Nhiều quốc gia Đông Á đang lo ngại nguy cơ khủng bố gia tăng từ sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria.
Các tay súng ISIL ở Iraq - Ảnh: Reuters |
Ngày 12.8, kênh CNA ở Singapore đưa tin cảnh sát Indonesia đang tăng cường ngăn chặn các hoạt động liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi ISIL tung lên mạng đoạn phim chiếu cảnh một tay súng Indonesia kêu gọi những người đồng hương gia nhập lực lượng này.
Nguy cơ đối với Đông Nam Á
Mới đây, giới chức Indonesia và Malaysia cảnh báo rằng nhiều công dân hai nước tham gia ISIL đang lên kế hoạch tấn công ở quê nhà. Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời chuyên gia chống khủng bố Indonesia Noor Huda cho hay ít nhất 56 công dân nước này đã trở thành thành viên ISIL và chiến đấu trong các cuộc xung đột ở Iraq và Syria.
Ông Huda cảnh báo rằng khi trở về nước, những người đó sẽ mang theo kỹ năng tác chiến và đầu mối liên lạc với các phần tử khủng bố. Hồi giữa tháng 7, tờ The Jakarta Globe đưa tin sau khi tham chiến ở Trung Đông, một số người Indonesia trở về nước với mưu đồ lập chi nhánh ISIL ở Jakarta và tỉnh Tây Nusa Tenggara. Ngoài Indonesia và Malaysia, ISIL còn tuyển người ở Philippines để tham gia chiến đấu tại Syria, theo ông Huda.
Quan chức chống khủng bố Malaysia Ayub Khan cũng cho rằng đã có ít nhất 20 người Malaysia đến Syria để sát cánh với ISIL, theo SCMP. Ông Ayub còn nói rằng trong 7 tháng qua, giới chức đã bắt ít nhất 19 người bị nghi có liên quan đến ISIL và họ khai rằng một trong những mục tiêu sẽ bị tấn công là chính quyền. Giáo sư Nor Asizan Bin tại Đại học Quốc gia Malaysia cảnh báo hiện nay có nhiều đàn ông Đông Nam Á tập trung tham chiến ở Trung Đông, nhưng trong tương lai những người này có thể trở lại tấn công các mục tiêu ở châu Á, theo kênh truyền hình Al Jazeera.
Mạng lưới ủng hộ ISIL cũng được cho là ngày càng phát triển mạnh ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Tạp chí The Irrawaddy (Myanmar) dẫn lời Sidney Jones - Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột ở Jakarta và là một chuyên gia về Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á cho rằng có tới hàng trăm người ở 3 nước trên ủng hộ ISIL bằng cách gây quỹ và thề trung thành với lực lượng này. Ngày 9.8, cảnh sát Indonesia đã bắt nghi phạm khủng bố Afif Abdul Majid, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan JAT, theo The Jakarta Post. Afif bị bắt không lâu sau khi cảnh sát Indonesia bắt 2 nghi phạm khủng bố khác có liên quan đến ISIL. Ở miền nam Philippines, các phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc nhóm Abu Sayyaf có liên quan đến mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã giết chết 7 binh sĩ và làm bị thương 13 người trong cuộc tấn công hồi tháng 6, theo AFP.
Hiện chưa có thông tin về mối liên hệ giữa ISIL với các phần tử Hồi giáo cực đoan ở miền nam Thái Lan. Tuy nhiên, những phần tử Hồi giáo cực đoan cũng đang gây đau đầu cho giới chức Thái Lan. Hồi đầu tháng 8, chính quyền tỉnh Yala chỉ đạo các quan chức cảnh giác cao độ sau khi nhận thông tin tình báo tiết lộ các tay súng đã lên kế hoạch tiến hành đợt tấn công lớn.
Đích ngắm Trung Quốc
Indonesia và Philippines là hai nước Đông Nam Á nằm trong số 20 quốc gia và khu vực mà thủ lĩnh ISIL Abu Bakr al-Baghdadi hồi tháng 7 tuyên bố sẽ mở rộng thánh chiến để bảo vệ quyền lợi người Hồi giáo. Đứng đầu danh sách này là Trung Quốc và đứng thứ hai là Ấn Độ. Trong đó, al-Baghdadi chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Khu tự trị Tân Cương. Giới chức Trung Quốc vốn nỗ lực chống “khủng bố” ở Tân Cương trong mấy thập niên qua, với cáo buộc chủ yếu tập trung vào tổ chức có tên gọi Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những cuộc tấn công gần đây cho thấy chiến dịch chống “khủng bố” của Trung Quốc ở Tân Cương không hiệu quả và Tân Hoa xã cũng thừa nhận nạn tấn công “khủng bố” đã vượt ra ngoài Tân Cương.
Hồi cuối tháng 7, Đặc phái viên Trung Quốc tại Trung Đông Ngô Tư Khoa thừa nhận một số tay súng Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương đã đến Trung Đông để được huấn luyện và trong số đó có người đã sang Iraq tham chiến. Ông Ngô cũng bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy của ISIL, theo Reuters. Trước đó một tháng, chuyên gia Israel Jacques Neriah từng cảnh báo với một phái đoàn cấp cao của Bắc Kinh rằng khoảng 1.000 tay súng Hồi giáo cực đoan Trung Quốc đang huấn luyện ở Pakistan và hàng ngàn tay súng Trung Quốc khác đang tham chiến ở Syria, theo tờ The Jerusalem Post.
Theo Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, hiện có khoảng 100 người Úc có thể đang gia nhập phe chống chính phủ tại Syria và Iraq. Vấn đề này hiện là chủ đề thời sự sau vụ một công dân Úc trở thành giáo đồ cực đoan đăng ảnh đứa con trai 7 tuổi cầm thủ cấp bị cắt lìa của một binh sĩ Syria, khiến dư luận Úc dậy sóng.
Theo Reuters, bà Bishop và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã thống nhất sẽ đưa vấn đề công dân các nước tham gia chiến đấu ở Iraq và Syria ra bàn thảo tại phiên họp Đại hội đồng LHQ lần 69 diễn ra tại New York vào ngày 16.9. (H.G)
|
Văn Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét