Giới quan sát dự báo rằng sau cuộc bầu cử người đứng đầu nước cộng hòa và chính quyền nhân dân các cấp tại hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, tình hình tại Donbass chắc chắn sẽ trở nên căng thẳng. Thế nhưng cử tri Donbass đã bắt đầu tham gia bầu cử trước thời hạn chính quyền nhân dân các cấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những vùng đất tự coi mình là một nước “Nga mới” đang dựng lên một bức tường thành ngăn cách với Ukraine.
Trong khi đó, chính quyền Ukraine và các đối tác phương Tây cho rằng cuộc bầu cử ngày 2/11 tại một số tỉnh miền Đông Ukraine là vi phạm Hiệp định hòa bình ký tại Minsk (Belarus) ngày 5/9 vừa qua. Bộ ngoại giao Nga thì tuyên bố các cuộc bầu cử ngày 2/11 tới là hoàn toàn phù hợp với những điều khoản đã được ký kết trong kế hoạch hòa bình kể trên.
Chính quyền tự xưng DNR và LNR tự hợp thức hóa bằng cách tiến hành bầu cử. Ảnh: RIA-Novosti
|
Điều này còn tạo cơ sở pháp lý để các vùng đất muốn tách ra độc lập “hợp pháp hóa các chính quyền tại đây”, theo như lời của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Như vậy, có thể thấy rõ, những mâu thuẫn giữa các bên, liên quan việc liệu hai vùng đất tự tuyên bố độc lập trên, thuộc Ukraine, có quyền được hưởng quy chế độc lập hay không, ngày càng sâu sắc hơn. Và liệu vùng đất của DNR và LNR sẽ chỉ bao gồm các huyện không chịu (không thuộc) sự quản lý của chính quyền Kiev, hay là toàn bộ hai tỉnh này?
Hiệp định Minsk, do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) công bố, không công nhận độc lập của DNR và LNR. Các điều khoản thứ 3 và thứ 9 của Kế hoạch hòa bình Minsk đã nêu rõ: tiến hành phân cấp chính quyền cũng như đảm bảo tiến hành bầu cử địa phương sớm theo luật Ukraine “Về quy chế tạm thời của chính quyền địa phương tại một số vùng riêng biệt thuộc tỉnh Donesk và Lugansk” (Luật về quy chế đặc biệt) đã cho thấy rõ điều đó.
Vào giữa tháng 9, Verkhovnaya Rada (Quốc hội) tạm quyền của Ukraine đã thông qua một đạo luật do Tổng thống Poroshenko đề xuất về quy chế đặc biệt kiểm soát các tỉnh Donetsk và Lugansk. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Tổng thống Petro Poroshenko đã ký và ban hành thành luật văn bản nói trên. Theo ông, cuộc bầu cử chính quyền địa phương các cấp tại hai vùng đất được trao quy chế đặc biệt nói trên, đã được ấn định vào ngày 7/12, và tuy được trao quyền tự chủ rộng rãi, song các tỉnh này vẫn phải chịu sự chỉ đạo của chính quyền trung ương Ukraine. Và việc họ cố tình tổ chức bầu cử trước thời hạn vào 2/11 là hoàn toàn phi pháp. Tổng thống Ukraine đồng thời liên tiếp kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như Nga không công nhận các cuộc bầu cử này.
Ngoài ra, quy chế đặc biệt dành cho Donetsk và Lugansk cũng không kéo dài quá ba năm. Thế nhưng, mặc dù đã đặt bút ký văn bản Kế hoạch hòa bình Minsk, song hầu như các nhà lãnh đạo DNR và LNR là Igor Plotniski và Alexander Zaharchenko đã ngay lập tức tuyên bố cử tri các khu vực này sẽ tiến hành bầu chọn ra các nhà lãnh đạo của mình vào ngày 2/11.
Xe tăng của lực lượng ly khai được triển khai gần thị trấn Krasnyi Luch, vùng Lugansk, miền Đông Ukraine ngày 28/10. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo kế hoạch, Quốc hội của hai nước cộng hòa tự xưng sẽ bầu chọn 100 đại biểu. Người đứng đầu đất nước cũng như Chủ tịch Quốc hội của hai nước cộng hòa tự xưng này sẽ có nhiệm kỳ 4 năm. Ủy ban bầu cử tại Donetsk cho biết họ sẽ tổ chức 364 điểm bầu cử, bao gồm cả các điểm bầu cử tạm thời dành cho người tị nạn trên lãnh thổ Nga. Cư dân của khu vực Donetsk, di cư đến các khu vực khác của Ukraine cũng có thể bỏ phiếu trên mạng Internet từ ngày 26/10. Còn tại Lugansk tổ chức 90 điểm bầu cử và 5 điểm bỏ phiếu thông qua mạng điện thoại. Các cử tri Lugansk cũng có thể bỏ phiếu tại các điểm bầu cử được mở trên lãnh thổ LB Nga. Thậm chí, người đứng đầu SIK của Lugansk, ông Sergey Koziakov còn cho biết người Nga muốn trở thành công dân LNR cũng có thể tham gia bỏ phiếu.
Chính phủ Ukraine trong tuần qua bày tỏ tin tưởng rằng không nước nào trên thế giới công nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 2/11. Một số nước phương Tây và các tổ chức quốc tế cũng đã xác nhận rằng sẽ không công nhận kết quả bầu cử, bởi vì chúng hoàn toàn mâu thuẫn với Hiệp định Minsk.
Trong khi đó, trái lại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố các cuộc bầu cử ở DNR và LNR là phù hợp với Hiệp định Minsk và Nga “hy vọng rằng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức thành công. Nga chắc chắn sẽ công nhận kết quả bầu cử”.
Tạm chưa bàn tới ai đúng ai sai trong câu chuyện của Ukraine, song có một điều quá rõ là dù kết quả sơ bộ của bầu cử Quốc hội Ukraine hôm 26/10 cho thấy thắng lợi áp đảo của các chính đảng thân phương Tây, nhưng điều đó cũng không thể che khuất một thực tế hiển hiện là Ukraine vẫn là kẻ thua cuộc, nhất là sau cuộc “bầu cử” ngày mai - cuộc bầu cử được ví như một nhát dao cắt rời vùng đất 64.618 km2 với 9,4 triệu dân vùng Donbass, khỏi bản đồ Ukraine.
Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét