Lời đáp cho tối hậu thư EU
Ngày 28/8/2014, tại cuộc họp của 28 nhà lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ) đã đưa ra tuyên bố về một tối hậu thư cho nước Nga. Theo đó, EU yêu cầu chậm nhất một tuần tới, Nga phải chấm dứt mọi hành động chống đối chính quyền Kiev và hỗ trợ lực lượng ly khai nếu không muốn nhận thêm các lệnh trừng phạt kinh tế.
Song song với tuyên bố của EU, NATO cũng bắt đầu có những động thái đầy hăm dọa khi 7 nước thành viên khối quân sự này thuộc châu Âu là Anh, Đan Mạch, Latvia, Estonia, Litva, Na Uy, Hà Lan đã thành lập một lực lượng phản ứng nhanh đầy thiện chiến với 10.000 quân.
Theo những gì mà đại diện lực lượng này, nước Anh tuyên bố, thì một vạn quân tinh nhuệ này được thành lập để sẵn sàng đối phó với những thách thức từ phía Nga, đặc biệt về sự leo thang trong vấn đề Ukraine. Đồng thời NATO vẫn để ngỏ khả năng đưa Ukraine thành thành viên của mình khi chỉ tuyên bố hôm 30/8 rằng "chưa có kế hoạch" mà không phải là "không có kế hoạch."
Một khi Ukraine trở thành thành viên của NATO thì một vạn quân này sẽ lập tức hiện diện ở quốc gia này để thực hiện một sứ mệnh phòng vệ nghiêm túc nhất.
Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở miền Đông Ukraine |
Tổng thư ký NATO, ông Rasmussen khẳng định sẽ thành lập một loạt căn cứ tại Đông Âu trong thời gian tới theo kế hoạch "bức tường sắt" để ngăn chặn sự phát triển và bành trướng của dã tâm nước Nga.
Đáp lại những đe dọa này, và đặc biệt về tối hậu thư của EU, Tổng thống Putin ngày 31/8/2014 đã đưa ra một tuyên bố đầy ẩn ý: "Khủng hoảng ở Ukraine sẽ không thể sớm kết thúc."
Tiếp đó, ông Putin lý giải cho nhận định của mình: "Ukraine đang trong giai đoạn vận động tranh cử, mọi ứng viên đều tỏ ra cứng rắn và sẽ khó có ai tuyên bố lập trường hòa bình. Từ lâu chính giới Kiev cho rằng lập trường nhân đạo này đồng nghĩa với việc thân Nga. Để giải quyết được vấn đề ở Ukraine, nó không phụ thuộc vào Nga, vào EU hay thế lực nào từ bên ngoài, tất cả phụ thuộc vào ý muốn chính trị của giới lãnh đạo Ukraine hiện nay."
Tiếp đến, bác lại những chỉ trích của EU về việc Nga tiếp tay cho quân ly khai, ông Putin nhận định: "Việc cho phép quân đội bắn vào các thành phố ở Đông Nam, ủng hộ đảo chính, dùng vũ lực chiếm chính quyền, đàn áp những người phản đối... không phải là dân chủ và lực lượng đòi liên bang hóa chỉ tự bảo vệ mình mà thôi."
Các chiến binh của lực lượng ly khai với đầy đủ súng ống đạn dược |
Còn về những đe dọa của NATO, ngày 29/8, tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga đã phát đi thông điệp rằng đã sẵn sàng thực hiện bất cứ hoạt động phức tạp nào, kể cả nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên, trong đó có Ukraine. Rõ ràng Nga đã chuẩn bị cho mình một đối trọng nếu có xung đột với NATO.
Những gì ông Putin tuyên bố, những gì nước Nga chuẩn bị đã cho EU một đáp án, họ sẽ không dừng lại ở vấn đề miền Đông, và để cuộc khủng hoảng này chấm dứt, thay vì hô hào Nga, trừng phạt Nga, hãy tìm kiếm sự hợp tác từ phía Ukraine. Hay nói cách khác, từ chính chính quyền mà phương Tây đã dựng lên.
Lời đáp cho Ukraine
Cũng trong ngày 31/8, Tổng thống Putin cũng đưa ra đề xuất về "quy chế liên bang" để bảo vệ quyền lợi cho những người ly khai ở miền Đông.
Trong cuộc phỏng vấn được phát trên Kênh 1 Đài truyền hình quốc gia Nga, ông Putin nói: "Đã đến lúc chúng ta cần đàm phán một cách nghiêm túc về vấn đề tổ chức chính trị xã hội và cơ chế liên bang của Ukraine. Những người dân sống tại Đông Nam cần có tiếng nói và tiếng nói đó phải được tôn trọng, họ có lợi ích hợp pháp tại đất nước của họ."
Quân ly khai di chuyển trong một trận chiến ở ngoại ô Donetsk |
Đồng thời, ông Putin nhấn mạnh nước Nga sẽ không thể đứng ngoài nhìn khi những người nói tiếng Nga bị bắn ở Ukraine.
Trước đó, trong các cuộc đàm phán bốn bên gồm Nga, Pháp, Đức, Ukraine về một lộ trình hòa bình cho quốc gia Đông Âu này từ tháng 5, tháng 6/2014, phía Nga đã liên tiếp yêu cầu có một quy chế liên bang cho Ukraine.
Theo đó, Ukraine sẽ phải thay đổi Hiến pháp để biến mình từ thể chế của một nước Cộng hòa thành một nước Liên bang, tương tự như Liên bang Mỹ, Liên bang Nga hay Liên bang Đức. Và trong đó, những người ở miền Đông sẽ có những luật lệ riêng phù hợp với cuộc sống và truyền thống của họ.
Với tuyên bố về "quy chế liên bang" này, Moscow một lần nữa đã tăng thêm yêu cầu chính trị đối với chính quyền Kiev về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mà trước đó, yêu cầu về lệnh ngừng bắn lập tức vô điều kiện của Nga đã bị Kiev thẳng thừng bác bỏ.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 31/8 đã tuyên bố các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga là "vô nghĩa và phản tác dụng". Slovakia cũng đe dọa sẽ phủ quyết mọi biện pháp trừng phạt bổ sung.
"Khi chúng ta chưa biết các lệnh trừng phạt cũ có tác dụng thế nào thì tiếp tục trừng phạt là thực sự vô nghĩa. Nền kinh tế của Slovakia đã bị tác động bởi chúng tôi đang sử dụng khí đốt từ nước Nga." - Ông Fico nhấn mạnh.
Với những lệnh trừng phạt mà EU áp dụng, nước Nga đã trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu lương thực, nông sản và khiến nhiều quốc gia bị EU bị thiệt hại nặng nề.
Động thái này phơi bày tình trạng chia rẽ nội bộ của EU do lập trường cứng rắn của khối đối với Moscow.
|
Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét