Làn sóng trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây đang giáng những cú đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế Nga. Các công ty năng lượng nhà nước bị mất lợi nhuận, trong khi đồng Rúp của Nga bị rớt xuống mức thấp mới trong tuần qua.
Nhưng những biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng là con dao 2 lưỡi khiến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu phải lao đao, đó là chưa kể đến các biện pháp phản đòn của Nga.
Giới phân tích tại Nga lo ngại đồng Rúp mất giá sẽ đẩy giá nhiên liệu trong nước tăng cao. Một số ý kiến khác cho rằng, những người tiêu dùng Nga ít sử dụng hàng hóa nhập khẩu nên sẽ chưa bị tác động bởi làn sóng trừng phạt từ phương Tây có hiệu lực từ ngày 12/9 vừa qua.
Trong gói trừng phạt mới, Liên minh châu Âu đã nâng tổng số đối tượng bị trừng phạt lên 119 người, trong đó có các thành viên chính quyền Crimea, các nhà hoạch định chính sách và giới tài phiệt Nga.
Phối hợp với các đồng minh phương Tây trong hành động lần này, Mỹ tuyên bố tăng cường biện pháp trừng phạt Nga nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng, nhằm cô lập hơn nữa Nga cả về kinh tế lẫn chính trị.
Nhà phân tích chính trị Maria Lipman, tại Trung tâm nghiên cứu Moscow Carnegie Center cảnh báo những thiệt hại của làn sóng trừng phạt mới này.
Bà Lipman cho biết: “Các lệnh trừng phạt tác động tới các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng. Trừng phạt cũng đang bắt đầu ảnh hưởng tới các cá nhân, tới người dân Nga dù ít hay nhiều”.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết đã chuẩn bị để đối phó nhanh chóng nếu lạm phát gia tăng, song giới chuyên gia cảnh báo những thất thoát lợi nhuận kinh tế còn tiếp diễn khi Nga phải hứng chịu lệnh trừng phạt.
Trong đó, thiệt hại nặng nhất là tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom, khi mới đây tập đoàn này tuyên bố giảm lợi nhuận đến 41% vì trừng phạt của phương Tây.
Theo giới phân tích, Nga không chỉ đối mặt với vấn đề giá năng lượng tăng cao mà ngay cả tỷ giá đồng rúp cũng sẽ có khả năng tiếp tục giảm. Tuy nhiên, những tác động này không chỉ giới doanh nghiệp Nga phải hứng chịu, mà các tập đoàn phương Tây cũng sẽ gặp phiền phức khi hoạt động tại Nga.
Bà Lipman nói: “Những tập đoàn hàng đầu thế giới như Exxon hay BP cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này. Mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí của Nga, vốn mang về nguồn lợi khổng lồ cho các tập đoàn này đang bị cản trở vì trừng phạt”.
Đáp trả, Nga đã tuyên bố sẽ nhanh chóng có các biện pháp đối phó lệnh trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây. Với Mỹ, Nga cho rằng đây là một “bước đi thù địch nữa”, song vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác giữa hai nước, trong đó có vấn đề giải quyết khủng hoảng tại Ukraine.
Nga cũng cảnh báo việc tăng cường trừng phạt Nga đồng nghĩa với việc Mỹ phớt lờ quyền lợi của giới doanh nghiệp và cả nền an ninh quốc gia của mình.
Nhiều chuyên gia Nga đề xuất Tổng thống Putin nên đáp trả trừng phạt bằng việc ngừng xuất khẩu năng lượng tới châu Âu, hay đóng không phận với các hãng hàng không châu Âu.
Đây là những quân bài chiến lược của Nga, vốn sẽ khiến các nước châu Âu lao đao vì khủng hoảng năng lượng khi mùa Đông tới. Nhiều hãng hàng không châu Âu vẫn còn chật vật khó khăn vì suy thoái kinh tế có thể bị phá sản.
Các nhà phân tích cho biết, các đòn "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và phương Tây sẽ dẫn đến kết cục bất ổn khôn lường. Các biện pháp trừng phạt sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga mà là cả thế giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét