- Đã không ít học giả Mỹ phản tỉnh và nhận ra rằng Ukraine chỉ là bàn đạp để nước Mỹ tiến hành chiến tranh ý thức hệ chống lại nước Nga
Bản chất cuộc đảo chính Ukraine?
Ngày 1/1/2014, nhà làm phim, nhà văn nổi tiếng của Mỹ là Oliver Stone đã có cuộc phỏng vấn 4 tiếng đồng hồ cũng với cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Trong cuộc phỏng vấn này, ông Oliver Stone đã tuyên bố rằng Ukraine chỉ là một trong những nạn nhân của chiến lược chống lại Nga.
Ông Stone cho rằng Ukraine chỉ là quốc gia mới nhất trong một danh sách dài các nước được Mỹ áp dụng "quyền lực mềm để thay đổi chế độ", là cái cớ để Mỹ tiến hành cuộc "thập tự chinh ý thức hệ" chống lại Nga.
Lý giải cho những luận điểm của mình, ông Stone cho biết nhiều nhân chứng (gồm cả cảnh sát và các cựu quan chức chính phủ Yanukovych) tin rằng có yếu tố nước ngoài và dấu vết của CIA trong cuộc đảo chính tại Ukraine hồi tháng 2/2014.
Ông cũng cho rằng các tổ chức chính phủ Mỹ, chẳng hạn như USAID, đã hoạt động tại Ukraine từ sau khi Liên Xô sụp đổ, và Quỹ Quốc gia vì Dân chủ có thể đã tham gia cố vấn cho phe đối lập tại Ukraine về phương pháp tổ chức biểu tình chống chính phủ.
Stone cũng tỏ ra hoài nghi về một động thái khá bất thường khi có rất nhiều cảnh sát Ukraine thiệt mạng và bị thương trong các cuộc biểu tình lật đổ chính phủ ở Kiev, nhưng không ai trong chính phủ Ukraine mới điều tra về điều này.
Nhà văn, nhà làm phim nổi tiếng Oliver Stone |
Trước đó, có nhiều đồn đoán rằng phe biểu tình lật đổ chính phủ ở Ukraine đã thuê lính bắn tỉa tấn công cảnh sát để kích động bạo lực.
Theo Stone, CIA đã thâm nhập vào Ukraine từ 5 năm qua. Mỹ cũng đã bí mật hiện diện ở Ukraine từ năm 1949 khi Bộ trưởng Quốc phòng James Forrestal đã hợp tác với CIA thành lập lực lượng du kích mang bí danh "Nightingale" với tham vọng đưa Ukraine thành một siêu quốc gia.
Theo lý giải của Stone, bức tranh lớn mà ông muốn đề cập tới trong tuyên bố của mình là Mỹ không bao giờ từ bỏ ý định sử dụng Ukraine như một bàn đạp để chống lại Nga".
"Chính sách chiến tranh lạnh kiểu 2.0 này tiếp tục là kiểu ngụy trang chết người nhất. Dù mọi người có biết hay không thì dân thường Ukraine là những người ở giữa và cũng là những người sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại nhất từ cuộc thập tự chinh ý thức hệ này", Stone nói.
Những người Mỹ thức tỉnh
Những gì mà Oliver Stone nói về "bàn đạp chống Nga" hay "chính sách chiến tranh lạnh 2.0" không phải lần đầu tiên được nhắc tới.
Nhiều chuyên gia, học giả của Mỹ đã phải lên tiếng về chính sách của Washington đối với các nước trên thế giới sẽ là con dao hai lưỡi đối với sự tồn vong của chính quốc gia này.
Hồi cuối tháng 11/2014, Bà Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) gần đây đã cảnh báo người Mỹ dường như đã mệt mỏi vì sự can thiệp của nước này trên khắp thế giới.
Với những thảm họa đã xảy ra ở Iraq, Lybia và giờ là Ukraine, có lẽ một sự xem xét lại căn bản và rút ra bài học từ đó đáng lẽ đã phải làm từ lâu. Nước Mỹ cần một cái nhìn tỉnh táo về cái giá thực sự của những ý định được cho là tốt được lấy ra từ chủ nghĩa hiện thực.
Những người biểu tình Maidan chiếm quảng trường ở trung tâm thủ đô Kiev |
Những bình luận của bà Power được đưa ra khi mà Ukraine đánh dấu kỉ niệm một năm sự khởi đầu của cuộc biểu tình Maidan ở Kiev, đây chính là lúc để suy nghĩ lại và thay đổi tiến trình.
Một năm sau khi Mỹ và châu Âu ăn mừng vụ lật đổ hồi tháng 2 đối với vị Tổng thống được bầu ra theo hiến pháp của Ukraine Viktor Yanukovych, những người có tư tưởng can thiệp tự do và tân bảo thủ có nhiều câu hỏi để trả lời. Ví dụ như họ đảo chính để làm gì khi Ukraine đang ngày càng xuống dốc kinh tế, đất nước lâm vào cảnh nội chiến, chia rẽ sắc tộc sâu sắc, và trở thành chiến trường để Mỹ và Nga so găng với nhau.
Thậm chí hiện tại, Ukraine đang tiến rất sát với việc đạt được những thỏa thuận mang tính lệ thuộc vào phương Tây. Tiêu biểu như việc quyết định bán đại đa số công ty quốc doanh cho các quỹ tín dụng Mỹ. Và việc này được hãng tin DW của Đức đánh giá là: "Hành động bán đứt chỉ chứng tỏ một chính quyền yếu kém, tham nhũng đang ngự trị Ukraine."
Các chuyên gia như giáo sư danh dự của ĐH Princeton và ĐH New York, ông Stephen Cohen đã nhận định rằng phương Tây lẽ ra nên hiểu rằng một nỗ lực để đưa Ukraine đến một thỏa thuận độc quyền với EU sẽ gây ra một sự chia rẽ sâu sắc và mang tính lịch sử trong đất nước này, khiến phía Nga có những phản ứng.
Thực tế, theo giáo sư John Mearsheimer của ĐH Chicago kết luận: “Mỹ và các đồng minh châu Âu chịu trách nhiệm cho phần lớn của cuộc khủng hoảng”.
Bất chấp những cảnh báo từ Nga và những thỏa thuận không cho phép, hơn 20 năm trở lại đây Mỹ đã mở rộng khối NATO tiến đến sát biên giới với Nga. EU cũng có sự phát triển tương tự, luôn tìm cách kết hợp với các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ vào nền kinh tế, chính trị của họ.
Phía Nga đã liên tục cảnh báo rằng họ coi sự mở rộng của NATO là một mối đe dọa và đã cố gắng thực hiện một liên minh đối lập bằng cách hợp tác với các nước từng thuộc Liên Xô là Gruzia và Ukraine.
Người biểu tình miền Đông chiếm trụ sở Donetsk để kêu gọi sáp nhập vào Nga theo cách của Crimea |
Mới đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ ông Henry Kissinger đã đưa ra sự phản biện và quan điểm về cuộc khủng hoảng. Trên tờ tạp chí Der Spiegel của Đức vốn ít được truyền thông Mỹ để mắt đến, ông Kissinger nhấn mạnh rằng sự sáp nhập Crimea “không phải là động thái tiến tới chinh phục toàn cầu” vốn như truyền thông phương Tây thường rêu rao.
Ông Kissinger phản đối những cáo buộc của bà Hillary Clinton về ông Putin. Theo ông, phương Tây chịu phần lớn trách nhiệm cho tình hình gia tăng căng thẳng và ngày một xấu đi, và châu Âu cũng như Mỹ đã đánh giá thấp “vai trò quan trọng đặc biệt” của Ukraine và Nga.
Ông Kissinger còn lưu ý rằng: “Không có nước phương Tây nào đưa ra một chương trình vững chắc để tái thiết Crimea. Không có nước nào muốn chiến đấu vì miền đông Ukraine. Đó là sự thật”.
Mặt khác, ông Kissinger chỉ ra rằng Nga là đối tác quan trọng của Mỹ trong việc giải quyết khủng hoảng ở Iran và Syria về mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Có lẽ phương Tây nên đánh giá những quan ngại an ninh thực sự này trước khi tập trung và khiến tình hình leo thang ở Ukriane.
Từ những nhận định đó, có thể thấy rằng Mỹ đang đi quá xa trong cuộc khủng hoảng Ukraine, và mục đích cuối cùng mà họ muốn đạt được, không phải thay đổi chế độ của một mình Ukraine, mà là chế độ của cả nước Nga.
Đỗ Phong (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét