Máy bay do thám P-3 Orion |
Việt Nam hy vọng vũ khí từ một cựu thù như Mỹ có thể giúp tự vệ với một đối thủ lâu năm hơn là Trung Quốc. Tựa bài “The U.S is about to sell weapons to Vietnam, that’s about bad news for China” - tạm dịch: Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam và đó là tin xấu cho Trung Quốc đăng trên trang tạp chí The Week (Anh). Một Thế Giới xin lược dịch.
“Một sáng nọ vào tháng 5, người Việt Nam phẫn nộ khi giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 của tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) được đưa trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cuộc xung đột trên biển này - gồm một tàu đánh cá của ngư dân Việt bị tàu hộ tống giàn khoan đâm chìm, buộc Việt Nam phải tìm sự hỗ trợ từ một nguồn bất đắc dĩ. Việt Nam đề nghị cựu thù Mỹ bán vũ khí để tự vệ trước một đối thủ còn lâu năm hơn, là TQ.
Việt-Trung chung đường biên giới từ hơn 2.000 năm. Đó là quãng thời gian vô phúc của Việt Nam, vốn thường bị xem là tiểu quốc, thậm chí chịu sự đô hộ của Trung Hoa.
Trong quá trình lịch sử chung này, Việt Nam từng nhiều lần đứng lên cầm vũ khí chống lại Trung Hoa để khẳng định nền độc lập.
Lịch sử ấy khiến dễ hiểu vì sao Việt Nam cảnh giác TQ cùng các ý đồ của Bắc Kinh. Họ cũng cảnh giác trước sức phát triển của quân sự TQ.
Hồi tháng 5, nỗi lo ngại của Việt Nam thành hiện thực, khi giàn khoan Haiyang Shiyou 981 được đưa trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Sự cố này khiến người Việt Nam bức xúc, và cuộc tranh chấp trên biển chỉ kết thúc hai tháng sau, khi TQ rút giàn khoan này về quần đảo Hải Nam thuộc TQ.
Dù Việt-Trung chung biên giới, cuộc tranh chấp chủ quyền của Việt Nam với TQ đang thật sự diễn ra trên biển.
Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 cho phép tất cả các quốc gia lập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên 200 hải lý tính từ bờ biển nước mình.
Tàu bè và máy bay nước ngoài có thể đi qua một EEZ, nhưng sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên như mỏ dầu, nguồn cá thuộc về nước có EEZ đó.
Tại khu vực tranh chấp, Việt Nam tuyên bố EEZ tính từ bờ biển nước mình, nhưng TQ lại ngang nhiên tính EEZ của họ là từ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào đó.
Trước sự chênh lệch về khả năng phòng vệ, Việt Nam có thể cho điều TQ muốn, hoặc tìm kiếm các đồng minh mạnh và có chung sự quan tâm về quyền lợi.
Hơn 40 năm sau cuộc chiến tranh, quyền lợi chiến lược của Việt Nam và Mỹ lại được đề cập, và Mỹ đang sắp bán vũ khí cho Việt Nam để tự vệ trước TQ.
Mỹ và Việt Nam từng đánh nhau đẫm máu suốt từ năm 1965 đến 1973. Mỹ mất 58.220 lính trong Chiến tranh Việt Nam, phía Việt Nam chết 1,3 triệu quân và dân. Cuộc chiến này gây chia rẽ nơi nhân dân Mỹ và làm quan hệ Việt- Mỹ xấu đi trong nhiều thập niên. Quan hệ ngoại giao chỉ được bình thường hóa từ năm 1995.
Tuy mất mát quá lớn trong cuộc chiến tranh này, Việt Nam vẫn là một quốc gia thân Mỹ đáng chú ý. Hồi tháng 7, thăm dò của Pew Research ghi nhận 76 % người dân Việt có quan niệm tốt về Mỹ, trong khi chỉ có 16 % người dân Việt có nhận định thân thiện với TQ.
Chẳng có gì bí mật khi Mỹ lo ngại sức bành trướng quân sự của TQ. Mỹ từng bị hút vào cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan, nên bỏ rơi châu Á. Chủ trương “Xoay trục về châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama được lập để sửa sai, mở rộng khối đồng minh, đồng thời lập các thỏa thuận mới với những quốc gia không là đồng minh của Mỹ nhưng cùng chung mục tiêu kềm cương TQ.
Việt Nam có thể sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại của Mỹ, nhưng các thực tế tài chính và chính trị có thể cản trở những kỳ vọng.
Vũ khí Mỹ luôn đắt tiền, ví dụ một chiếc chiến đấu cơ ném bom F-35 có giá 100 triệu USD, và toàn bộ khả năng chi quốc phòng của Việt Nam chỉ là 7 tỷ USD.
Ít ra trong tương lai gần, Mỹ sẽ từ chối đề nghị bán vũ khí chết người như bom hoặc tên lửa cho Việt Nam.
Nhưng Mỹ đang cung cấp vũ khí không sát thương cho Việt Nam, vốn có thể tư liệu hóa những vụ xâm nhập lãnh thổ trái phép của TQ, để họ có thể công bố và đề nghị tòa án quốc tế phân xử.
Mỹ đang đàm phán với Việt Nam để cung cấp máy bay do thám được nâng cấp. Loại máy bay tuần tra biển P-3 Orion được sử dụng lần đầu tiên hồi những năm 1950, hiện được thay thế trong kho vũ khí Mỹ bằng loại P-8 Poseidon mới hơn.
Kiểu máy bay này được trang bị sóng sonar, radar, có tổ bay 11 người. Dù cũ, chiếc này có thể bay giám sát biển trên một khoảng cách rất xa.
Việt Nam từng tự đánh giá cao về sức mạnh bộ binh, một di sản từ những cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ và TQ, nhưng thực tế họ có thế mạnh là biển cả.
Duyên hải Việt Nam dài ngang Bờ biển phía đông nước Mỹ và EEZ của Việt Nam có 867.620 dặm vuông. Dù tàu bè thích hợp cho công tác giám sát tàu nước ngoài đi qua EEZ, một chiếc máy bay tuần tra như P-3 là tốt nhất cho việc kiểm soát một vùng biển lớn.
P-3 Orions thường được trang bị nhiều đạn và thủy lôi để săn tàu ngầm, và tên lửa chống hạm cùng rocket để chống tàu nổi. Có tin P-3 bán cho Việt Nam sẽ không trang bị vũ khí. Như thế không có nghĩa chúng không được trang bị vũ khí.
Có nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp có thể bán vũ khí cho Việt Nam.
Các loại vũ khí, khí tài quân sự khác mà Mỹ có thể bán cho Việt Nam là radar giám sát không phận, hải phận, thiết bị liên lạc, tàu tuần duyên.
Sẽ đến lúc Mỹ bán các loại vũ khí sát thương, hiện đại hơn cho Việt Nam nhưng hiện tại, những vụ này có thể gây nguy cho Mỹ.
Việc rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 về nước có thể tạm kết thúc cuộc tranh chấp Việt-Trung. Việt Nam cần có quan hệ tốt với TQ để tiếp tục giúp nền kinh tế, nên khủng hoảng kết thúc càng sớm càng tốt.
Nhưng về lâu dài, nguồn cầu năng lượng càng tăng của TQ sẽ có thể làm xảy ra một vụ đưa giàn khoan dầu nữa vào vùng tranh chấp, lần này là vĩnh viễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét