Công chúa Ngoạn Thiềm khiến tướng địch “mệt” đến chết
Theo sử sách, khi nhà Trần mới lập, Nguyễn Nộn (? – 1229) nổi lên như một thế lực chống đối hùng mạnh với triều đình. Tình thế đó khiến Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264) rất lo lắng.
Một mặt, Trần Thủ Độ chia quân chống giữ và sai sứ giả đến đại bản doanh của Nguyện Nộn tỏ ý giao hảo. Mặt khác, ông đã xác tiến việc gả Công chúa Ngoạn Thiềm cho kẻ thù không đội trời chung của nhà Trần.
Sứ mạng của Công chúa Ngoạn Thiềm rất lớn: phải làm sao để vừa từng bước lung lạc Nguyễn Nộn, vừa thường xuyên cung cấp tin tức về tình hình thế lực Nguyễn Nộn cho triều đình rõ. Vớ sứ mạng này, có thể xem Ngoạn Thiềm là nữ điệp viên đặc biệt của Trần Thủ Độ.
Do Nguyễn Nộn rất cảnh giác về chính trị, Công chúa Ngoạn Thiềm đã không thu thập được những tin tức cần thiết để báo cho Trần Thủ Độ. Nàng liền thay đổi chiến thuật, dùng sự quyến rũ của mình để làm “tiêu hao sinh lực” kẻ thù. Và Ngoạn Thiềm đã thành công, nàng công chúa cùng toán người hầu xinh đẹp đã khiến Nguyễn Nộn – vốn có tiếng là kẻ chơi bời – mê mệt trong nhục dục.
Không chịu nổi, chỉ 3 tháng sau, Nguyễn Nộn bị bạo bệnh mà qua đời. Kẻ thù lớn nhất của Trần Thủ Độ đã được loại bỏ mà không tốn nhiều sức lực.
Nàng Ngô Thị Lâm “dắt” kẻ thù vào bẫy
Sử tích kể lại, vào thời điểm gian khó, trước thế lực mạnh từ quân nhà Mạc của Quận Lập, chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) nằm mơ thấy một người phụ nữ mặc áo xanh, tay cầm chiếc quạt đến thưa rằng: “Tướng quân muốn diệt trừ ngụy đảng cần lập kế dụ chúng đến bãi cát ven sông, thiếp sẽ giúp sức trừ được, khỏi phải phiền nhiễu đến dân trong miền”. Nói xong, người phụ nữ buông tay áo ra đi…
Chúa Nguyễn Hoàng tỉnh dậy, nghĩ bụng: “Chiêm bao thấy người đàn bà bảo ta phải lập kế dụ địch, như vậy ắt phải dùng kế mỹ nhân”.
Đúng vào lúc đó, Chúa nhận một nàng hầu tên là Ngô Thị Lâm, có nhan sắc và tài đối đáp hơn người. Ông gọi ngay nàng đến giao nhiệm vụ: “Đem vàng bạc, kỳ nam đến trại quân nhà Mạc, tiến dâng các vật báu, xin mở đường hòa hiếu. Nếu cần, nàng phải ưng chịu cho Quận Lập tư thông, mục đích là làm sao dụ được Quận Lập đến đất Trảo Trảo để có kế diệt trừ”.
Nàng Lâm liền mang lễ vật đến doanh trại địch, dùng sắc đẹp làm Quận Lập mê muội, không nghi ngờ gì hết.
Khi biết mình đã thành công bước đầu, Ngô Thị Lâm yêu cầu Quận Lập lập đàn thề kết nghĩa: “Minh công làm huynh trưởng, bản quan của thiếp làm nghĩa đệ, cùng đồng lòng chung sức may mới tránh khỏi hiềm thù đánh giết lẫn nhau gây đau thương cho trăm họ”.
Quân Lập gật đầu ngay lập tức.
Chúa Nguyễn Hoàng liền thực hiện theo đúng giấc mộng ngày trước, sai người bí mật đến khu vực nàng Lâm và Quận Lập dự định làm lễ thề, dựng một gian miếu tranh, đào hố ngầm bốn phía, chọn một số dũng sĩ cầm khí giới ẩn mình trong hố dùng cỏ lác và cát lấp bên trên ngụy trang.
Đến ngày đã định, nàng Lâm đưa Quận Lập đến miếu tranh – cạm bẫy của chúa Nguyễn – làm lễ thề. Quận Lập chủ quan không đề phòng, chỉ dùng một chiếc đò nhỏ cùng với 30 lính thân hành. Vừa tới nơi, các binh sĩ của chúa Nguyễn “từ dưới đất chui lên” tấn công dữ đội. Quận Lập cố gắng thoát thân, nhưng rốt cục phải bỏ mạng trước kế hoạch hoàn hảo của nàng Lâm và chúa Nguyễn Hoàng…
Công nữ Ngọc Huyên – “siêu” điệp viên của Nguyễn Ánh
Công nữ Ngọc Huyên là con gái trưởng của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sau khi chồng chết, bà cắt tóc đi tu ở xã Vân Dương, Phú Xuân (Huế). Vì thế, bà mới có tên gọi sư cô Vân Dương, hay bà vãi Vân Dương.
Theo sử sách, sau khi quân Tây Sơn chiếm được Phú Xuân và phá hủy lăng tẩm của các chúa Nguyễn, bà rất phẫn uất, sai con rể là Nguyễn Đức Tuấn cùng cộng sự bí mật theo dõi nhất cử nhất động của quân Tây Sơn để thông tin cho Nguyễn Ánh ở Gia Định.
Nguyễn Ánh đã lấy ngôi chùa nơi bà trụ trì làm căn cứ hoạt động cho lính trinh thám nhà Nguyễn, cấp tiền bạc để tiến hành chiêu dụ binh tướng của Tây Sơn. Quân Tây Sơn đã phát hiện ra và tấn công ngôi chùa, nhưng không bắt được bà.
Sau sự kiện đó, bà còn thâm nhập sâu hơn vào nội bộ quân Tây Sơn. Năm 1797, bà dò biết quan bộ binh của Tây Sơn là Nguyễn Đại Phát đã mệt mỏi với nhà Tây Sơn, liền sai Đức Tuấn đi chiêu dụ người này. Đại Phát đã nhanh chóng quy thuận Nguyễn Ánh.
Tiếp đó, phát hiện trong nội bộ Tây Sơn có xung đột bè phái, tướng Lê Chất phải giả chết, về ở ẩn ở núi Trà Đông, bà lại sai người đến dụ Lê Chất về hàng. Sau này Lê Chất đã trở thành một công thần của nhà Nguyễn.
Năm 1800, quân Tây Sơn tập trung vây thành Quy Nhơn, bỏ trống thành Phú Xuân. Ngọc Huyên cho người khảo sát tình hình quân Tây Sơn ở cửa biển Tư Hiền và Thuận An, rồi báo tin cho Nguyễn Ánh. Nhờ tin tức tình báo vô giá này, Nguyễn Ánh đã tổ chức đánh Phú Xuân, phá tan cuộc hành quân của quân đội Tây Sơn và chiếm được Phú Xuân vào năm 1801.
Có thể nói, những đóng góp của công chúa Ngọc Huyên đã góp phần mang lại chiến thắng toàn cục của Nguyễn Ánh trước quân Tây Sơn.
(BKT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét