Mỹ với các hạm đội hùng mạnh của mình đang vô tình đảm bảo an ninh để Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc biển.
Trung Quốc đang là một cường quốc biển, xét theo góc độ thương mại. Ngoài năng lực đóng tàu lớn nhất thế giới, đội thương thuyền Trung Quốc đang tung hoành khắp các đại dương, thậm chí là ngay trong nội địa nước Mỹ.
Giới phân tích đã chỉ ra một thực tế Trung Quốc có được “quyền lực” biển như vậy là nhờ Mỹ đứng ra đảm bảo an ninh hàng hải. Trong khi đó, ở những vùng biển “gần nhà”, Trung Quốc lại làm điều ngược lại khi muốn đặt ra quy tắc của riêng mình, muốn thử thách vai trò của Mỹ và các đồng minh.
Tàu chở container của Trung Quốc chạy phía dưới cây cầu Golden Gate |
Tờ The Economist mới đây đã đưa ra nhận xét rằng Trung Quốc là một cường quốc Thái Bình Dương, một cường quốc thương mại chứ không phải là một cường quốc hải quân. Báo này dẫn số liệu cho biết giờ đây Trung Quốc là nước đóng tàu lớn nhất thế giới; có đội thương thuyền quốc gia lớn thứ ba, và cho đến nay có số lượng tàu lớn nhất. Chỉ riêng đội tàu đánh cá của Trung Quốc đã có tới 695.000 nhân lực.
Trung Quốc cũng chiếm khoảng một phần tư thương mại vận chuyển bằng container của thế giới. Và gần như toàn bộ các hộp thép được vận chuyển trên các đại dương của thế giới cũng đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Cũng theo báo này, phần lớn an ninh thương mại trên khắp Thái Bình Dương là “quà tặng” của Mỹ. Trung Quốc “hưởng không” sự bảo vệ mà Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, có căn cứ tại Trân Châu Cảng, Hawaii, đem lại.
The Economist mô tả “những người thường xuyên qua lại giữa hạt Marin và San Francisco ở Bắc California đang dần quen với một cảnh tượng mới trong giờ cao điểm. Những con tàu to lớn và cồng kềnh chở container, mang cờ và tên Trung Quốc, “quần” dọc bên dưới cây cầu Golden Gate tráng lệ. Chúng chở hàng hóa vào trong cảng Oakland – và đưa thâm hụt thương mại của Mỹ trở lại. Bất kỳ du thuyền nào chạy quanh vịnh này đều giữ khoảng cách an toàn với chúng”.
Thực tế là Trung Quốc hưởng lợi từ việc Mỹ thi hành các quy tắc hoạt động trên biển. Nhưng ở Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc đã hành xử khiêu khích đối với một số đồng minh của Mỹ, đối với chính nước Mỹ và thách thức các giới hạn của luật biển quốc tế.
Trung Quốc đã ký kết những thỏa thuận, trong đó có Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), đồng ý dàn xếp những tranh chấp hàng hải một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế, ví dụ như Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chủ động thường xuyên gây cẳng thẳng liên quan tới chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bãi cạn Scarborough, gây căng thẳng với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc cũng đã tìm cách ngăn không cho các tàu của lực lượng hải quân và không quân Mỹ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cách bờ biển nước này 200 hải lý, một hành động mà Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ coi là vi phạm UNCLOS.
Tháng 8/2014, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã chặn máy bay tuần tra trên biển P-8 của Hải quân Mỹ trong không phận quốc tế cách đảo Hải Nam khoảng 135 dặm (216km), điều mà Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là “ rất gần, rất nguy hiểm”.
Năm 2013, một tàu hải quân Trung Quốc đã trực tiếp cắt ngang đường đi của tàu tuần dương Cowpens của hải quân Mỹ, buộc tàu này phải bẻ lái đột ngột nhằm tránh một vụ va chạm. Mỹ đã coi hành động này là sự khiêu khích.
Hải quân Mỹ đang vô tình đảm bảo an ninh hàng hải cho Trung Quốc |
Trong các tranh chấp đảo của Trung Quốc, các nhà phân tích an ninh cho rằng Trung Quốc đang “kiếm chuyện” với các đồng minh của Mỹ nhằm thử thách cam kết của nước này về việc duy trì pháp luật bằng sự ủy nhiệm, với những bước đi đủ nhỏ để khiến cho việc trả đũa trở nên khó thực hiện. Nhưng với các bước đi nhỏ, Trung Quốc sẽ từng bước tạo ra “sự đã rồi”.
Chiến thuật của Trung Quốc từng được giới chuyên gia đề cập với tên gọi “cắt lát salami”, nghĩa là từng bước hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền với các đảo. Đó là “sự tích lũy dần những thay đổi nhỏ, không một sự thay đổi riêng rẽ nào trong số đó có thể là biến cố khơi mào một cuộc chiến tranh, nhưng theo thời gian lại có thể góp phần tạo nên một sự thay đổi chiến lược đáng kể”.
Ronald O'Rourke, một nhà phân tích hải quân thuộc Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, cho biết các quan chức Trung Quốc đã gọi đó là "chiến lược cải bắp". Những hòn đảo được bao bọc, giống như bắp cải, trong các lớp bảo vệ kế tiếp nhau được hình thành bởi các tàu đánh cá, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và cuối cùng là các tàu hải quân.
Trung Quốc hiếm khi triển khai các lực lượng vũ trang của mình trong những lần lấn chiếm dần dần. Thay vào đó, nước này sử dụng các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Theo giới chuyên gia, ngay cả cái tên “Hải giám” cũng ám chỉ Trung Quốc đã cảm thấy mình có quyền hành pháp.
Chiến thuật của Trung Quốc khiến cho bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào cũng khó có thể thực hiện được một phản ứng quân sự mà không làm gia tăng rủi ro. Đô đốc Dennis Blair, người đứng đầu các lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương trước đây và hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình Sasakawa Mỹ, nói: “Người Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược khá thông minh và những người còn lại như chúng ta chưa tìm ra được cách ứng phó thích đáng”. Đô đốc Blair gọi đây là "sự xâm lược hành chính" của Trung Quốc.
Tàu đánh cá Trung Quốc |
Có ý kiến cho rằng thất bại trong cuộc chiến tranh nha phiến đáng hổ thẹn với Anh trong những năm 1840 và 1850 đã khiến cho Trung Quốc trở nên đặc biệt nhạy cảm với các mối đe dọa hàng hải.
Nhưng sự “nhạy cảm” này không thể là lý do biện minh cho các hành động hung hăng trên biển của Trung Quốc. Nếu thực sự “nhạy cảm” thì Trung Quốc nên tham gia thiết lập quy tắc chung nhằm bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực chứ không phải tự đặt ra các quy tắc riêng.
Có một thực tế mà giới nghiên cứu chỉ ra là khi được hối thúc tuân thủ “các luật chơi” và “trách nhiệm” của hệ thống quốc tế, thì phản ứng theo bản năng của nhiều người Trung Quốc, bao gồm cả các nhà lãnh đạo cấp cao, là Trung Quốc đã không tham gia việc đặt ra các nguyên tắc của hệ thống này!
Nếu Trung Quốc định thực thi các quy tắc riêng, thì những rủi ro sẽ rất nghiêm trọng. Trong cuốn sách của mình, “Hỏa lực trên biển: Trung Quốc, Mỹ và tương lai của Thái Bình Dương”, Robert Haddick nói rằng điều đó có thể đồng nghĩa với việc ngăn chặn các tàu chiến của nước ngoài “từ eo biển Malacca cho đến tận các đảo chính của Nhật Bản”.
Thậm chí nếu Trung Quốc định tiếp tục mở cửa các vùng biển này cho vận chuyển thương mại, thì toàn bộ khái niệm về an ninh hàng hải sẽ bị hủy hoại. Mỹ có thể buộc phải trả đũa.
Cuối tháng 9 vừa qua, hơn 18.000 binh sĩ thuộc lực lượng lục quân, hải quân, không quân và lính thủy đánh bộ của Mỹ đã tham gia một cuộc tập trận chung chưa từng có ở ngoài khơi đảo Guam của Thái Bình Dương. Cuộc tập trận này nhằm thử nghiệm những phản ứng trước kiểu chiến lược “ngăn chặn xâm nhập biển” (tên lửa, tàu ngầm và các cuộc tấn công mạng) mà các nhà hoạch định quân sự Mỹ cho rằng Trung Quốc đã phát triển để chống lại các mối đe dọa hải quân.
Theo Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, chỉ huy Hạm đội Bảy, một tàu hỗ trợ của Trung Quốc bị phát hiện đang quan sát các cuộc tập trận trong EEZ của Mỹ. Đó là lần thứ hai trong năm nay một tàu Trung Quốc bị phát hiện đang “rình mò” tại vùng biển của Mỹ trong các cuộc tập trận. Người Mỹ coi đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thăm dò những lợi ích từ các quy tắc UNCLOS theo “phiên bản” của họ.
- Đông Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét