PetroTimes) - Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, nhằm gây sức ép với Nga, các nước phương Tây đe dọa trừng phạt Moskva về kinh tế. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu phương Tây và Nga cùng đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau, thì cả hai bên sẽ bị tổn hại, chưa biết “Ai thắng ai”.
Nga và phương Tây đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến kinh tế do bất đồng về khủng hoảng ở Ukraine
Cả hai đều “sứt đầu mẻ trán”
“Sẽ không có người nào thắng mà chỉ có kẻ thua” nếu Nga và phương Tây cùng đưa ra các biện pháp trả đũa kinh tế, hãng AFP dẫn lời ông Arnaud Dubien, Chủ tịch Đài quan sát Pháp - Nga, một tổ chức nghiên cứu độc lập trực thuộc Phòng Thương mại Pháp - Nga.
Hôm 8/3, Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Nga (AEB) đã ra thông cáo kêu gọi các bên tiến hành một “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” do quan hệ kinh tế song phương phụ thuộc nhau rất lớn.
Trong khi đó, chuyên gia Christian Schulz, thuộc ngân hàng Đức Berenberg cho rằng, các trừng phạt kinh tế sẽ gây “một chút rắc rối” cho châu Âu, trong khi Nga sẽ tự gây bất lợi cho chính mình, trong bối cảnh tăng trưởng của nước này rất thấp, chỉ là 1,3% trong năm 2013 và các nguồn vốn tư nhân giảm mạnh (khoảng 17 tỷ USD, chỉ tính từ đầu năm đến nay).
Viện nghiên cứu Oxford Economics đã tính toán các hậu quả trong giả định xung đột leo thang tại Ukraine, Nga đưa thêm quân vào nước này, dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu qua hệ thống đường ống dẫn khí đặt trên lãnh thổ Ukraine, còn phương Tây thì áp dụng một vài biện pháp trả đũa về tài chính nhắm vào Moskva.
Theo kết luận của viện nghiên cứu này, giá khí đốt trên thị trường châu Âu sẽ tăng khoảng 15%, dầu mỏ tăng 10% và từ nay đến 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước trong khu vực đồng Euro giảm 1,5% so với kịch bản không có leo thang xung đột quân sự. Tăng trưởng của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%. Hoa Kỳ và châu Á ít bị tác động hơn.
Nga thiệt hại nhiều hơn?
Tuy nhiên, Viện Oxford Economics cho rằng, “bên bị thua thiệt nhiều nhất sẽ là Nga”: Đồng rúp bị mất giá mạnh, lạm phát tăng cao và GDP của Nga sẽ giảm 2% trong năm 2014 và giảm tiếp 4,5% trong năm 2015. Còn Ukraine thì sẽ bị phá sản.
Hôm 3/3, chỉ trong một ngày, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tung ra 11 tỷ USD để cứu đồng Rúp, tức là gấp 5 lần so với mức can thiệp cao nhất trên thị trường mà định chế này đã từng phải ra tay trong quá khứ.
Trong trường hợp phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại mạnh tay hơn, chặn 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga, theo Oxford Economics, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. GDP của Nga sẽ giảm 10% từ nay đến năm 2015 so với kịch bản không có leo thang xung đột.
Theo ông Christian Schulz, hiện nay Nga cung cấp khoảng 1/3 tổng nhu cầu khí đốt của châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu đang phục hồi kinh tế và mùa xuân đang tới, thời tiết ấm dần lên, Nga cần tiền bán nhiên liệu hơn là châu Âu cần khí đốt của Nga.
Mặt khác, quan hệ thương mại châu Âu - Nga rất mất cân đối: Xuất khẩu của châu Âu sang Nga chỉ chiếm 1% GDP của châu Âu trong năm 2012, nhưng xuất khẩu của Nga sang EU lại chiếm tới 15 - 20% GDP của Nga. Trong đó, xuất khẩu hydrocarbon chiếm 74,5%.
Một hậu quả khác là Nga sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm đầu tư ngoại quốc mà nước này đang rất cần để hiện đại hóa và các quốc gia đang trỗi dậy sẽ được hưởng lợi, như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ.
Linh Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét