Trong khủng hoảng tại Ukraine, phản ứng đáng chú ý nhất của NATO là những tuyên bố mạnh mẽ còn hành động thì hời hợt. Các động thái tích cực nhất mà NATO làm được cũng chỉ là những cuộc tập trận quy mô nhỏ vì họ không có ngân sách.
Mỹ muốn châu Âu thể hiện vai trò nhiều hơn ở NATO |
Ngoài ra, thái độ của Mỹ, đầu tàu của NATO cũng không hơn gì. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng chỉ tuyên bố chứ chưa có hành động nào cứng rắn. Tờ New York Times cho rằng Mỹ cũng chán ngấy với cơ chế hoạt động của NATO lúc này. Người Mỹ cảm thấy mệt mỏi khi họ phải cáng đáng trách nhiệm nhiều nhất ở NATO trong khi các thành viên khác đều coi đó như là "cha chung không ai khóc".
Hiện Mỹ là nước đóng góp lớn nhất vào ngân sách NATO là khoảng 22%, trong khi tổng chi tiêu quốc phòng của Mỹ hiện giờ bằng 73% tổng chi tiêu quân sự của tất cả các thành viên trong liên minh gộp lại, tăng 5% so với năm 2007.
Điều này phản ánh chuyện gì? Các nước châu Âu đang cắt giảm chi tiêu quân sự và dồn gánh nặng tài chính lên vai Mỹ trong việc duy trì hoạt động của NATO, ngay cả khi Mỹ đã cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng (mặc dù họ vẫn dành 3,6% GDP cho quân đội).
Xu hướng này đã khiến người Mỹ phải xem xét lại mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương. Như ông Robert M. Gates khi sang châu Âu hồi năm 2011, chuyến đi cuối cùng với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của ông, đã nói thẳng:
"Thực tế phải nói thẳng rằng sẽ có chán nản và mất kiên nhẫn trong Quốc hội Hoa Kỳ khi các quốc gia khác dường như không sẵn sàng dành nguồn lực cần thiết hoặc thực hiện những thay đổi cần thiết để trở thành đối tác nghiêm túc (trong NATO)"
Ông Gates đã thể hiện sự bất mãn của Mỹ khi các thành viên khác của NATO xem nhẹ việc duy trì ngân sách quân sự và ỷ lại vào Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ dù chi ngân sách quân sự khổng lồ nhưng có quá nhiều việc phải làm trên thế giới. Họ cảm thấy mệt mỏi khi phải can thiệp quân sự vào Afganishtan rồi Iraq.
Chính vì vậy, Mỹ không đóng vai trò lá cờ đầu trong cuộc can thiệp quân sự vào Lybia và tỏ ý trễ nải với tình hình Trung Đông hiện nay.
Giờ Mỹ đang "sòng phẳng" hơn chuyện tiền nong với các nước trong khối NATO. Mỹ đang tính sửa đổi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cho phép Mỹ không còn bị ràng buộc để giương ô an ninh với bất kỳ quốc gia thành viên nào trong hiệp ước dành ít hơn 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Cũng phải nhớ thêm rằng hầu hết các thành viên NATO đều được khuyến khích mua vũ khí từ Mỹ để đúng "chuẩn" và "đồng bộ".
Trước đó, vào năm 2002, các thành viên NATO đạt được thỏa thuận dành 2% tổng sản phẩm quốc nội cho ngân sách quốc phòng, nhưng trong các cường quốc ở NATO chỉ có mỗi Anh là làm đúng cam kết. Và các nghiên cứu mới đây báo cáo rằng, với xu hướng hiện giờ thì Anh cũng có thể giảm xuống dưới ngưỡng 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2017.
Việc giảm chi tiêu quân sự là một trào lưu phổ biến trên khắp châu Âu. 5 năm trước, theo số liệu của NATO, ngân sách quân sự của Pháp lên tới 2,4% GDP của nước này nhưng năm qua, nó tụt xuống 1,9% và pháp lệnh ngân sách của Pháp sẽ khiến ngân sách quốc phòng nước này không được tăng trước năm 2019.
Đối với Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, họ chỉ dành 1,3% GDP về quốc phòng.
Gần đây nhất là vào những năm 1990, các quốc gia châu Âu của NATO chi trung bình khoảng 2,3% GDP cho quốc phòng. Còn giờ, hầu hết đều tụt xuống 1,5%. Cho đến nay, trừ các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan (vốn GDP thấp so với các nước khác trong khối), thậm chí không ai còn nói về mục tiêu 2% quốc phòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét