Từ ngày 17 - 23.6.2013, tại Paris, Pháp, diễn ra Triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget. Đây là triển lãm lâu đời nhất, lớn nhất, nổi tiếng nhất trong số các triển lãm hàng không trên thế giới. Đáng chú ý là chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-35S của Nga lần đầu tiên tham dự sự kiện này.
Triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1909. Từ đó đến nay triển lãm này được tổ chức 2 năm một lần. Trong năm 2013, triển lãm đánh dấu và kỷ niệm lần thứ 50 ngày ra mắt của mình. Các nhà tổ chức hy vọng triển lãm năm nay đạt kỷ lục về số hãng tham gia cũng như các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng không.
Tham dự triển lãm Le Bourget 2013 có hơn 140 loại máy bay, gần 3.000 sản phẩm dịch vụ hàng không của các tập đoàn, các hãng lớn thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Tại triển lãm có đủ loại máy bay, từ máy bay chở khách lớn nhất thế giới đến loại máy bay không người lái nhỏ nhất.
Nga năm nay giới thiệu nhiều loại máy bay tại Le Bourget, nhưng đáng chú ý nhất là chiếc máy bay tiêm kích Su-35S, lần đầu tiên tham dự một triển lãm hàng không tầm cỡ của thế giới. Đáng chú ý hơn nữa, là trong khoảng 20 năm nay, thế giới nghe đến Su-35S khá nhiều, thậm chí nó còn tham gia đấu thầu ở Ấn Độ và Hàn Quốc, nhưng bí mật về nó hầu như được giữ kín. Giờ đây, thông qua nhiều nguồn tin, các tính năng cơ bản của Su-35S đã được hé lộ.
Theo thông báo của Hãng Sukhoi, chiếc tiêm kích Su-35S là sự cải tiến toàn diện của chiếc Su-27SM3. Với tính năng kỹ thuật của mình, nó vượt trội các tiêm kích cùng loại thuộc thế hệ 4 và 4+ như Rafaele, Mirage 2000 của Pháp, F-15 và F-16, F-18 của Mỹ.
Cần nhắc lại rằng, dưới thời Liên Xô, các thành phần nền quốc phòng của nước này, trong đó không lực thường không chú trọng đến vấn đề tiết kiệm, mà chỉ chú trọng đến tính hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ tác chiến. Do vậy mà không lực Liên Xô khi đó có bốn dòng máy bay quân sự phục vụ cho các nhiệm vụ tác chiến chuyên sâu. Loại tấn công có Su-27 và MiG-29. Loại tiêm kích ném bom có Su-17 và MiG-27. Máy bay ném bom mặt trận có Su-24 và loại máy bay đánh chặn Su-25.
Bên cạnh đó loại tiêm kích ném bom có thể hoán đổi chức năng trở thành máy bay tiêm kích tiêu diệt các mục tiêu trên không. Kết cấu hệ thống quốc phòng - không quân như trên không ít lần chứng minh tính hiệu quả tại nhiều cuộc chiến trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Triều Tiên, Trung Đông.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã thay đổi các nguyên tắc đối với không lực của mình. Các nhà thiết kế máy bay phải có nhiệm vụ tạo ra các máy bay chiến đấu đa năng, cùng lúc có thể hoàn thành tốt bốn nhiệm vụ.
Chính vì vậy mà hãng Sukhoi được giao nhiệm vụ thiết kế chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-35S.
Khi bắt đầu thiết kế Su-35S, các nhà thiết kế quyết định bỏ đi cánh mũi và cánh tà hãm tốc độ như truyền thống. Công nghệ hiện đại khi đó cho phép việc vứt bỏ này không làm tổn hại mà trái lại giúp điều khiển máy bay tốt hơn khi không có cánh mũi. Như vậy hình dạng chiếc máy bay thay đổi đáng kể, thời hạn sử dụng nó được lâu hơn, lượng nhiên liệu dự trữ nhiều hơn còn hệ thống thiết bị điện tử trong khoang lái hoàn toàn mới. Chiếc máy bay này dài 22,18 m, sải cánh dài 14,75 m và cao 6,43 m, diện tích cánh là 62,04 m2.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chiếc Su-35S được trang bị hệ thống của loại máy bay thế hệ thứ năm, vượt trội các loại tiêm kích 4+. Radar quét mảng pha điện tử loại Irbis ở phần đầu Su-35S đảm bảo dò tìm, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ở trên không từ khoảng cách 200 km. Hệ thống này cùng lúc có thể phát hiện 30 mục tiêu và phóng 8 tên lửa để tiêu diệt mục tiêu. Trong khi phóng tên lửa, hệ thống radar vẫn tiếp tục dò quét và nó còn có thể phát hiện mục tiêu trên mặt đất.
Khi dò quét mục tiêu, hệ thống radar của Su-35S cũng làm giảm thấp nhất hệ thống dò tìm của đối phương vài lần so với các máy bay thế hệ trước. Điều này có được là nhờ một lớp chống tản nhiệt bên ngoài buồng lái, giảm số lượng các bộ cảm ứng ở bên ngoài và phủ một lớp sơn chống radar trên thân máy bay.
Hệ thống thấu kính - radar điều khiển vũ khí có khả năng phát hiện, tiêu diệt mục tiêu bằng các tia nhiệt từ 90 km. Hệ thống này dành cho phát hiện và tiêu diệt mục tiêu dưới đất bằng các tên lửa tự động điều khiển tia laser.
Buồng lái của Su-35S trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, hệ thống chỉ dẫn phát thanh, hệ thống xác định mục tiêu (ra lệnh ngừng và tiêu diệt mục tiêu), hệ thống thông tin liên lạc link-16... Tựu trung ca bin của chiếc tiêm kích đa năng này được thiết kế theo nguyên tắc làm giảm nhẹ lao động cơ học của phi công bằng các hệ thống tự động có độ tin tưởng và chính xác cao, kể cả hệ thống nhảy dù khẩn cấp.
Su-35S trang bị hai động cơ đảm bảo cho trọng tải 34,5 tấn của máy bay và đạt tốc độ 2.500 km/giờ với trần bay 18 km và bán kính hoạt động là 3.600 km. Hệ thống chỉ huy KSU-35 của chiếc tiêm kích này có bốn kênh truyền dẫn, cùng lúc thực hiện nhiều chức năng, nâng cao khả năng bay, lượn, thực hiện các động tác khó trên không.
Vũ khí của Su-35S bao gồm một khẩu súng 30 mm, 12 điểm treo tên lửa, bom các loại. Chiếc tiêm kích này chở được 8 tấn vũ khí, kể cả vũ khí để tiêu diệt trạm radar của đối phương.
Điều thú vị là một số phương tiện thông tin đại chúng và cả phía Mỹ đều so sánh Su-35S với chiếc F-35. Phía Mỹ vào năm 2008 từng thực hiện một cuộc diễn tập bí mật mang tên Pacific Vision-2008. Lãnh đạo dự án F-35 là ông Charles David tuyên bố, qua cuộc tập trận này F-35 có ưu thế vượt trội so với các loại tiêm kích khác (kể cả Su-35S). Trong khi đó các nhà khoa học Nga tính toán nếu F-35 chiến đấu chống lại Su-35S thì khả năng chiến thắng không vượt quá tỷ lệ 0,21 - 0,28.
Còn vào đầu tháng 2.2012, tại Úc có cuộc họp của Ủy ban Các vấn đề nước ngoài về vũ khí và thương mại (JSCFADT) nhằm đánh giá việc không lực nước này có cần thiết phải mua chiếc tiêm kích F-35 của Mỹ hay không. Tại cuộc họp, đại diện của Hãng phân tích Air Power Australia và Hãng RepSim chuyên về mô phỏng đều cho rằng F-35 là loại tiêm kích không nên mua.
Đại diện RepSim khi đó đưa ra kịch bản mô phỏng “Trận không chiến tại bờ biển của Đài Loan, Trung Quốc vào năm 2018”. Tham dự có 240 chiếc F-35 và 240 chiếc Su-35S. Theo số liệu của RepSim, trong trận không chiến này 240 chiếc Su-35S bị tiêu diệt hoàn toàn, còn lại chỉ 30 chiếc F-35 trong tổng số 240 chiếc.
Một kịch bản mô phỏng khác giữa 240 chiếc F-22 và từng ấy chiếc Su-35S thì có 139 chiếc F-22 bị tiêu diệt, trong khi chỉ có 33 chiếc Su-35S bị hạ gục.
Kết luận về sự vượt trội của F-35 trước Su-35S hay ngược lại vào lúc này là quá sớm. Theo kế hoạch vào năm 2015, không lực Nga sẽ nhận 48 chiếc Su-35S. Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, đó là một tín hiệu tốt lành và tương lai sẽ còn rộng mở với loại tiêm kích đa năng này.
Ngữ Tử Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét