"Chuột" Baranbadi |
Bassam Barabandi là một nhà ngoại giao ở Sứ quán Syria tại Washington (Mỹ) và là một người ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng ông đã chuyển sang ghét chế độ Syria, nên “ẩn mình” làm “chuột chũi” trong Sứ quán để cấp hộ chiếu cho những người chống chế độ trốn ra nước ngoài...
Từ một cuộc gặp tình cờ
Hai năm trước, sau một bữa tối cầu kinh nhân tháng ăn chay Ramadan của đạo Hồi, Barabandi vừa rời khỏi giáo đường thì gặp Mohammed Alaa Ghanem, một người chống chế độ Syria. Vì biết sơ Ghanem, ông cho đi nhờ xe.
Cuộc nói chuyện tình cờ đã làm Baranbadi đổi đời, cũng đổi cả số phận nhiều người Syria muốn lật đổ Tổng thống Assad.
Trên chiếc xe Audi 2000 cũ mèn, Ghanem nói: “Tôi cần nhờ ông chút việc. Có những nhà hoạt động và họ cần hộ chiếu”.
Ghanem rất quan tâm việc giúp một số luật sư rời khỏi bắc Syria và đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ có thể soạn luật cho các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria.
Barabandi suy nghĩ giây lát rồi đồng ý giúp. Cuộc nội chiến Syria buộc người ta phải chọn phe và phải chuẩn bị phục vụ cho phe này. Barabandi đã chọn làm “kẻ ẩn mình” cho phe nổi dậy ôn hòa chống Assad.
Ngày 17.9, Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất cấp 500 triệu USD để huấn luyện và cung cấp vũ khí cho cánh ôn hòa này.
Nhưng trước đó, thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, phe này chật vật đấu với quân chính phủ Assad và quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Trong hơn một năm, “chuột” Barabandi cấp hộ chiếu cho gần 100 nhà hoạt động trốn khỏi Syria và chống chế độ Assad, theo cuộc phỏng vấn ông cùng khoảng chục thủ lĩnh đối lập.
Barabandi giấu kín chuyện mình làm với cả gia đình ông. Các cộng sự thì dùng tin nhắn mã hóa để thu xếp điểm hẹn gặp. Các phong bì không dấu được trao tại các góc phố, hoặc tuồn qua cửa xe.
Barabandi không thể biết chắc nên tin tưởng ai của phe đối lập. Ngay cả những người nhận hộ chiếu cũng không được cho biết họ có chúng bằng cách nào.
Các nhân vật chống chế độ Assad ở Mỹ và châu Âu cho biết ông còn cấp hộ chiếu cho những dân thường Syria bị chế độ Assad đưa vào “danh sách đen”, theo các cuộc phỏng vấn và tài liệu của chính phủ Syria.
Ông còn tuồn thông tin mật về chế độ cho phe đối lập Syria và các nghị sĩ Mỹ, giúp xác định những mục tiêu mà sau này bị Mỹ cấm vận.
"Bước ngoặt của cuộc đời"
Barabandi, 44 tuổi, lớn lên ở Damascus, thuộc một gia đình trung lưu theo đạo Hồi dòng Sunni. Ông nội và một người cậu từng là nghị sĩ quốc hội Syria. Vài năm gần đây, nhiều bà con của ông ủng hộ chế độ Assad, trong khi những người khác chống và đã trốn hoặc bị bỏ tù.
Sau khi học đại học Mỹ ở Beirut (Lebanon) Barabandi nghe lời cha mẹ, tìm và kiếm được việc làm trong ngành ngoại giao Syria. Ông được cử đến sứ quán ở Mỹ năm 2008 vài tháng trước khi ông Barack Obama trúng cử Tổng thống Mỹ.
Ở Washington, Baranbadi làm quen với một số nghị sĩ và các tổ chức nghiên cứu của Mỹ.
Khi “Mùa xuân Ả rập” năm 2011 lan đến Syria, Baranbadi cho rằng chính phủ Syria sẽ đối thoại với phe phản đối.
Nhưng khi xem ông Assad đọc diễn văn trên truyền hình, ông thấy vị tổng thống không nói đến sự nhượng bộ, mô tả những người nổi dậy là khủng bố: “Chúng tôi hiểu là không thể hy vọng gì nữa. Đó là một thông điệp đẫm máu”.
Cuộc đàn áp người phản đối của chế độ Assad đã làm bùng nổ nội chiến ở Syria, khiến nhân viên sứ quán bị phân hóa. Ông Assad có sự ủng hộ của những người theo đạo Thiên Chúa và đạo Alawites mà ông theo. Baranbadi và tín đồ dòng Sunni thì thất vọng.
Rồi cuộc phản đối diễn ra bên ngoài sứ quán. Baranbadi được giao nhiệm vụ nói chuyện với người phản đối chế độ Assad. Ông nói đó là một công việc đáng sợ, vì biết họ sẽ gán ông với chế độ.
Mouaz Moustafa, thủ lĩnh Đặc nhiệm khẩn cấp Syria chống chế độ Assad, và bác sĩ Basel Saiedy từng lớn lên cùng Barabandi ở Syria, nhớ lại rằng Baranbadi phân vân không biết nên tiếp tục làm việc hay là bỏ trốn.
Một ngày nọ tháng 5.2011, hàng trăm người phản đối “vây” sứ quán. Đại sứ Imad Mustafa bảo Barabandi mời một vài người vào nói chuyện. Ông tìm những cách tế nhị để báo họ biết ông không hủng hộ việc đàn áp người chống đối của chế độ Assad.
Talal Sunbulli, chủ tịch Hội đồng Syria kiều tại Mỹ (một nhóm chống chế độ) kể: “Đôi mắt ông ấy ráng thông báo với chúng tôi “Này các cậu, chúng tớ không phải ai cũng cùng tư tưởng”.
Đại sứ Mustafa nỗ lực biện hộ cho tổng thống Assad, cuộc đối thoại thành cuộc cãi nhau. Ông Mustafa yêu cầu người dự họp nói tên. Một số người ngại ngần.
Bác sĩ Abdelmajid Jondy phàn nàn gia đình ông ở Syria bị ngược đãi và chỉ trích ông Assad. Ông cung cấp thông tin chi tiết về gia đình ở vùng Deraa (nam Syria). Trên đường ra về, ông nói với Baranbadi: “Tôi xấu hổ vì làm việc cho chế độ này”.
Đại sứ gởi các thông tin về Damacus, theo Baranbadi. Vài tuần sau, em trai của bác sĩ Jondy bị an ninh bắn chết, theo ông kể. Bác sĩ Jondy nói đó là cách trừng phạt việc ông chống chế độ.
Chính phủ Syria từ chối bình luận thông tin này, khi được báo Wall Street Journal liên hệ.
Baranbadi nói: “Đó là bước ngoặt thật sự của đời tôi”. Ông quyết định tích cực giúp phe chống chế độ nhiều hơn.
Vấn đề là giúp thế nào, khi ông sợ người thân ở Damascus cũng bị xử phạt nếu ông “đào ngũ”. Ông quyết định tiếp tục làm việc ở sứ quán để giúp họ rời khỏi SyriA...
(còn tiếp).
Trần Trí (theo Wall Street Journal)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét