trước Đại học Athens để mừng chiến thắng. Ông Alexis Tsipras đã tuyên bố: “Hôm nay chúng ta chấm dứt tình trạng thắt lưng buộc bụng. Chúng ta dám nói rằng chuyện của nhóm ‘Troika, đã thuộc về quá khứ”.
Đảng cánh tả Syriza thắng cử khiến nguy cơ Hy Lạp rời Eurozone là rất cao
Đảng cánh tả Syriza thắng cử khiến nguy cơ Hy Lạp rời Eurozone là rất cao
 “Troika” là cách ông Tsipras nói về ba tổ chức Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang kiểm soát những cải cách kinh tế của Hi Lạp.
Dường như sau những năm tháng “bị kìm kẹp” vì các áp lực từ bên ngoài, người dân Hi Lạp đã tìm cách phá vỡ “vòng kim cô” bằng lá phiếu. Bà Lena Grigoradou, một nữ giáo viên về hưu, hét lên: “Tất cả sẽ thay đổi! Người Hi Lạp sẽ tìm lại niềm kiêu hãnh, danh dự, vui vẻ nhìn trời xanh”.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ sẽ tốt đẹp như người ta mong muốn trong cơn say chiến thắng. Cô Sofia, đang học thạc sĩ, thành viên của đảng Syriza, tỏ ra thận trọng hơn khi nói về tương lai: “Dĩ nhiên nguy cơ còn rất nhiều, chúng tôi còn nhiều việc phải làm”.
Guido de Togni, nhà nghiên cứu luật hiến pháp người Ý, cũng có mặt tại đêm mừng chiến thắng ở Athens, nhận định: “Đây là ngày lịch sử khi một đảng cực tả giành chiến thắng ở một đất nước châu Âu. Nó sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức đến cục diện của châu Âu”.
Syriza là đảng chủ trương phản đối chính sách khắc khổ, bao gồm việc cắt giảm ngân sách, tăng thuế và lấy đó làm khẩu hiệu tranh cử của mình. Bởi vậy, rất có thể chính phủ mới ở Hy Lạp sẽ phản đối chính sách “thắt lưng, buộc bụng” của EU.
Những nguy cơ tiềm ẩn từ việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone
Việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được nhiều chuyên gia dự đoán là “điều không thể tránh khỏi" nếu đảng đối lập cánh tả Syriza giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tới đây. Những “Kế hoạch khắc khổ” mà các “chủ nợ” áp đặt đã khiến người dân Hy Lạp quá mệt mỏi.
Việc Syriza thắng cử ở Hy Lạp khiến tất cả những kế hoạch mà EU áp đặt cho nước này sẽ phá sản, Về bản chất, Đảng cực tả này cũng không muốn Hy Lạp rời Eurozone nhưng yêu cầu các chủ nợ trước hết phải giảm bớt nợ công của Hy Lạp (hiện đã chiếm tới 175% GDP).
Ông Tsipras vừa tuyên bố sẽ đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ tài chính trị giá 240 tỷ euro (269 tỷ USD) của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dành cho Hy Lạp. "Chính phủ mới sẽ hợp tác với các nước chủ nợ và thương lượng một giải pháp mới khả thi cho các bên" - ông nói.
Ông Alexis Tsipras có thể đưa Hy Lạp rời khỏi Eurozone
Ông Alexis Tsipras có thể đưa Hy Lạp rời khỏi Eurozone
Tuy nhiên, hành động này rất nguy hiểm đối với Liên minh châu Âu bởi nó sẽ cổ vũ cho các đảng “chống khắc khổ” tại những nước khác ở châu Âu, ví dụ như đảng Podemos chủ trương chống cải tổ theo hướng tự do, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc bầu cử tháng 11 tới ở Tây Ban Nha.
Tất nhiên là EU sẽ không thể thỏa hiệp những đòi hỏi vô lý của 1 thành viên vì điều đó sẽ tạo lên tiền lệ xấu. 5 năm qua, Brussels đã quá mệt mỏi vì cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp nổ ra vào cuối năm 2009, suýt chút nữa đã làm tan rã Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Vì vậy, nếu không đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và chắc chắn sẽ rời khỏi Eurozone. Đây sẽ là một đòn choáng váng đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, vốn được cho là mô hình chuẩn mực của các khu vực trên thế giới cho đến trước cuộc khủng hoảng nợ công năm 2010.
Cả 2 bên đều không muốn điều đó xảy ra nên sẽ có những nhượng bộ. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng khả năng xảy ra kịch bản Grexit (Hy Lạp rời khỏi Eurozone) là 30%.
Cả EU đang đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có việc chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ở chính châu lục này, khủng hoảng ở Ukraine tác động lớn đến EU, và đặc biệt là cuộc chiến kinh tế với nước Nga. Thêm sự ra đi của Hy Lạp, châu Âu chỉ bày ra một bức tranh ảm đạm về kinh tế, chính trị, xã hội.
Một hệ lụy khác mà việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone là sẽ gây ra là sự bất ổn cho nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng trì trệ. Điều đáng lo ngại nhất là sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi châu Âu. Nếu các nhà đầu tư không an tâm rằng kinh tế Eurozone vẫn ổn định, lãi suất có thể tăng và sau đó là đến chi phí đi vay.
Ngoài ra, không riêng Hy Lạp đối diện với nguy cơ vỡ nợ, mà còn có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy... Chi phí vay mượn tăng cùng với đầu tư giảm sút sẽ là sự cản trở đối với những nỗ lực phục hồi tăng trưởng. Với bức tranh như vậy, sẽ chẳng có nhà đầu tư nào mạo hiểm tham gia thị trường của châu Âu.
Sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Hy Lạp cho đảng cánh tả theo đường lối chống “thắt lưng buộc bụng” Syriza sẽ khiến cho chính phủ của ông Alexis Tsiparas rất khó đưa ra các biện pháp thỏa hiệp với EU vốn rất cương quyết bảo vệ các quy tắc châu Âu. Cùng với sự lôi kéo của Nga, viễn cảnh Hy Lạp rời Eurozone là rất lớn.
Nhân dân Hy Lạp biểu tình mừng chiến thắng của Syriza
Nhân dân Hy Lạp biểu tình mừng chiến thắng của Syriza
Sau Ukraine, “Mặt trận thứ 2” giữa Nga với EU đã bắt đầu.
Phản ứng của giới chức lãnh đạo châu Âu cũng rất khác nhau. Ngày 26-1, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng chúc mừng ông Alexis Tsiparas đồng thời cho biết, Pháp sẽ hợp tác chặt chẽ với Hy Lạp để tăng hỗ trợ, ổn định châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố thắng lợi của đảng Syriza “sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về kinh tế khắp châu Âu”, còn Mỹ giữ thái độ trung dung là “sẽ làm việc chặt chẽ với chính phủ mới của Hi Lạp”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố từ cách đây rất lâu là Berlin sẵn sàng để Athens rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và kêu gọi nước này tôn trọng các điều khoản đã ký với các chủ nợ.
Sau khi có thông tin sơ bộ về kết quả bầu cử ở Hy Lạp, Tổng thống Nga V. Putin đã ngay lập tức lên tiếng chúc mừng Chủ tịch đảng cánh tả Syriza Alexis Tsipras, sau khi đảng này giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội Hy Lạp và chúc ông đạt thành công trên cương vị lãnh đạo chính phủ Hy Lạp.
Cơ quan báo chí điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Chủ tịch "Liên minh các lực lượng cấp tiến cánh tả” (The Coalition of the Radical Left - Syriza) Alexis Tsipras nhân chiến thắng tại cuộc bầu cử ở Hy Lạp, trong điều kiện đầy khó khăn hiện nay.
Hãng thông tấn RIA Novosti cho biết, trong điện văn chúc mừng, nguyên thủ Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng hai nước sẽ tiếp tục mở mang quan hệ hợp tác xây dựng có truyền thống trong tất cả các lĩnh vực, hợp lực hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề bức thiết của châu Âu và thế giới.
Bình luận về sự kiện này, Phó chủ tịch Ủy ban Chính sách kinh tế, cải cách và thương mại thuộc Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Mikhail Emelyanov nhận định của hôm 25-1 rằng, chiến thắng của đảng cánh tả Syriza lại mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển mối quan hệ giữa Nga và Hy Lạp.
“Sự chiến thắng của là một dấu hiệu gây lo lắng cho EU, bởi vì điều này nói nên cuộc khủng hoảng không chỉ ở Hy Lạp mà còn ở cả châu Âu, cuộc khủng hoảng của cả hệ thống chính trị châu Âu. Chiến thắng của Syriza sẽ là một bước đột phá và sẽ phá vỡ sự đồng thuận của châu Âu”, ông Emelyanov nói.
Nếu “thu phục” được Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Địa Trung Hải có thể biến thành “sân sau” của Nga
Nếu “thu phục” được Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Địa Trung Hải có thể biến thành “sân sau” của Nga
Nga vồ vập với cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Về mối quan hệ của Hy Lạp với Nga, ông Emelyanov cho rằng chiến thắng của đảng cánh tả Syriza có thể mở ra những con đường mới và cơ hội mới cho hợp tác song phương giữa hai nước. Điều này đã được khẳng định ngay từ trước cuộc bầu cử chứ không phải ở thời điểm hiện nay.
Theo tin của Hãng thông tấn Nga RIA Novosti, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Nikolai Fyodorov ngày 17-1 tuyên bố, Moscow không loại trừ khả năng gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với thực phẩm Hy Lạp nếu nước này ra khỏi Liên minh châu Âu.
"Điều này có thể xảy ra nếu Hy Lạp sẽ bị buộc phải rút khỏi Liên minh châu Âu. Chúng tôi sẽ cùng Hy Lạp xây dựng mối quan hệ độc lập tốt đẹp. Về cơ bản, đó là một đối tác tiềm năng đối với chúng tôi" - ông Fedorov nói với các phóng viên.
Thêm nữa, hiện Moscow cũng đang lôi kéo Hy Lạp hướng về Liên minh kinh tế Á-Âu của mình, bất chấp những hệ lụy tài chính về khoản nợ khổng lồ của Athens, bởi đây là sự cạnh tranh ảnh hưởng, có tính chất quyết định trên trường quốc tế, biểu hiện chiến thắng của Nga với EU.
Trong bối cảnh Moscow và Brussels đang đấu đá quyết liệt ở Ukraine, Nga đã bất ngờ tuyên bố hủy kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương nam” (South Stream), không đi qua Ukraine mà xuyên qua Biển Đen, đi qua lãnh thổ Bulgaria tới Trung và Nam Âu.
Thay vào đó, Tổng thống Putin đề xuất xây dựng một đường ống tương tự đến Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập một trung tâm khí đốt trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong dự án trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp chỉ là những nhánh phụ, nhưng hiện nay họ đã được hưởng lợi hơn rất nhiều.
Nếu Nga “lôi kéo” được Hy Lạp - nước có khả năng rời bỏ Eurozone và Thổ  Nhĩ Kỳ - nước đã nộp đơn xin gia nhập EU từ lâu mà vẫn không được chấp thuận – gia nhập vào Liên minh Á-Âu, sẽ là chiến thắng lớn nhất của Moscow về mặt địa-chính trị và là sự đả kích rất lớn đối với Liên minh châu Âu.
Hơn nữa, việc kết thân được với 2 nước này sẽ khiến con đường “bành trướng” hoạt động của hải quân Nga ra Địa Trung Hải, từ biển Đen thông qua eo biển Bosphorus trở nên cực kỳ thuận lợi. Với chỗ dựa là Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Syria, Địa Trung Hải sẽ là “sân nhà” của Nga.
Trong bối cảnh này, việc Nga mở “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và việc đảng cánh tả Syriza ở Hy Lạp thắng cử sẽ là những yếu tố hết sức quan trọng trong chiến lược chia rẽ châu Âu và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Nga. Bởi vậy, việc Nga vồ vập với cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là điều đương nhiên.
Thiên Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét