Bất chấp những bất đồng, căng thẳng giữa hai cường quốc, Tổng thống Nga V.Putin vẫn gửi cho Tổng thống Mỹ B.Obama một thông điệp chào Năm Mới.
Dụng ý của ông Putin
Giữa vô vàn những bất đồng, thậm chí đã chuyển thành đối đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn không quên gửi đến người đồng cấp nước Mỹ Barack Obama thông điệp chúc mừng năm mới trong những thời khắc cuối cùng của năm 2014.
Trong thông điệp đặc biệt này, Tổng thống Nga đã nêu rõ ràng một số vấn đề, trước hết về Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. "Chiến thắng của các đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai nhắc nhở trách nhiệm của Mỹ và Nga cần gánh vác để duy trì hòa bình và ổn định quốc tế" - Ông Putin viết.
Và sau đó, ông nhấn mạnh: "Moscow mong muốn thúc đảy các mối quan hệ với Washington nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau."
Trong thông điệp này, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rõ ràng hai vấn đề: Thứ nhất, nước Nga và nước Mỹ là hai đối trọng, Mỹ cần phải đánh giá được đúng đắn vai trò của Nga trong thế giới của quá khứ, và cả hiện tại. Và thứ hai, Nga hoàn toàn có thể hợp tác với Mỹ trong chuyện làm ăn, hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, nhưng tất nhiên, phải dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi mà không phải tư duy áp đặt, một chiều.
Hoặc hiểu theo cách khác, Nga muốn Mỹ chấp nhận sự thật rằng Nga luôn tồn tại song song với sự tồn tại của Mỹ, dù ở thể chế nào. Và với các mối quan hệ quốc tế, Nga nhấn mạnh rằng Washington hãy "cào bằng quan hệ", và hợp tác với Nga hay bất kỳ quốc gia nào dựa trên tiêu chí "đôi bên cùng có lợi".
Tổng thống Putin gửi thông điệp Năm Mới cho nhiều quốc gia, đáng chú ý nhất là Mỹ |
Nhưng để có được mối quan hệ như thế, thì thông điệp năm mới này chẳng khác gì "yêu sách" mà Tổng thống Nga gửi đến cho nước Mỹ: gỡ bỏ cấm vận kinh tế, giữ nguyên hiện trạng của Ukraine hiện tại và chấp nhận đàm phán để giải quyết mọi chuyện xung quanh cuộc khủng hoảng này, hay nhượng bộ ở Syria, Iran...
Mỹ không thể buông tha cho Nga
Nga dám nói thẳng, dám đưa ra yêu sách dưới nhiều hình thức, nhiều cách bày tỏ với Mỹ. Nhưng còn nhiều người bạn của Mỹ, họ không thể đón nhận vấn đề một cách thẳng thắn như Nga, đặc biệt là Liên minh châu Âu EU.
Mỹ không coi Nga như một đối cực của thời Yalta với Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa, sự trỗi dậy của nước Nga hiện tại chỉ mang tính chất bộc phát và Washington hoàn toàn có thể tự tin từng bước cô lập Nga, buộc đi đúng quỹ đạo của mình.
Nhưng EU lại không có quan điểm táo bạo như Mỹ. Ngược lại, sau 1991 Liên bang Xô Viết sụp đổ, EU từng bước thắt chặt kinh tế với Nga. Nền kinh tế châu Âu dần gắn bó với kinh tế Nga trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về công nghiệp nặng, năng lượng, nông sản... Khác với thời kỳ hai cực Yalta, châu Âu sẵn sàng chung lưng đấu cật với Mỹ vì họ không hợp tác với Xã hội chủ nghĩa, và phong trào dân tộc mà Liên Xô phát động đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Nhưng thế kỷ 21 với những sự hợp tác song phương, đa phương đã khiến Nga trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển ổn định, thịnh vượng của EU. Điều này lý giải vì sao EU không quyết tâm theo đuôi Mỹ trong cuộc đối đầu lần này với Nga.
Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier: "Trừng phạt Nga là không cần thiết" |
EU ở giữa sự giằng xé của quá khứ và hiện tại, khi không thể nói thẳng với Mỹ rằng họ mệt mỏi, tổn thất trong cuộc đối đầu Nga - Mỹ, và muốn chấm dứt mọi chuyện ở đây. Cũng không thể nói với Nga rằng họ muốn có với Nga một mối quan hệ rõ ràng, làm ăn là làm ăn, chính trị là chính trị.
Mâu thuẫn của EU đã đủ chứng minh thế giới hiện tại phức tạp và khó kiểm soát hơn những gì Mỹ muốn.
Trong khi đó, Mỹ chắc chắn sẽ không thể buông tha cho Nga. Nhiều ngày nay, Nga tự tin khoe mẽ sức mạnh hạt nhân của mình như những lời răn đe quân sự với thế lực đối lập. Và chẳng cần phải trưng ra vũ khí hạt nhân của mình, Mỹ cao tay hơn khi bắt đầu bán nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy của Ukraine.
Tất nhiên, Mỹ núp dưới chiêu bài phục vụ hạt nhân dân sự (điện hạt nhân), nhưng khi sở hữu những nhiên liệu này, sử dụng vào mục đích gì lại là việc làm của chính quyền Kiev. Nhật Bản được núp dưới ô bảo trợ hạt nhân của Mỹ, nhưng Ukraine thì khác, Mỹ đã buộc họ phải đối đầu với Nga trên mọi lĩnh vực, kể cả khả năng về chiến tranh hạt nhân.
Và Tổng thống Obama cũng tự tin nhấn mạnh, Mỹ đang áp dụng “chiến lược kiên nhẫn” vào Nga và nó đang thành công tích cực. Mỹ đã nhận định đúng đắn rằng, giá dầu là điều duy nhất giữ cho nền kinh tế của Nga luôn thịnh vượng. Vì vậy, nếu trong thực tế, Mỹ và các nước đồng minh kiên nhẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt, theo thời gian, nền kinh tế của Moscow sớm “sụp đổ”.
Mọi lĩnh vực từ kinh tế, quân sự, địa chính trị... chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Mỹ sẽ dừng lại. Cuộc cờ Ukraine, hay cuộc đối đầu Nga - Mỹ của thế kỷ 21 là do Mỹ tạo dựng, và họ sẽ ngồi đánh đến hết bàn. Không có kết quả hòa cho cuộc đấu này.
Tổng thống Mỹ tự tin kinh tế Nga sẽ sớm sụp đổ |
Đồng ý rằng cuộc chơi ở châu Âu, Trung Đông hiện tại đều do Mỹ chủ trò, và muốn chi phối cuộc chơi theo hướng có lợi cho bản thân mình. Tuy nhiên, cuộc đối đầu nào cũng mang bản chất cố hữu: kẻ mạnh, kẻ nhanh, kẻ biết chớp thời cơ thì sẽ là người chiến thắng.
Ukraine là một ví dụ điển hình. Nga chớp thời cơ lấy bán đảo Crimea trong khi Mỹ vẫn đang ngổn ngang với một Kiev đảo chính, hỗn loạn và đầy tội ác. Nga nhanh chóng tạo một vùng đệm ở Donbass trong khi Mỹ vẫn phân vân về việc đầu tư vào chính quyền Kiev và chờ đợi kết quả khả quan của cuộc nội chiến do Kiev phát động.
Xem ra trong cục diện Ukraine, Nga đang là người đánh thật, đi những nước đi sinh tử. Còn Mỹ, mục đích mà họ muốn nhất là lợi dụng cục diện này để lôi kéo cả châu Âu và những đồng minh "tai to mặt lớn" khác tham gia vào cuộc trừng phạt kinh tế Nga. Điều mà Mỹ chờ đợi lúc này chỉ là giá dầu tiếp tục suy giảm, và kinh tế Nga sẽ sụp đổ trong vòng một vài năm tới. Khi đó, Mỹ bất chiến tự nhiên thành.
Điều này lý giải vì sao những lời hứa viện trợ vũ khí sát thương, hỗ trợ tài chính... cho Kiev mãi mãi vẫn chỉ trên chót lưỡi đầu môi của các nhà lãnh đạo Washington. Dù sao, Washington vẫn còn những quân bài tủ để chèn ép giá dầu, nó hiệu quả và an toàn hơn mang vũ khí hạt nhân để ngắm vào Nga. Thời gian là thứ mà Washington muốn trôi qua nhanh nhất để nhìn thấy sự sụp đổ của nước Nga Putin. Và người lãnh đạo nước Nga hiểu rõ rằng mọi sự nhượng bộ vào thời điểm này đều là tự sát.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét