Quyết định của Mỹ thả vũ khí cho lực lượng người Cuốc ở Xy-ri vấp phải sự phản đối dữ dội từ Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất phát từ bất đồng lợi ích, sự khác nhau về chiến lược trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang đẩy cả Oa-sinhtơn và An-ca-ra vào thế bí trong xử lý mối quan hệ đồng minh.
Mặc dù Tổng thống Mỹ B.Ô-bama đã phải gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về việc thả vũ khí cho lực lượng người Cuốc ở thành phố Cô-ba-ni của Xy-ri, song An-ca-ra vẫn chỉ trích việc làm của Lầu năm góc là "không thích hợp".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan gọi lực lượng người Cuốc mà Mỹ hậu thuẫn là "khủng bố". Ngay từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Xy-ri, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng chung mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống Át-xát. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất ngờ từ mối đe dọa của IS, giữa hai đồng minh lại bộc lộ khác biệt về chiến lược. An-ca-ra muốn ngay lập tức "giải quyết xong" chế độ của Tổng thống Át-xát, đồng thời muốn người Cuốc ở Xy-ri bị suy yếu. Trong khi Oa-sinh-tơn dù chia sẻ về nguyên tắc đối với quan điểm chống chế độ hiện hành ở Xy-ri, song đặt vấn đề chống IS là ưu tiên hàng đầu lúc này. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mối đe dọa từ IS không cấp thiết và đáng sợ như sự trỗi dậy của người Cuốc. Với khoảng 15 triệu người Cuốc (chiếm khoảng 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ), tham vọng ly khai của người Cuốc ở Xy-ri nếu lan sang cộng đồng người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "cơn ác mộng" với An-ca-ra. Thổ Nhĩ Kỳ muốn phương Tây thiết lập một vùng đệm ở khu vực biên giới với Xy-ri là nhằm ngăn chặn nguy cơ người Cuốc Xy-ri tràn qua biên giới.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp chỉ trích từ các nước phương Tây không tham gia liên minh chống IS đang khiến An-ca-ra ngày càng bị cô lập. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chia rẽ trước đề nghị của Oa-sinh-tơn muốn sử dụng căn cứ không quân In-xơ-lích để hỗ trợ triển khai các hoạt động quân sự ở Xy-ri mà chưa được An-ca-ra chấp thuận.
Mỹ nghi ngờ thiện chí của Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức Mỹ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò hai mặt ở Xy-ri khi cáo buộc An-ca-ra bí mật hậu thuẫn IS nhằm mượn tay tổ chức khủng bố này dập tắt sự trỗi dậy của người Cuốc, đập tan "giấc mơ ly khai" của cộng đồng này.
Giữa lúc cuộc chiến chống IS diễn ra quyết liệt, các phe phái người Cuốc ở Xy-ri đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực và dẹp bỏ hận thù để tận dụng sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc chiến chống IS. Thỏa thuận trên đạt được trùng với thời điểm Hội đồng Khu tự trị người Cuốc ở miền bắc I-rắc quyết định gửi quân chi viện cho người Cuốc ở thành phố Cô-ba-ni của Xy-ri. Việc các nhóm người Cuốc xích lại gần nhau làm Thổ Nhĩ Kỳ "đau đầu". Tuy nhiên, chỉ với thực lực của riêng mình, người Cuốc ở Cô-ba-ni khó có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa. Người Cuốc kêu gọi Mỹ hỗ trợ thêm vũ khí mới để có thể chiến đấu chống IS. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối, lại không tránh khỏi một số vũ khí thả nhầm mục tiêu lọt vào tay IS, đối với Mỹ đây chỉ là giải pháp tạm thời. Lầu năm góc thừa nhận, chiến dịch tiêu diệt IS do Mỹ dẫn đầu đang phát huy hiệu quả, song sẽ là cuộc chiến phức tạp và khó khăn.
IS đang nhanh chóng trở thành một trong những tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, thu về hàng chục triệu USD mỗi tháng từ các hoạt động bán dầu mỏ chợ đen, bắt cóc tống tiền. Đáng chú ý, khác với phần lớn các nhóm khủng bố, tiềm lực tài chính của IS xuất phát từ các nguồn thu phức tạp và đa dạng. Riêng việc khai thác các mỏ dầu chiếm giữ tại I-rắc và Xy-ri đã cho phép IS sản xuất khoảng 50 nghìn thùng/ngày, thu khoảng một triệu USD/ngày. Từ đầu năm đến nay, nhóm khủng bố này đã "bỏ túi" khoảng 20 triệu USD từ tiền chuộc con tin bắt cóc. Thực tế này tạo ra thách thức đối với nước Mỹ trong nỗ lực phong tỏa nguồn tài chính cấp cho IS. Để chặt đứt mọi nguồn cung cho IS, Mỹ cần sự phối hợp của các đồng minh trong khu vực.
Cuộc chiến chống IS đã tiêu tốn của Mỹ khoảng 424 triệu USD kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích cách đây hơn hai tháng. Mặc dù sự hậu thuẫn quân sự của Mỹ cho lực lượng người Cuốc bước đầu đã giúp chặn đà tiến của IS, song chính giới Mỹ thừa nhận, đây không phải là giải pháp lâu dài. Việc IS trỗi dậy một cách có tổ chức và hoạt động tinh vi đặt liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu trước nhiều thách thức. Để cuộc chiến trên mặt trận mới này có hiệu quả, Mỹ cần sự hợp tác của các đồng minh, nhất là các nước trong khu vực và không thể thiếu vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, khó khăn với Oa-sinhtơn lúc này là không thể thuyết phục Anca-ra tham gia "canh bạc mạo hiểm", bởi nếu không cẩn thận có thể thổi bùng "lửa ly khai" đang âm ỉ trong cộng đồng người Cuốc.
HÀ ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét