Tổn thất lớn nhất cho sức mạnh quân sự Anh, về mặt cơ sở hạ tầng, có lẽ nằm ở việc mất quân cảng liên hợp Clyde.
Ngày 18/9 tới đây, người dân Scotland sẽ tham gia một cuộc trưng cầu dân ý về việc có tách khỏi Vương quốc Anh và tuyên bố độc lập hay không. Cho đến nay, theo các kết quả khảo sát, tỷ lệ người ủng hộ và chống lại việc tách khỏi Anh là khá ngang bằng. Nếu Scotland thật sự trở thành một quốc gia độc lập, nó sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh quân sự của Anh.
Theo luật pháp và thông lệ quốc tế, trong trường hợp nhà nước kế tục, các cơ sở hạ tầng, tài sản cố định nằm trong lãnh thổ của quốc gia mới sẽ đương nhiên thuộc về quốc gia đó, còn các tài sản, trang thiết bị khác sẽ được phân chia theo tỷ lệ tương ứng. Cụ thể đối với lĩnh vực quốc phòng thì các căn cứ quân sự hiện nay của Anh nằm tại Scotland sẽ thuộc về quốc gia này nếu họ tuyên bố độc lập.
Tổn thất lớn nhất cho sức mạnh quân sự Anh, về mặt cơ sở hạ tầng, có lẽ nằm ở việc mất quân cảng liên hợp Clyde. Đây là 1 trong 3 quân cảng chính của Hải quân Hoàng gia Anh. Nhưng quan trọng hơn, đây còn là cảng nhà của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Anh, bao gồm các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược lớp Vanguard và các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Astute. Ngoài ra, đây còn là nơi cất giữ các đầu đạn hạt nhân của tên lửa chiến lược Trident, loại được trang bị cho các tàu ngầm lớp Vanguard.
Quân cảng Clyde
HMS Vengeance, một tàu ngầm lớp Vanguard, neo đậu tại Clyde
Trong trường hợp Scotland tuyên bố độc lập, Anh tất nhiên vẫn sẽ giữ các tàu ngầm và vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên việc chúng còn tiếp tục được triển khai tại Clyde hay không, và trong bao lâu, vẫn còn để ngỏ. Đảng SNP, chính đảng ủng hộ nền độc lập của Scotland, xem chính sách phi hạt nhân hóa là một phần quan trọng trong cương lĩnh hoạt động của mình và bản thân nước Anh chắc chắn cũng không muốn triển khai lực lượng răn đe hạt nhân chính của mình trên lãnh thổ nước khác. Nhưng việc xây dựng một quân cảng mới thay thế cho Clyde sẽ mất khá nhiều thời gian và chi phí.
Một cuộc biểu tình của những người chống vũ khí hạt nhân bên ngoài Clyde
Ngoài ra, trên lãnh thổ Scotland cũng còn có nhiều căn cứ quân sự quan trọng khác hiện đang được quân đội Anh sử dụng như Trung tâm huấn luyện Cape Wrath, rộng 60 km2, nằm ở điểm cực tây bắc của Scotland. Đây là địa điểm được dùng cho Joint Warrior, cuộc tập trận lớn nhất Châu Âu do NATO thực hiện.
Điều phối viên không lực thực hiện bài tập chỉ điểm mục tiêu cho Typhoon tại Cape Wrath
Không quân Anh cũng sẽ mất Lossiemouth, một trong những sân bay quân sự lớn nhất của nước này hiện nay. Đây là căn cứ chính của lực lượng máy bay cường kích Tornado GR4. Không quân Anh cũng triển khai đơn vị phản ứng nhanh phụ trách khu vực phía Bắc, được trang bị chiến đấu cơ Eurofighter, tại Lossiemouth. Một trong những nhiệm vụ chính của đơn vị này là ngăn chặn những vụ xâm nhập của máy bay Nga.
Tornda hạ cánh xuống Lossiemouth
Ngoài ra, không quân Anh hiện có một trạm radar phòng không tầm xa đặt trên hòn đảo Benbecula ngoài khơi phía tây Scotland. Với tầm hoạt động từ 360 đến 460km, nó được dùng để giám sát vùng trời bên trên Bắc Đại Tây Dương và là một phần của hệ thống giám sát và kiểm soát trên không của Anh.
Trạm radar tại Benbecula
Nếu như phương án giải quyết đối với các cơ sở quân sự tương đối đơn giản, thì đối với các phương tiện, trang thiết bị, và các đơn vị quân sự thì có thể phải tùy thuộc vào quá trình đàm phán, thống nhất giữa Anh và Scotland.
Theo yêu sách mà đảng SNP đưa ra, sau khi độc lập, Scotland sẽ sở hữu khoảng 10% lực lượng hiện có của quân đội Anh. Cụ thể là từ 12 đến 16 trong số 120 chiếc Eurofighter Typhoon của không quân, 3 trong số 36 trung đoàn thường trực của lục quân, và 10% số tàu chiến mặt biển của hải quân.
Con số này tuy có vẻ không đáng kể, nhưng trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị thắt chặt, và căng thẳng lên cao giữa Nga và phương Tây thì chúng vẫn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng.
Eurofighter Typhoon hiện là chiến đấu cơ chủ lực của không quân Anh
theo Đại Lộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét