Ngày 18/9 tới, các cử tri Scotland từ 16 tuổi trở lên sẽ đi bỏ phiếu cho câu hỏi: "Liệu Scotland có nên là một quốc gia độc lập"?
Người Scotland được biết đến trên thế giới vì đã phát minh ra điện thoại, tivi và thuốc kháng sinh penicillin. Họ cũng xây dựng tàu thuyền, những cây cầu và đầu máy xe lửa cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong những ngày này, thế giới biết đến Scotland nhiều hơn nhờ cuộc bỏ phiếu sắp diễn ra. Người dân Scotland cho rằng sẽ là đúng đắn khi Scotland hoàn toàn tách khỏi Anh và chấm dứt mối lương duyên đã kéo dài hơn 3 thế kỷ với Anh và xứ Wales để thành lập quốc gia trẻ tuổi nhất ở châu Âu. Ngày 18/9 tới, các cử tri Scotland từ 16 tuổi trở lên sẽ đi bỏ phiếu cho câu hỏi: "Liệu Scotland có nên là một quốc gia độc lập"?
Cuộc bỏ phiếu này khởi nguồn từ chiến thắng đầy bất ngờ của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) trong cuộc bầu cử năm 2011 trong bối cảnh các chính sách thắt lưng buộc bụng của Anh gây ra những hệ quả tiêu cực. Alex Salmond - lãnh đạo của đảng SNP – cho rằng Scotland nên đi theo mô hình giống như các quốc gia châu Âu nhỏ hơn như Na Uy và tự kiểm soát nền tài chính.
Các chính trị gia Scotland đang vẽ ra viễn cảnh của một nước Scotland độc lập. Quốc gia này sẽ có số dân 5,3 triệu người – chưa bằng 1/10 so với tổng số dân của nước Anh hiện nay. Kinh tế của Scotland chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Bắc.
Quốc hội Scotland đã được khôi phục từ năm 1999. Chính phủ Anh từ bỏ quyền kiểm soát các lĩnh vực giáo dục, y tế và giao thông. Giờ đây các nhà làm luật Scotland muốn tự chịu trách nhiệm về tất cả các chính sách của Scotland, từ chế độ lương hưu cho tới cấp hộ chiếu. Họ cũng muốn dỡ bỏ các vũ khí hạt nhân của Anh.
Nhiều người nổi tiếng, từ Mick Jagger cho tới J.K. Rowling, đều đang hối thúc Scotland ở lại Vương quốc Anh trong khi ngôi sao điện ảnh Sean Connery cho rằng bỏ phiếu là một cơ hội không nên bỏ lỡ.
Cuộc bỏ phiếu ở Scotland cũng sẽ có tác động lớn đến các phong trào ly khai ở một số nơi khác, đặc biệt là kế hoạch bỏ phiếu rời Tây Ban Nha của Catalonia vào tháng 11 tới.
Scotland sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập lần thứ 51 trên toàn thế giới kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc trưng cầu đầu tiên là việc Iceland rời khỏi Đan Mạch và mới nhất là của Nam Sudan. Trong số 50 cuộc chưng cầu đã diễn ra, có 27 lần một quốc gia mới được thành lập.
Các phong trào độc lập thường mang xoay quanh yếu tố dân tộc thiểu số hoặc ngôn ngữ, nhưng cũng có nhiều trường hợp xoay quanh yếu tố kinh tế. Vương quốc Anh được hình thành bởi đạo luật Liên minh vào năm 1707, khi Scotland đối mặt với các căng thẳng tài chính sau một dự án thất bại ở Panama. Đạo luật này quy định mọi yếu tố, từ tiền tệ đến các hàng rào thuế quan.
Mặc dù đã có nhiều năm gắn bó hòa hợp, giữa hai nước vẫn còn nhiều điểm khác biệt. Scotland có một hệ thống luật pháp riêng. Mặc dù hai nước chỉ dùng một đồng tiền là bảng Anh, các ngân hàng Scotland cũng phát hành đồng bảng của riêng họ. Scotland có giải bóng đá riêng và cũng có kênh truyền hình riêng.
Chiến dịch “Better Together” cho rằng Scotland vẫn nên là một phần của nước Anh bởi điều này giúp tiếng nói của Scotland có trọng lượng hơn trên thế giới đồng thời chống đỡ tốt hơn với các cú sốc tài chính. Cả ngân hàng Royal Bank of Scotland và Lloyds Banking Group – đều đã được chính phủ giải cứu năm 2008 – đều tuyên bố họ sẽ chuyển trụ sở tới Anh nếu như Scotland tách khỏi Anh. Nếu độc lập, Scotland cũng phải nộp đơn gia nhập EU. Tại sao phải thay đổi mọi thứ khi nền kinh tế Anh đang tăng trưởng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm xuống?
Kết quả thăm dò cho thấy những người ủng hộ độc lập cần phải giành được câu trả lời “có” từ các vùng nghèo đói hơn cũng như từ phụ nữ và những người lớn tuổi.
Thu Hương
Theo Infonet/Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét