(PetroTimes) - Eo biển Malacca là khu giao thương hàng hải phát triển sớm và đông đúc nhất trên thế giới hiện nay, nối Ấn Độ Dương với Biển Đông và Thái Bình Dương. Hoạt động cướp biển ở khu vực này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng trở nên phức tạp hơn từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới, các hoạt động giao lưu, buôn bán, du lịch… trên biển ngày càng phát triển. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ an ninh trật tự trên biển.
Đáng chú ý là các loại tội phạm như mua bán người, mua bán trái phép vũ khí, ma túy, hoạt động cướp biển có vũ trang xảy ra ở vùng biển quốc tế ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Khu vực thường xảy ra các vụ cướp biển, tấn công tàu có vũ trang chủ yếu thuộc hải phận của các nước Bangladesh, Singapore, eo biển Malacca và khu vực Biển Đông, trong đó có khu vực lãnh hải của Indonesia và Việt Nam. Khu vực biển thuộc các nước Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế đánh giá là khu vực nguy hiểm cho tàu thuyền đi qua.
Đặc biệt hơn, vài năm gần đây khu vực “tam giác Hải Nam” gồm Hồng Kông; đảo Luzon, Philippines; đảo Hải Nam, Trung Quốc đã trở thành địa bàn hoành hành của bọn hải tặc. Đa số chỉ là những vụ cướp tài sản trên tàu hoặc của thuyền viên khi tàu đang neo đậu gần bờ, đi qua các vùng là ranh giới của các quốc gia, khống chế thuyền viên và thường các vụ việc xảy ra không gây tổn thất về người. Đặc biệt, tại khu vực eo biển Malacca xảy ra nhiều vụ cướp tàu và một vụ bắt cóc con tin trên tàu để đòi tiền chuộc (tất cả các tàu và nạn nhân đều được giải cứu an toàn).
Hầu hết các vụ tấn công tàu ở khu vực đều xảy ra vào ban đêm, khi tàu chuẩn bị ra khơi hoặc đang neo đậu ở cảng để nghỉ ngơi, tiếp thêm lương thực, nhu yếu phẩm. Ở Indonesia, các đối tượng cướp biển sử dụng súng ngắn, dao và dao rựa để khống chế cướp tài sản có giá trị trên tàu và tài sản cá nhân của thuyền viên, gần đây chúng liều lĩnh cướp các tàu chở hàng lớn, phá hủy máy móc, phương tiện trên tàu, khống chế thuyền viên để cướp hàng hóa.
Tàu Zafirah trọng tải 1.185,56 tấn trên Biển Đông.
Hoạt động cướp biển cũng xảy ra nhiều tại các khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia, Thái Lan (thuộc tỉnh Kiên Giang, An Giang…). Các đối tượng cướp biển hầu hết mang quốc tịch nước ngoài như Campuchia, Thái Lan, Indonesia… Thủ đoạn của chúng là lợi dụng đêm tối và sự mất cảnh giác của các thuyền viên sử dụng vũ khí và đột nhập khống chế thủy thủ cướp tiền bạc thậm chí cả tàu… Vụ cướp tàu Zafirah là một ví dụ điển hình.
Hồi 18 giờ 19 phút ngày19/11/2012, Trung tâm chia sẻ thông tin (Vietnam Focal Point) - Cục Cảnh sát biển Việt Nam nhận được thông báo từ Trung tâm thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpua - Malaysia về việc tàu Zafirah treo cờ Malaysia, do ông Sann Winnaung, quốc tịch Myanmar là thuyền trưởng tàu Zafirah chở hóa chất bị mất tích, có khả năng bị cướp biển tấn công. Vị trí cuối cùng tàu liên lạc với chủ tàu là tọa độ 09 độ 21’58’’N - 109 độ 26’49’’E (thuộc vùng biển Indonesia).
Hồi 7 giờ ngày 21/11/2012, hai tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá cách mũi Vũng Tàu khoảng 100 hải lý về hướng Đông - Đông Nam phát hiện và cứu vớt được 9 người nước ngoài đang trôi dạt trên biển. Sau khi được cứu vớt, đến 23 giờ 30 cùng ngày, số người trên đã được bàn giao cho tàu SAR-413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3.
Đến 9 giờ ngày 22/11/2012, Trung tâm trên đã bàn giao số người bị nạn cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Những người bị nạn cho biết họ đều là thuyền viên tàu Zafirah - Malaysia, trọng tải 1.185,56 tấn, chủ tàu là Công ty EAMARINE SERVICE SDN BHD (Malaysia)...
(Còn tiếp)
Hòa Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét