Đáp trả sự bao vây cô lập và sức ép, Nga đã cho phương Tây hiểu thế nào là “bên miệng hố chiến tranh”.
Nước Nga hiện phải đối mặt cùng lúc rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính nằm ở phía các nước phương Tây.
Nền kinh tế Nga chao đảo vì các lệnh trừng phạt, giá dầu giảm. Hậu quả kéo theo là đồng nội tệ mất giá, lòng tin giảm sút, giới đầu tư ồ ạt rút vốn…
Thế nhưng, báo chí Canada, một trong những nước “nhiệt tình” nhất tham gia trừng phạt Nga, dẫn lời các tướng lĩnh Canada cho rằng tình hình kinh tế khó khăn do giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt không tạo ra bất ổn lớn đối với Nga mà ngược lại còn có thể dẫn đến tình trạng Moskva áp dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh" nguy hiểm hơn.
Chính phủ của Thủ tướng Canada Stephen Harper thực thi chính sách cứng rắn với Nga |
Theo đó, Nga hiện nắm trong tay nhiều loại vũ khí nguy hiểm, và cũng đang tăng cường khả năng răn đe hạt nhân. Do đó, đối đầu với Nga bằng sức mạnh quân sự là rất khó khăn.
Bất chấp sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và tình hình kinh tế khó khăn, lãnh đạo nước Nga vẫn duy trì quan điểm cứng rắn nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia. Càng chịu sức ép, Nga tăng cường sức mạnh quân sự và hệ thống quốc phòng
Giới chuyên gia dự báo rằng, ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2015 sẽ tăng kỷ lục lên mức 3,3 nghìn tỷ ruble (tương đương 64 tỷ USD). Và ngân sách của năm 2016 và 2017 sẽ lần lượt là 3,1 nghìn tỷ ruble (60 tỷ USD) và 3,23 nghìn tỷ ruble (63 tỷ USD).
Trong lĩnh vực hiện đại hóa quân đội, Nga lên kế hoạch tới năm 2020 sẽ hiện đại hóa ít nhất 70% các thiết bị của lực lượng quân sự và 85% vũ khí hạt nhân chiến lược, với ngân sách cho phép là 20 nghìn tỷ ruble (hơn 391 tỷ USD).
Giới tướng lĩnh Canada có lý do để lo lắng về phản ứng của Nga |
Về mặt ngoại giao, nhằm đối phó với sự bao vây cô lập của phương Tây, Nga chuyển hướng quan hệ đối ngoại sang phía Đông, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong năm 2014, Nga đã tìm cách cường quan hệ với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hàn Quốc và Triều Tiên và Việt Nam với hàng loạt thỏa thuận lớn đã được ký kết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định sẽ khôi phục và tăng cường các mối quan hệ truyền thống với khu vực phía Nam của châu Mỹ và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước châu Phi và Trung Đông.
Việc tiếp tục gây sức ép và tạo bất ổn hơn nữa đối với Nga là ít tác dụng bởi sự bất ổn lớn hơn không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào, nhất là Canada.
Thời gian qua, Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Canada Stephen Harper luôn đi đầu trong việc lên án và chỉ trích Nga là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Ngày 8/12, trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Rob Nicholson đã ký kết Ý định thư (DoI) với người đồng cấp nước này, Thượng tướng Stephen Poltorak.
Đây không phải là cam kết có tính ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai nước. Tuy nhiên, hai bên cam kết mở rộng hợp tác quân sự, đặc biệt là về xây dựng tiềm lực quốc phòng thông qua hoạt động hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng quân cảnh, các biện pháp y tế và bảo vệ sức khỏe.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada (trái) và Ukraine tại Kiev |
Những lo lắng của các tướng lĩnh Canada là hoàn toàn có lý, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang biến Bắc Cực thành “sân nhà”. Trong khi đó, đây lại là “cửa ngõ” của Canada.
Ngay từ đầu tháng 7/2014, khi Thủ tướng Canada Stephen Harper kịch liệt chỉ trích và trừng phạt Nga về cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine, Nga đã triển khai các đòn đáp trả nhắm thẳng vào Bắc Cực.
Khi Canada chủ động đóng băng các mối quan hệ nhạy cảm được xây dựng một cách cẩn thận giữa quân đội Canada với Nga kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kể cả những quan hệ cần thiết để tránh va chạm tại Bắc Cực, Nga đã lập tức điều máy bay ném bom hạng nặng Tu-95 tiến sát khu vực biên giới với Canada.
Các máy bay F-18 của Canada đã phát hiện ra nhưng đến nay Canada không công bố số lần cụ thể nhằm tránh báo động Nga về những điều mà họ đã biết. Người ta chỉ biết rằng các máy bay Canada đã gặp Tu-95 2 lần trong tháng 6/2014 và hoạt động tuần tra của Nga gần biên giới Bắc Mỹ đã tăng mạnh trong năm nay.
Máy bay ném bom hạng nặng Tu-95 của Nga |
Các quan chức quốc phòng Canada cho rằng các hoạt động trên là "thông điệp chiến lược từ Moskva" để trả đũa sự chỉ trích, cũng như hành động của Canada nhằm khuyến khích Ukraine.
Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội, nhà phân tích chiến lược George Petrolekas, một Đại tá Canada về hưu, đã cảnh báo rằng các mối quan hệ đổ vỡ với Nga chắc chắn sẽ khuyến khích ông Putin tăng cường các hoạt động quân sự tại Bắc Cực, như một cách để thử thách phản ứng và quyết tâm của Canada.
Ông Putin dường như quyết tâm kiểm tra các điểm dọc theo Khu vực nhận dạng phòng không Bắc Mỹ (ADIZ), trải dài 321 km ngoài biên giới lục địa của Canada và Mỹ.
Trong tháng 6/2014, máy bay Mỹ đã chặn những máy bay ném bom tầm xa của Nga ở ngoài khơi Alaska và California. Ngay cả người Mỹ cũng "giật mình" trước sự "dai dẳng" và số lượng tăng vọt các chuyến bay thăm dò của Nga.
Vụ đối đầu tại Alaska có liên quan đến 4 chiếc máy bay ném bom và 2 máy bay tiếp liệu trên không. Hai chiếc máy bay ném bom sau đó bay về phía Tây, chỉ cách Bắc California có 130 km.
Mặc dù những chuyến bay thăm dò như vậy của các máy bay Tu-95, có khả năng trang bị bom hạt nhân và tên lửa hành trình, không phải là trái phép, nhưng Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD) luôn cho máy bay chiến đấu cất cánh nếu các phi công nước ngoài không gửi các kế hoạch bay chi tiết và duy trì liên lạc vô tuyến và radar.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chuyến bay thăm dò đã biến mất trong nhiều năm nhưng giờ lại được nối lại thường xuyên.
Nga tăng cường sự kiện diện quân sự tại Bắc Cực khiến Canada lo ngại |
Không những thế, Nga đã tăng đáng kể các nguồn lực, cả dân sự và quân sự, trong khu vực Bắc Cực, từ các tàu phá băng đến 80 tàu hải quân, hiện đang được bổ sung thêm tên lửa di động.
Theo tuần báo quốc phòng Jane's, Nga đang thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn Pantsir-S1 tại Bắc Cực, được dùng để chống máy bay, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình và cả máy bay không người lái.
Bắt đầu từ ngày 1/12, Bộ Tư lệnh chiến lược mới của Nga đã triển khai hoạt động trên cơ sở Hạm đội Biển Bắc, lên kế hoạch thường xuyên cho tàu nổi và tàu ngầm di chuyển ở Bắc Băng Dương.
Trên đảo Kotelny đã xuất hiện căn cứ và sân bay quân sự của Nga. Nhiệm vụ của cơ sở mới là bảo vệ nguồn tài nguyên dầu khí và bảo đảm an toàn lưu thông trên tuyến vận tải biển phương Bắc.
Nga sở hữu tới 40% lãnh thổ Bắc Cực, tương đương gần 1/5 diện tích đất nước. Nguồn tài nguyên phía Bắc đem lại cho nước này hơn 10% thu nhập quốc dân và chiếm gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, Bắc Cực không chỉ là mảnh đất màu mỡ của nước Nga mà còn là khu vực chiến lược để Nga đưa Bắc Mỹ và cả các quốc gia Bắc Âu đến “miệng hố chiến tranh”.
Đông Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét