Khuya 31.8, những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông (HK) dọa chiếm khu trung tâm tài chính, nói thành phố đang bước vào “thời kỳ bất tuân dân sự”, để phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố bầu cử tự do tại HK sẽ dẫn đến “rối loạn xã hội”.
Người ủng hộ dân chủ phản đối đêm 31.8. |
Bắc Kinh trước đây đã hứa kể từ năm 2017 sẽ để người dân HK tự do bầu chức đặc khu trưởng đặc khu hành chính này, khiến các nghị sĩ ủng hộ dân chủ tranh đấu để tổ chức cải tổ cuộc bầu cử.
Nhưng ngày 31.8, Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiểm soát quá trình đề cử và cách tổ chức nhận sự ủng hộ của thường vụ quốc hội nhân dân Trung Quốc (NPC) là: chỉ cho phép từ 2 đến 3 ứng cử viên ra tranh chức đặc khu trưởng, buộc mỗi người phải có sự ủng hộ của ít nhất một nửa thành viên ủy ban bầu cử gồm những người ủng hộ chính quyền Trung Quốc (TQ).
Theo ghi nhận của báo Guardian (Anh), quy định trên loại bỏ hẳn bất kỳ người ủng hộ dân chủ ra ứng cử.
Phó tổng thư ký NPC Li Fei nói với các nhà báo, rằng mở rộng số ứng cử viên sẽ “tạo ra một xã hội rối loạn” và đặc khu trưởng cần thiết phải là người “yêu đảng và yêu nước”.
Ông nói thêm: “Đây là các quyền được ghi trong luật, không phải từ trên trời rơi xuống. Nhiều người HK mất thời gian tranh cãi về những điều không chính đáng trong khi lại không bàn luận về những điều chính đáng”.
Quyết định chỉ cho phép 2-3 ứng viên được thường vụ NPC thông qua nêu: “Từ khi sự thịnh vượng lâu nay và sự ổn định của HK cùng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và phát triển của cả nước bị đe dọa, cần có sự tổ chức bầu cử cẩn trọng và kiên định”.
Quyết định chỉ rõ một ủy ban gồm 1.200 người - được những bậc quyền thế thân Bắc Kinh chọn - sẽ bầu ra một đặc khu trưởng và người này “phải có sự chỉ định của chính quyền trung ương”.
Tuy nhiên, chủ tịch đảng Dân chủ Martin Lee không chấp nhận ý tưởng 2-3 ứng viên sẽ giúp người dân có sự chọn lựa ý nghĩa. Trong đêm tập kết vì dân chủ tối chủ nhật 31.8 qua, ông hỏi người ủng hộ: “Có gì khác biệt giữa một quả chuối hỏng, một trái táo hư và một quả cam thối? Chúng ta muốn một cuộc bầu cử phổ thông rõ ràng, không phải kiểu dân chủ mang đặc trưng TQ”.
Benny Tai, một trong những thủ lĩnh của phong trào “Chiếm khu trung tâm với tình yêu và hòa bình”, nói với hàng ngàn người, rằng thành phố đang bước vào “một thời kỳ bất tuân dân sự”.
Phong trào này ra tuyên bố: “Chúng ta rất lấy làm tiếc, rằng hôm nay, mọi cơ may đối thoại đã cạn và việc chiếm đóng khu trung tâm chắc chắn sẽ xảy ra”. Cách phản đối này sẽ có những hoạt động mở màn, như học sinh - sinh viên sẽ bãi khóa tập thể.
HK từ sau khi Anh trao trả cho TQ hồi năm 1997 đã hưởng sự tự do theo mô hình “một đất nước hai chế độ”. Nhưng từ lúc nắm quyền lực, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình gây sức ép với những luật sư, nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ vốn sợ sự tự do bị hạn chế.
Cuối tuần qua, giới truyền thông nhà nước TQ dẫn lời một cán bộ ngoại giao TQ giấu tên, cảnh cáo một số người ở HK “cấu kết với các thế lực nước ngoài để gây rắc rối cho chính phủ”. Ông nói thêm rằng mục tiêu của những người này là “biến thành phố thành một bàn đạp cho xự xâm chiếm quốc gia”.
Tình hình chính trị HK căng thẳng từ tháng 6, khi các quan chức TQ công bố Sách trắng chủ trương, tuyên “mức độ tự trị của HK hoàn toàn do lãnh đạo trung ương quyết định”.
Đầu tuần này, đơn vị Quân giải phóng nhân dân TQ (PLA) triển khai xe bọc thép ở những khu tất bật của HK. Một số người cho rằng Bắc Kinh thể hiện sự cứng rắn đối với phong trào ủng hộ dân chủ.
Nhưng Chan Kin-man, đồng sáng lập “Chiếm khu trung tâm” nói: “Hãy xem Macau. Người ở đó quá hiền, thậm chí họ không được chọn 2 ứng cử viên của chức đặc khu trưởng. Đó là hậu quả khi người ta không đấu tranh”.
Ngày 31.8, một ủy ban thân Bắc Kinh gồm 400 người tái chỉ định ông Fernando Chui làm đặc khu trưởng Macau thêm 5 năm nữa. Trước đó, một cuộc trưng cầu dân ý qua mạng cho biết trong 8.688 người tham gia, 95% đồng ý nên bầu một đặc khu trưởng qua hình thức bầu cử phổ thông.
Nhiều người HK đã hiểu đây là cách Bắc Kinh muốn kiểm soát hoạt động của HK nên đã xuống đường biểu tình. Phong trào “Chiếm khu trung tâm” đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý qua mạng, thu hút 800.000 người bỏ phiếu cách chọn một đặc khu trưởng.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét