Ngày 15/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đệ trình Quốc hội nước này dự luật trao quy chế tự quản đặc biệt trong vòng ba năm cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk.
Dự luật này mở đường cho một tiến trình phân cấp chính quyền trên cả nước. Dự luật đưa ra ba quy định chính cho hai tỉnh trên bao gồm: ân xá cho những người tham gia các sự kiện tại hai tỉnh, được sử dụng tiếng Nga trong các cơ quan chính quyền, tổ chức bầu lãnh đạo các cơ quan chính quyền địa phương, dự kiến vào ngày 9/11.
Tình hình ở miền Đông Ukraine theo ghi nhận của chúng tôi trong mấy ngày vừa qua vẫn căng thẳng. Mặc dù đã có một lệnh ngừng bắn giữa quân Chính phủ và lực lượng nổi dậy được ký vào ngày 5/9, nhưng trên thực tế thì cả 2 bên sau đó vẫn cáo buộc nhau phá vỡ lệnh này. Chính bởi vậy, việc quy chế đặc biệt cho khu vực Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass vừa được Quốc hội Ukraine thông qua được xem là một nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhằm hòa giải dân tộc thông qua sự nhân nhượng của chính quyền Trung ương.
Bằng cách này, Chính quyền Ukraine trao cho lực lượng nổi dậy quyền tự điều hành khu vực họ đã chiếm, cho phép tăng cường quan hệ với Nga nhưng không cho phép các vùng này độc lập, mà vẫn phải thuộc lãnh thổ Ukraine. Những đề xuất này khiến Tổng thống Poroshenko phải va chạm với các chính khách Kiev và các nhà hoạt động thân phương Tây, những người nhận xét ông đã nhượng bộ lực lượng ly khai quá nhiều.
Trong khi đó, chính quyền của CHND Donetsk tự xưng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Một số không mấy hào hứng với đề xuất về quy chế đặc biệt của Tổng thống Poroshenko, vì cho rằng không thực tế. Phó Thủ tướng CHND Donetsk tự xưng tuyên bố trên hãng tin RiaNovosti rằng: Đó là dự luật của Ukraine. CHND Donetsk có Quốc hội và có luật pháp riêng của mình. Trong khi đó, những người còn lại cho rằng đề xuất này có thể xem là một bước đi góp phần làm bình ổn tình hình lúc này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm rõ hơn trong dự thảo luật này trước khi đi vào thực tế.
Trong chiều 16/9, các nghị sĩ Quốc hội của Ukraine đã xem xét và phê chuẩn Hiệp ước liên kết chính trị với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là một phần của Hiệp định hợp tác Ukraine - EU.Hiệp định Hợp tác Ukraine – EU là thỏa thuận bao hàm các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị giữa hai bên. Các điều khoản chính trị của Hiệp định Hợp tác Ukraine - EU đã được ký kết từ hồi tháng 3, sau khi cựu Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và một chính phủ lâm thời được dựng lên ở Kiev. Tổng thống Ukraine Poroshenko sau đó đã ký phần kinh tế của hiệp định nói trên hồi tháng 6.
Tuy nhiên, Ukraine và EU chưa thể “ăn mừng” cái gọi là “giây phút lịch sử” nói trên khi hai bên quyết định nhượng bộ trước sức ép quyết liệt và mạnh mẽ của Nga bằng việc hoãn thực hiện một thỏa thuận thương mại tự do cho đến năm 2016. Trong khi một số thành phần cứng rắn ở Kiev phản đối quyết định nhượng bộ của Tổng thống Poroshenko và EU trước Nga, thì hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí cho rằng, đó là một bước đi cần thiết.
Bởi Nga đã tuyên bố sẽ tôn trọng mọi thỏa thuận với EU và Kiev nhưng sẽ áp dụng “các biện pháp bảo hộ” nếu thỏa thuận thương mại tự do Ukraine - EU có hiệu lực sớm. Điều quan trọng hơn là Ukraine sẽ chưa thể được hưởng lợi ích từ thương mại tự do với châu Âu trong vòng một thập kỷ bởi thỏa thuận được ký kết đã để một khoảng thời gian tối đa 10 năm cho “giai đoạn chuyển tiếp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét