Động cơ chính trị đem lại những thiệt hại kinh tế ghê gớm. Mỹ vô sự, gánh chịu tổn thất bao gồm cả Moskva lẫn Brussels và đặc biệt là Kiev.
EU-Ukraine chịu tổn thất nặng nề thay cho Mỹ
Mỗi tháng trôi qua, mất mát của Liên minh châu Âu và Ukraine lại càng nhiều hơn. Theo các chuyên gia, thì đây chính là mục tiêu của Washington. Những hạn chế nhằm vào Nga lại không tác động mấy tới Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khó thể nói như vậy về các doanh nghiệp châu Âu và nền kinh tế Ukraine.
Trừng phạt mạnh hơn, đòn boomerang đáp trả sẽ càng đau hơn bởi theo tính toán sơ bộ, ngân sách của chính quyền Kiev năm 2014 đã mất mát khoảng 10 tỷ USD. Châu Âu thì thấp thỏm e ngại với sự xuất hiện theo chiều đáp trả của những "thiên nga đen" mới.
Đây là thuật ngữ mà quan chức phương Tây ám chỉ các động thái đáp trả chiến lược của Nga, gây lên hoàn cảnh bất lợi cho EU. Hiện giờ, đó là lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ các nước EU và sự chấm dứt của dự án “Dòng chảy phương Nam” (South Stream). Liệu tiếp theo sẽ là gì?
Mọi cái sẽ chỉ càng tồi tệ hơn nếu Liên minh châu Âu và Nga tiếp tục cuộc chiến trừng phạt. Các chính trị gia và doanh nhân EU nhận thức rất rõ điều này. Ở phương Tây ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng đã tới lúc phải chấm dứt sự đối đầu, gần đây nhất là tuyên bố của Tổng thống Áo Heinz Fischer.
Theo vị Tổng thống Áo, áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Nga sẽ là quyết định “ngu xuẩn và tai hại”. Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và chính trị thế giới Trường Cao học Kinh tế Nga Igor Kovalyov đồng tình với quan điểm này và nêu khả năng cùng gỡ bỏ các hạn chế.
Mỗi tháng trôi qua, thậm chí mỗi ngày, hậu quả lệnh trừng phạt ngày càng rõ rệt hơn. Bởi khối lượng trao đổi thương mại, sự ràng buộc liên lạc và hợp tác lẫn nhau rất lớn. Lệnh trừng phạt không bao giờ mang tính một chiều. Chúng luôn đánh vào cả đối tượng bị cấm vận lẫn những người áp đặt.
Một ví dụ điển hình có thể thấy là quan hệ Mỹ - Cuba. Sau nhiều thập kỷ Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh cấm vận với kẻ thù dường như là “không đội trời chung” của mình, nhưng rồi cùng tới lúc Washington và Havana thấy cần phải gạt bỏ mâu thuẫn và thông qua quyết định thiết lập quan hệ.
Tranh biếm họa việc Mỹ biến EU thành “Lính tiên phong” trong cuộc chiến với Nga |
Ông Igor Kovalyov nhận định về khả năng Liên minh châu Âu và Nga rút lại các lệnh cấm vận và trả đũa lẫn nhau là vấn đề của vài tháng thậm chí là cả năm. Không thể sớm rút lui các biện pháp trừng phạt, cần một thời gian nhất định để EU hiểu rằng mình sẽ mất gì bởi bàn tay Hoa Kỳ.
Chủ đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt chưa được đưa vào chương trình nghị sự của Brussels, tuy nhiên, mọi cái đang dẫn tới điều này - các nhà phân tích nhận định. Hầu như ngày nào, Ủy ban châu Âu cũng nhận được báo cáo từ các nước về tổn thất được qui thành tiền do cuộc đối đầu chính trị với Nga gây nên.
Ví dụ, Rome đã ước tính 13% tổn thất từ giảm trao đổi thương mại với Nga trong năm 2014 và có thể tới 17% trong năm 2015. Con số này không phải vài triệu mà là hàng tỷ euro. Đối với nền kinh tế đang ốm yếu của Italia, những thiệt hại như vậy thật khó thể tha thứ.
Đáp lại thực tế, Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu Federica Magerini chỉ biết lắc đầu và phát biểu rằng, đối với Brussels điều quan trọng lúc này là kết quả chính trị từ các biện pháp trừng phạt, kinh tế chưa cần tính tới. Sự can đảm của giới chức chóp bu EU liệu có đủ lâu? Thật khó chắc chắn về điều này.
Giáo sư Alexander Mikhailenko thuộc Bộ môn “Hoạt động đối ngoại” của Nga thuộc Khoa An ninh quốc gia Học viện Kinh tế và hành chính chia sẻ những khó khăn của Kiev trong nỗ lực “nối gót bạn bè” của Ukraine - đất nước với nền kinh tế đang bị sụp đổ và ràng buộc rất nhiều vào mối quan hệ với Nga.
Ông nhấn mạnh là Ukraine đã bán cho Nga một phần đáng kể các sản phẩm toa xe và các đầu tầu, có thể lên tới 70% khối lượng sản xuất. Giờ đây tất cả sẽ bị chìm vào dĩ vãng. Rồi động cơ máy bay từ nhà máy Motor Sich, những động cơ tên lửa và nhiều sản phẩm khác từng được Ukraine bán cho Nga.
Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine sẽ chịu nhiều thiệt thòi |
Các hợp đồng lớn giờ đây đã bị khép lại. Ukraine biết làm gì cho phương Tây khi toàn bộ hạ tầng công nghiệp và công nghiệp quốc phòng nước này đều thừa hưởng của Liên Xô và không thể làm được gì cho châu Âu. Nước này rồi sẽ biến thành một thị trường lao động phổ thông rẻ mạt để châu Âu bóc lột.
Trong số nạn nhân nước ngoài còn phải kể đến nhiều hãng quốc tế. Ví dụ, Exxon Mobil của Mỹ, BP của Anh, Siemens và Bosch của Đức…
Đối với các doanh nghiệp lớn, thực tế không chỉ là sự thua lỗ trong vài tháng mà kéo theo những tổn thất tiềm năng của vài năm tới. Loạt chiến lược kinh tế dựa trên các hợp đồng dài hạn đã bị phá vỡ. Không dễ gì lấy lại những cơ hội bị bở lỡ, bởi người Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, Mỹ Latin đang nhảy vào thế chân họ.
Ngân hàng Phát triển BRICS - sự kiện lớn của năm 2014
Việc thành lập Ngân hàng Phát triển chung của nhóm các nền kinh tế mới nổi - Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - được coi là một sự kiện lớn của thế giới trong năm 2014. Tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng ở thành phố Fortaleza của Brazil hồi tháng 7 năm 2014, nhóm đã ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng phát triển mới.
Đây sẽ là một trong những ngân hàng phát triển đa phương lớn trên thế giới, với vốn tuyên bố là 100 tỷ USD. Khối đã thỏa thuận về sự bình đẳng góp vốn và quyền quản lý. Trụ sở chính của ngân hàng sẽ đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ngân hàng có thể cho phép các nước BRICS hình thành chương trình nghị sự riêng trong các vấn đề về tín dụng.
Việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS là một sự kiện lớn trong năm 2014. Dự án này của khối là một thách thức đối với phương Tây. Ngân hàng sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và tín dụng cho các nền kinh tế đang phát triển, tức là sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB - World Bank).
Ngân hàng phát triển đã được thành lập vào tháng 7 năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil. Không chỉ các thành viên chính thức mà còn các nền kinh tế mới nổi khác có thể tham gia tổ chức này. Theo các chuyên gia, trong số các ứng viên có Mexico, Indonesia và Argentina.
Ukraine và EU sẽ chịu nhiều thiệt hại trong “trò chơi cấm vận” với Nga |
Cơ chế chung thứ hai của Top 5 quốc gia mới nổi là Quỹ dự trữ ngoại tệ cũng mở rộng cửa cho các thành viên mới. Quỹ dự trữ này được thành lập với mục đích hỗ trợ cho các nền kinh tế trong trường hợp bùng nổ cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Các biện pháp này của BRICS cho thấy rằng, các nước thành viên có ý định cơ cấu lại hệ thống tài chính và tín dụng toàn cầu, tạo ra cơ chế đầu tiên có thể làm đối trọng hoặc thậm chí là thay thế Ngân hàng Thế giới và Quỹ IMF. Các chuyên gia cho rằng, các nước thuộc khối này có đủ tiềm lực để thực hiện thành công dự án này.
Vào cuối năm 2014 Nga phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh tỷ giá hối đoái của đồng Rúp so với đồng USD, đồng Euro, cũng như so với các ngoại tệ "mềm" khác như Nhân dân tệ hay đồng Rupee.
Điều này sẽ thúc đẩy nhóm BRICS sử dụng tích cực hơn các đồng tiền quốc gia trong thanh toán với nhau khi thành lập Ngân hàng Phát triển mới. Trung Quốc và Ấn Độ đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú có thể hữu ích cho Nga và các nước khác.
Chuyên gia Alexander Salitsky thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) nói: “Cả New Dehli và Bắc Kinh đã thu lượm những kinh nghiệm phong phú hơn Moscow trong lĩnh vực này. Đây là những kinh nghiệm rất có giá trị đối với Nga và các thành viên khác trong khối”.
Trong thời gian khủng hoảng trên thị trường thế giới vào những năm 1997-1998 và 2008-2009, các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng của các quốc gia đó đã giúp cho các nhà sản xuất thoát khỏi lo lắng về tỷ giá hối đoái.
Nhiều chuyên gia, kể cả chuyên viên của nhiều tổ chức quốc tế, ví dụ như UNCTAD, đã ghi nhận rằng, có lẽ Trung Quốc đã xây dựng cơ cấu tối ưu trong lĩnh vực điều khiển tiền tệ và ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất địa phương.
Việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS được coi là sự kiện lớn của năm 2014 |
Ở giai đoạn đầu tiên của cuộc cải cách, Moscow có thể dựa vào những kinh nghiệm của New Dehli, sau đó có thể sử dụng những kinh nghiệm của Bắc Kinh để thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế và sự xuống giá của đồng tiền quốc gia so với các ngoại tệ khác.
Thời điểm ban đầu, tổng vốn đầu tư vào Ngân hàng Phát triển chung của nhóm các nền kinh tế mới nổi sẽ vào khoảng 50 tỷ USD, với mỗi nước thành viên BRICS cam kết đóng góp 10 tỷ USD cho việc thành lập Ngân hàng. Theo thời gian, tổng số vốn của Ngân hàng này sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD.
Quỹ dự trữ ngoại tệ cũng sẽ có tổng vốn ban đầu khoảng 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc có đóng góp lớn nhất với 41 tỷ USD, 3 nước Nga, Brazil và Ấn Độ cam kết đầu tư cho quỹ 18 tỷ USD mỗi nước, còn Nam Phi sẽ đóng góp ban đầu khoảng 5 tỷ và sẽ tăng theo thời gian.
Có thể dự đoán, Ngân hàng BRICS sẽ trở thành một trong những tổ chức tài chính phát triển đa phương lớn trên thế giới. Ngân hàng và Quỹ dự trữ ngoại tệ chung với nguồn lực tài chính hùng mạnh lên đến 200 tỷ đô la sẽ đặt nền móng cho sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô của các nước BRICS.
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, Nga đã trở thành chủ tịch nhóm BRICS và vào mùa hè tới, Hội nghị thượng đỉnh Top 5 quốc gia mới nổi - Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi sẽ được tổ chức tại Ufa - thủ đô của nước Cộng hoà Bashkortostan thuộc Nga. Đến lúc đó, có thể đã có những bước ngoặt mới trên trường quốc tế.
Trong thông điệp chúc mừng năm mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo ý định của mình là trong nhiệm kỳ làm chủ tịch BRICS, Nga dự định tăng cường hơn nữa vai trò của BRICS, tạo nên sự ảnh hưởng ngày càng tăng của khối trên sân khấu chính trị thế giới trong suốt nhiệm kỳ Liên bang Nga làm chủ tịch nhóm.
Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét